Học kỳ quân đội đầu tiên ở miền Bắc: Con đã lớn thêm

Học kỳ quân đội đầu tiên ở miền Bắc: Con đã lớn thêm
TP - Suốt học kỳ, các chiến sĩ chỉ có một ngày được gặp người thân. Cười đấy, rồi lại khóc đấy... Cha mẹ vỡ òa vì xúc động và hạnh phúc khi thấy cục cưng của mình rắn rỏi hơn, bản lĩnh hơn nhờ nắng gió thao trường.

>> Tuần lễ tập làm chiến sĩ
>> Em cũng làm được

Học kỳ quân đội đầu tiên ở miền Bắc: Con đã lớn thêm ảnh 1
Những nụ cười trong giờ nghỉ

Ba mẹ yên tâm

Tờ mờ sáng, chị Vi Thị Linh (Quảng Lăng, Chi Lăng, Lạng Sơn) đã có mặt trước cổng doanh trại. Chị bắt ô tô từ Lạng Sơn lên, rồi thuê xe ôm tới nơi từ sớm. Chị quay đi lau vội giọt nước mắt khi thấy con gái cưng chững chạc trong bộ quân phục.

Con gái chị - Hoàng Hồng Vân (THPT Chi Lăng A, Lạng Sơn) ùa vào lòng mẹ, ríu rít: “Ngày nào con cũng dậy sớm, tập thể dục, tự giặt đồ. Bữa nào cũng ăn hết suất cơm của mình mẹ nhé”.

Chưa đến giờ nghỉ giải lao, nhiều phụ huynh đã đợi sẵn để thăm nom chiến sĩ. Họ đứng từ xa dõi theo các con luyện tập.

Dạo một vòng quanh nơi ăn ở của cục cưng, nhìn giường chiếu phẳng phiu, chăn màn gấp vuông vức, gọn ghẽ, có phụ huynh thốt lên: “Không đến tận nơi, xem tận mắt chắc không dám tin. Bình thường cu cậu ở nhà chẳng chịu động tay động chân việc gì”.

Ba mẹ chiến sĩ Giang Thành Lộc (THPT Yên Hòa, Hà Nội) xin nghỉ làm cả ngày đến thăm con. Lộc là con một, được cưng chiều từ nhỏ. Chị  Hoàng Thu Hằng, mẹ em, kể: “Đấu tranh tư tưởng mãi mới  quyết định đăng ký cho con đi, vì xót con, sợ con khổ”.

Học kỳ quân đội đầu tiên ở miền Bắc: Con đã lớn thêm ảnh 2
Chị Hoàng Thu Hằng, phụ huynh chiến sĩ Giang Thành Lộc vui mừng gặp con trai

Mấy ngày trong quân ngũ, nom Lộc đen và gầy hơn, nhưng chững chạc và rắn rỏi hẳn. “Gặp cháu thế này, mừng và yên tâm lắm. Rất ra dáng chiến sĩ”.

Hai mươi phút ngắn ngủi - ba mẹ, con cái mừng mừng, tủi tủi trò chuyện, hàn huyên: “Ngủ ngon giấc không con?” “Luyện tập có vất vả?”. “Các bạn mới ở đây thế nào”?

Đáp lại lời động viên của mẹ: Cố gắng con nhé, chiến sĩ Nguyễn Đức Hà (THPT Yên Hòa, Hà Nội) nhoẻn cười, đưa tay chào đúng kiểu nhà binh, kèm lời hứa chắc nịch: “Ba mẹ cứ yên tâm. Con biết cách tự lo cho mình”.

Nhật ký tân binh

Ngày thứ nhất: …cảm giác khoác lên mình chiếc áo quân phục thật lạ, thấy mình lớn thêm lên,…

Ngày thứ hai: Mọi người thân thiện và gần gũi quá. Mình hết nhớ nhà rồi. Luyện tập có hơi vất vả nên ăn khỏe và đi ngủ sớm…

Ngày thứ ba: Hành quân dã chiến rất vui. Mình biết thêm nhiều thứ. Ba mẹ chắc không ngờ con gái có thể tự mắc võng, dựng lều ngủ giữa rừng…

Đó là những trang đầu cuốn nhật ký của chiến sĩ Nguyễn Thanh Hương (THPT Chu Văn An, Thành phố Lạng Sơn).

Gửi chiến sĩ nhỏ của mẹ

Sau kỳ học này đúng một tuần là sinh nhật lần thứ 18 của con. Con có vui không con trai, khi mà món quà đầu tiên mẹ tặng cho ngày con sắp trưởng thành lại là một kỳ Rèn luyện??? (SIA’blog).

Cuối ngày, các chiến sĩ khép lại chuỗi hoạt động bằng việc viết nhật ký - lưu giữ từng khoảnh khắc, ghi nhớ những kỷ niệm…

Chiến sĩ Lê Thảo Ngân (PTCS Thực Nghiệm, Hà Nội) viết: Sinh nhật trong quân ngũ - sinh nhật đặc biệt nhất từ trước đến nay. Không có ba mẹ ở bên, không có nến hay bánh sinh nhật. Nhưng đồng đội, đồng chí đã dành cho mình tình cảm thật ấm áp…

Chiến sĩ Võ Thành Nghĩa (THPT Amsterdam, Hà Nội) dùng bút đỏ tô đậm dòng tâm sự: Mình sơ ý làm mất ví. Anh Bùi Văn Định chiến sĩ trung đoàn nhặt được và lập tức đem trả lại. Cảm ơn anh! Phục anh lắm vì sự trung thực, thẳng thắn. Mình phải học đức tính ấy.

Mười ngày tập làm chiến sĩ - mười ngày trải nghiệm của các cậu ấm, cô chiêu. Trang nhật ký cuối cùng lúc chia tay, cả đại đội cùng nắn nót ghi: Học kỳ quân đội- Những tháng ngày không thể nào quên…

56 chiến sĩ được tuyển chọn từ các trường THCS, THPT trên toàn miền Bắc là những học sinh có thành tích học tập, rèn luyện đạo đức tốt, nhiều em là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn tiêu biểu.

T.Ư Đoàn hỗ trợ mỗi chiến sỹ tham dự học kỳ trong quân đội ba triệu đồng. Ngoài ra, mỗi chiến sỹ phải đóng thêm khoản học phí một triệu đồng.

MỚI - NÓNG
Sang năm, Kiên Giang sẽ có 100.000 ha lúa chất lượng cao
Sang năm, Kiên Giang sẽ có 100.000 ha lúa chất lượng cao
TPO - Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu, đến năm 2025 triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 100.000 ha, tăng lên gấp đôi đạt 200.000ha vào năm 2030.