Bí thư Đoàn ĐH QGHN Hứa Thanh Hoa cho biết, Đoàn ĐH QGHN quyết tâm xây dựng một mô hình vừa ứng dụng được nền tảng chuyển đổi số, vừa đáp ứng nhu cầu được cống hiến của giới trẻ, đồng thời hỗ trợ học sinh của các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây cũng là địa bàn mà Đoàn ĐH QGHN hoạt động trong nhiều năm qua. Từ đó, Đoàn ĐH QGHN có ý tưởng tổ chức tình nguyện dạy học trực tuyến cho học sinh miền núi.
Sinh viên ĐH QGHN tình nguyện truyền tải tri thức tới học sinh vùng khó. Ảnh: ĐH QGHN cung cấp |
Từ mùa hè năm 2023, Đoàn ĐH QGHN có 10 đội hình hoạt động tình nguyện tại huyện Pắc Nậm của tỉnh Bắc Kạn. Nhờ kinh nghiệm thâm niên tổ chức hoạt động tình nguyện tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Đoàn thanh niên ĐH QGHN nhận thấy rõ những khó khăn của học sinh dân tộc trong việc học tập và ôn tập để thi ĐH.
“Bắt nguồn từ mục tiêu thúc đẩy cơ hội tiếp cận giáo dục, rút ngắn khoảng cách phát triển giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, dự án “Học cùng sinh viên ĐH QGHN” được triển khai với kế hoạch hành động thiết thực”, chị Hoa nói.
Dự án được tổ chức từ tháng 3 tới tháng 7 với nội dung chính xoay quanh việc hỗ trợ ôn thi, bồi đắp kiến thức, kỹ năng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh vùng dân tộc thiểu số từ đó nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH cho các em trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Kết nối
“Chúng tôi cũng kỳ vọng, học sinh, tình nguyện viên tham gia dự án hiểu, trân trọng ý nghĩa tốt đẹp của dự án và tiếp tục lan tỏa để có nhiều hơn nữa học sinh được tiếp nhận hỗ trợ từ dự án”, chị Hoa chia sẻ. Dự án đang được triển khai tại tỉnh Bắc Kạn.
Là một trong những sinh viên tình nguyện tham gia dự án, Nguyễn Trí Dũng, Trường ĐH Y Dược, ĐH QGHN, cho hay lần đầu tiên đứng trên lớp với vai trò “thầy giáo” giảng bài trong một lớp học rất đặc biệt, vừa vui khi được chung tay, góp sức làm điều có ích cho cộng đồng, xã hội mà cụ thể là học sinh vùng khó khan, vừa cảm thấy tự hào vì bản thân đã trưởng thành hơn trong việc dẫn dắt, kết nối ước mơ của học sinh vùng cao.
Dũng bồi hồi khi được sống lại những ngày ôn thi đầy căng thẳng cùng quyết tâm chinh phục cánh cửa ĐH. Dũng khẳng định sinh viên tình nguyện luôn bên cạnh sẻ chia kinh nghiệm trong học tập để học sinh vững tin định hướng chọn ngành, chọn nghề, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Dự án đã có 7 anh chị cán bộ Đoàn, Hội, giảng viên trẻ tham gia Ban điều phối; 139 bạn sinh viên tình nguyện tham gia làm gia sư trực tuyến; 90 bạn sinh viên tình nguyện tham gia khối vận hành; có 273 học sinh lớp 11 và lớp 12 đăng ký thụ hưởng chương trình.
Chị Hoa cho hay, dự án được thiết kế nhấn mạnh vào sự đồng hành, kết nối xuyên suốt giữa sinh viên ĐH QGHN với nhóm học sinh vùng dân tộc thiểu số, nhằm đem tới những chia sẻ bổ ích, gần gũi.
Đây là cơ hội để chính sinh viên ĐH QGHN được vận dụng kiến thức, chuyên môn để tham gia giải quyết vấn đề xã hội, đồng thời phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo.
Hoạt động chính của dự án bao gồm xây dựng cộng đồng “Học cùng sinh viên ĐH QGHN” để hỗ trợ giải đáp thắc mắc và truyền động lực cho học sinh dân tộc thiểu số chuẩn bị tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Hoạt động được thực hiện qua các bài viết truyền thông trực tuyến, chia thành hai chuyên mục: “La bàn Gen Z” - tư vấn hướng nghiệp, dự kiến lên sóng vào thứ 7 hằng tuần và “Ký sự ôn thi cùng Gen Z” - chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần học tập hướng tới kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hoạt động tiếp theo là gia sư trực tuyến bằng mô hình 1 tình nguyện viên kèm 2 học sinh đối với các môn học: Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh. Đây là hoạt động chủ đạo, dự kiến thực hiện từ 18/3 - 1/7.
Tình nguyện viên được chọn là sinh viên ĐH QGHN có điểm thi tốt nghiệp THPT khi trúng tuyển vào ĐH QGHN đạt từ 8 trở lên, điểm rèn luyện đạt từ 80 trở lên. Cuối cùng là xây dựng kho bài giảng trực tuyến trên hệ thống Google Classroom. Hoạt động được thực hiện bởi các tình nguyện viên, nhằm cung cấp nguồn tài liệu các môn học, phục vụ quá trình ôn luyện và thi thử của học sinh.