Gần 500 người cùng 5 voi, 6 ngựa tổ chức thành 3 đạo: tiền đạo, trung đạo và hậu đạo xuất cung từ Ngọ Môn lên đàn Nam Giao làm lễ tế và sau đó hồi cung về Ngọ Môn. Lễ hội Nam Giao thu hút hàng vạn khách du lịch và công chúng đến dự. ảnh: Quốc Việt - TTXVN |
Lễ hội Nam Giao gồm 3 phần: Đoàn Ngự đạo làm lễ xuất cung đến Nam Giao, hành lễ Tế Giao và Đoàn Ngự đạo làm lễ hồi cung về Ngọ Môn. Xuất cung từ Ngọ Môn (Đại Nội-Huế), đoàn Ngự đạo tổ chức thành 3 đạo tiền đạo, trung đạo và hậu đạo, với sự tham gia của 500 người, cùng 5 tượng binh (voi), và 6 mã binh (ngựa), đủ các quan văn, võ, binh lính, với đầy đủ trang phục truyền thống giống như đội hình của một đoàn Ngự đạo ngày xưa.
Vua lên đàn Nam Giao làm lễ tế. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN |
Đoàn Tiền đạo gồm 2 voi dẫn đầu, với đầy đủ các tượng binh, quản tượng, binh lính cầm cờ Ngũ hành, Nhị thập bát tú, lễ bộ, phan, trường kiếm, chiêng, lọng đỏ và các nhạc công phường Ngũ lôi đồng cổ, thể hiện uy quyền của đoàn Ngự đạo. Nối theo là đoàn Trung đạo gồm có vua và các đại thần, với đầy đủ quan quân gánh kiệu, ghế ngự, liễn, lọng vàng, lọng đỏ thêu hình 9 con rồng; đội Đại nhạc, nhạc công Nhã nhạc, các vũ sinh, vũ sư đội Bát dật, binh lính cầm cờ ngũ hành, tứ phương, phong, vân, lôi, vũ, long phụng nhật nguyệt.
Kết thúc là đoàn Hậu đạo, với đội hình 5 cờ ngũ hành gồm: kim, mộc, thổ, thuỷ, hoả, các quan văn, võ, chánh quản, các hoàng thân trong hoàng tộc, các nhạc công ngũ lôi, diễn viên múa hoa đăng, binh lính gánh chiêng trống, gánh cờ ngũ hành, thập nhị thời thần tượng trưng cho thời tiết của các mùa trong năm.
Phần nghi lễ ở đàn Nam Giao được xem là phức tạp nhất với Lễ thượng hương và nghinh thần, Lễ dâng ngọc và lụa (Lễ điện ngọc bạch), Lế tấn trở, Lễ sơ hiến, Lễ á hiến, Lễ chung hiến.
ảnh: Quốc Việt - TTXVN |
Không khí sôi động trong suốt chặng đường đoàn Ngự đạo xuất cung và hồi cung đã thu hút hàng vạn khách du lịch trong nước, nước ngoài và công chúng đến với lễ hội. Những vẻ đẹp truyền thống thật sự đã được khắc hoạ đậm nét qua một lễ hội mang tính phục dựng trên cơ sở kế thừa và giàu tính nhân văn.
Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết đây hoàn toàn là một lễ hội mang tính chất truyền thống, cầu cho mưa thuận, gió hoà, quốc thái dân an, non sông thái bình, thịnh vượng.
ảnh: Quốc Việt - TTXVN |
Lễ hội Nam Giao phần nào tái hiện lại được nét đẹp, hoành tráng, đặc trưng cho văn hoá nghi lễ cung đình. Mặt khác, Lễ hội Nam Giao còn tạo thêm được không gian diễn xướng cho Nhã nhạc Huế, vốn bấy lâu chỉ diễn xướng, phục vụ trong không gian nhỏ hẹp của các nhà hát.
TTXVN