Hoàng Trang: Làm nghề mình yêu cũng là thiền

Hoàng Trang nhận một vai nhỏ trong vở “Nàng Kiều” (đạo diễn Amélie Niermeyer) do cô viết kịch bản
Hoàng Trang nhận một vai nhỏ trong vở “Nàng Kiều” (đạo diễn Amélie Niermeyer) do cô viết kịch bản
TP - Năm 2019 là năm khá đặc biệt và nhiều chuyện vui với Trang. Trong dự án Sân khấu Thể nghiệm “Nàng Kiều”, Trang được Nhà hát Tuổi trẻ giao “việc biên kịch mình thích, vai diễn mình thích” trong 2 /4 vở kịch ngắn. Cô tham gia nhiều dự án nghệ thuật đương đại với nghệ sĩ quốc tế. Công việc kinh doanh tại công ty sản xuất thú nhồi bông vận hành hiệu quả.

Làm diễn viên, viết kịch bản, giám đốc kinh doanh, cả ba nghề đều được Hoàng Trang yêu như nhau. Không nổi tiếng nhờ sân khấu nhưng nếu giả định chọn nghề cho kiếp sau thì cô vẫn chọn diễn xuất và viết kịch bản.

Sống trọn với vai phụ

Học cùng khóa Sân khấu Điện ảnh với nhiều diễn viên nổi tiếng như Bảo Thanh  “Về nhà đi con”, Trọng Hùng “Người phán xử”, MC Đỗ Duy Nam... nhưng nhiều bạn cùng khóa không thể nhớ ra Hoàng Trang khi gặp lại. “Thời đó, giờ ra chơi tôi ít khi ra sân giao lưu mà thích ngồi trong lớp đọc kịch bản, tìm hiểu tư liệu, lịch sử liên quan đến bối cảnh và nhân vật”.

Tốt nghiệp khoa diễn viên, Trang đầu quân về Nhà hát Tuổi Trẻ. Những năm đầu, Trang cũng được giao vai cứng (vai chính, vai khó) nhưng rồi nữ diễn viên trẻ lấy chồng, sinh con và bỏ nghề. Nuôi con nhỏ, trải qua cú sốc ly hôn, “lúc đó tôi bơ vơ, không tiền, không nghề nghiệp chẳng biết bấu víu vào đâu”. Trang thử bán hàng, đi học marketing rồi nhận việc quản lý cho một công ty. Cuộc sống vẫn trục trặc không đâu vào đâu, cô trốn vào thiền. Sau 3 năm, Trang trở lại nhà hát xin đi làm lại. “Trở lại công việc mình say mê, tâm hồn nhẹ nhàng thư thái hẳn. Làm nghề mình yêu cũng là thiền, tôi nhận ra vậy”.

Hầu như Trang chỉ được giao diễn vai phụ, vai nhỏ nhưng cô không bao giờ từ chối. Trang nhớ lại thời mới vào nghề trong lúc các học sinh chỉ mong nhận được vai chính thì cô giáo Lê Khanh vẫn nhận lời vai diễn chỉ bước ra sân khấu có 2 phút “nhưng khán giả vỗ tay trọn 2 phút đó”. Lúc về NS Lê Khanh nói với các trò “Dù 1 phút trên sân khấu cũng là khoảnh khắc của mình, bạn phải chiếm trọn nó”. Từ lúc đó vai nhỏ Trang cũng tìm hiểu kỹ và nhiệt tình sống trọn.

Có một vài lần Trang thử sức với phim truyền hình nhưng chưa tìm thấy duyên. Cô thấy tò mò với việc viết kịch bản nhiều tập hơn là diễn xuất.

Để dành “sắc sảo” vào nhân vật

Thời kỳ đầu, Trang nhận lời viết kịch bản cho một số tập phim sitcom “nhào nặn vật vã mới được 200-300 nghìn / 1 tập dài 15-20 phút”. Trang học hỏi kinh nghiệm của nhiều tác giả đàn anh, dần dần cô viết nhanh hơn, kỹ thuật hơn. Nhưng rồi, cô từ chối viết sitcom “muốn kịch bản có giá thì phải viết ra thứ có giá, tôi thấy lời khuyên này quá đúng”. Lúc mới vào nghề, ai đặt gì thì viết nấy, giờ thì ý tưởng không hay cô sẽ từ chối. Mới đây nhất Trang vừa hoàn thành phân khúc 10 tập phim truyền hình “Kiều” (dài 60 tập) của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Có nhiều kịch bản Trang không cần đứng tên miễn là cát-sê tốt. Mức độ chuyên nghiệp ở mức “viết xong cắt đuôi quên luôn để tập trung vào cái mới”. Nhuận bút biên kịch trở thành nguồn thu nhập chính của nữ diễn viên.

Bên cạnh việc biên kịch kiếm tiền, Hoàng Trang dành tâm tuyết cho khoảng sân chơi tinh thần của nghệ thuật đương đại. Với một số kịch bản dự thi Liên hoan phim ngắn, thể nghiệm, Trang hầu như chỉ lấy nhuận bút tượng trưng. Tương tự, với dự án của Trung tâm Nghệ thuật Đom Đóm, Sân khấu “Nàng Kiều” (viện Goethe), dự án “Hiệu ứng Bolero” (nghệ sĩ Moi Trần)... Trang đều tham gia hoặc biên kịch hoặc diễn xuất trên tinh thần cùng trải nghiệm sáng tạo.

Đọc kịch bản “Kiều” do Hoàng Trang viết, nữ đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer hầu như không sửa gì vì nội dung cập nhật hiện tại và kết cấu chặt chẽ. Trong một tiệc sinh nhật tại quán bar, một phụ nữ trẻ (Hoạn Thư) bày mưu để chồng (Thúc Sinh) lộ mặt ngoại tình với kẻ thứ ba (Kiều). Các khách trong quán lao vào cuộc tranh luận về tình tay ba. Nội dung tin nhắn tư tình của Thúc Sinh và Kiều được phóng to trên màn hình giữa sân khấu. Khán giả thích thú vì ngôn ngữ rất đời, rất “cộng đồng mạng” của các nhân vật. Tâm lý các nhân vật nữ tình địch được khắc họa chính xác.

Khán giả có thể hiểu tác giả lấy chất liệu từ đâu cho các đoạn thoại sống động nếu họ từng là fan theo dõi trang cá nhân của Hoàng Trang. Chỉ mới một năm trở về trước, trang facebook của cô có 10.000 người theo dõi. Mỗi ngày cô đều có một status hoặc live stream kể chuyện về tâm lý đàn ông đàn bà, chia sẻ kinh nghiệm vượt qua  hoàn cảnh trớ trêu, giúp chị em tự tại, gỡ rối hộ anh em. Rất nhiều phụ nữ vào chat tâm sự câu chuyện của họ, tìm lời tư vấn. Nhiều tình huống kịch tính đã được nữ biên kịch đưa vào tác phẩm.

Hoàng Trang nhớ lại, hồi đó cô định dựa vào khiếu kể chuyện để bán thuốc giảm béo online “song tôi thấy việc đó không hợp với mình lắm”. Ngoài ra, cô nói như bị mắc nợ fan của mình. Nhiều phụ nữ đòi tự tử vì chồng phản bội, có người muốn giết tình địch... và Trang phải mất công sức can ngăn. “Tôi quyết định bỏ “nghề” trò chuyện sắc sảo trên facebook, rút danh sách bạn bè xuống vài trăm”. Đứng về “phe nước mắt” nhưng Trang nhận ra hai điều “không nên khuyên hay phán xét ai khi mình thực sự không ở hoàn cảnh của người ta” và “đàn ông tệ cũng có nỗi khổ của riêng họ”.

Thư giãn bằng kinh doanh

Cuối thu vừa rồi, Trang được giao vai mẹ của Romeo trong vở “Romeo và Juliet” do đạo diễn người Áo Beverly Blankenship dàn dựng tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Như mọi lần, cô hào hứng với vai diễn phụ kèm mấy vai quần chúng chỉ ra sân khấu có vài phút. Dự án cần đẩy nhanh tiến độ nên cả đoàn phải tập ngày 3 ca trong 2 tuần. Trong giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, Trang chạy lên phố cổ kiểm tra showroom thú nhồi bông mới mở hoặc hẹn khách hàng ký hợp đồng ngay tại quán cà phê.

Cơ duyên trở thành giám đốc kinh doanh công ty Kym Việt cũng là nhờ sân khấu. Sau một vài lần dạy diễn kịch dựng vở cho một nhóm người trẻ khuyết tật, Trang được biết về Công ty thủ công chuyên sản xuất thú nhồi bông Kym Việt. Nhận thấy giám đốc Phạm Việt Hoài và nhà thiết kế Kiều Tuấn tâm huyết với những sản phẩm tinh tế đầy sáng tạo - Trang ngỏ ý muốn cộng tác và cô đã trở thành người của Kym Việt. Cô thực sự thích công việc này cũng như slogan “người khuyết tật không được tạo ra sản phẩm khuyết tật”. Những lúc đầu óc căng thẳng, giám đốc kinh doanh phóng xe xuống xưởng ở Mỗ Lao (Hà Đông) ngồi khâu vá cùng thợ để thư giãn.

Hỏi Trang: Tại sao bạn có thể thích cùng một lúc những công việc khác nhau đến thế?; trả lời: “Tôi lấy việc này để “đổi gió” cho việc kia”. Kinh doanh sản phẩm đẹp mắt, làm việc cùng đồng đội sáng tạo văn minh cũng dễ chịu như thiền vậy. “Không thể nào không lâng lâng khi bạn biết rằng, những chiếc gối kê cổ mềm mại, đường khâu hoàn hảo trên máy bay của Hãng hàng không lớn nhất VN là do thợ của bạn làm nên”.

Chẳng đời nào bỏ sân khấu      

Năm lên 6 tuổi, Trang được bố mẹ cho đi học múa và diễn kịch ở Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Đến 8 tuổi mẹ thấy lơ là học văn hóa, bắt Trang nghỉ diễn. Năm lớp 9 cô lại xin vào câu lạc bộ kịch, đi diễn tại các sự kiện trong thành phố. Thi đại học, trong hồ sơ cô chỉ ghi một nguyện vọng duy nhất “Đại học sân khấu điện ảnh”. Mọi người hỏi “nhỡ trượt thì sao”, Trang bảo “trượt thì đi mở tiệm cắt tóc gội đầu”. May quá, đỗ đại học. Từng thử bỏ sân khấu một lần, biết cảm nhận tiếc nuối thế nào rồi nên “tình huống bỏ nghề để làm việc thu nhập cao hơn sẽ không lặp lại”.

Trang thổ lộ những khoảnh khắc trong ngày mà cô yêu thích là lúc vở diễn hạ màn, lên xe để được về nhà thật nhanh gặp hai người thân thương - con trai và chàng người yêu. Là những buổi ngồi trong quán cà phê yên tĩnh viết kịch bản. Là những lúc ngồi khâu đồ chơi vải trong nhà xưởng.

Mọi người thường phân biệt rõ ràng nghề chính và nghề phụ, Trang thì không. Trang ấp ủ dự định một lúc nào đó sẽ đi học đạo diễn để dàn dựng kịch bản của chính mình.

 
Hoàng Trang: Làm nghề mình yêu cũng là thiền ảnh 1 Tranh: nguyễn văn hổ
Hoàng Trang: Làm nghề mình yêu cũng là thiền ảnh 2

Hoàng Trang diễn viên, biên kịch

Hoàng Trang: Làm nghề mình yêu cũng là thiền ảnh 3

Hoàng Trang vào vai Kiều đương đại trong vở “Nàng Kiều” của đạo diễn Bùi Như Lai

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.