Hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả của hoạt động trọng tài

0:00 / 0:00
0:00
Tại Việt Nam, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (“Luật TTTM 2010”) đã tạo cơ chế pháp lý tốt hơn cho hoạt động trọng tài thương mại, giúp công tác quản lý trọng tài thương mại được thống nhất; giúp các tổ chức trọng tài thương mại và trọng tài viên có cơ sở thuận lợi để triển khai hoạt động.

Tuy vậy, sau hơn 10 năm triển khai, Luật TTTM hiện hành cũng đứng trước nhu cầu cần sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình mới. Vậy đâu là những thành tựu luật TTTM đã mang lại và đâu là những điểm cần hoàn thiện? Những phân tích, chia sẻ của Ls. Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

PV: Thưa ông, xin ông có thể đánh giá một số thành tựu mà Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 đã đem lại sau 13 năm thực thi, thưa ông?

Ls. Vũ Ánh Dương:

Luật TTTM được thông qua năm 2010 có thể nói là một bước tiến lớn và về cơ bản đã đáp ứng những đòi hỏi cấp bách trong giải quyết tranh chấp về thương mại trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh việc khắc phục được các bất cập của Pháp lệnh TTTM 2003, Luật TTTM 2010 đã tiếp thu các tiêu chuẩn và thực tiễn pháp luật trọng tài quốc tế nhằm thuận lợi hóa và thúc đẩy trọng tài trở thành phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và được ưu tiên lựa chọn.

Các nguyên tắc quan trọng của Luật Mẫu về Trọng tài Thương mại Quốc tế của Ủy ban Pháp Luật Thương mại Quốc tế của Liên hợp quốc (Luật Mẫu UNCITRAL) đã được tiếp thu đưa vào Luật TTTM 2010 bao gồm: tôn trọng tối đa tự do thỏa thuận của các bên, tính độc lập của thỏa thuận trọng tài và vấn đề thẩm quyền của thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, tính chung thẩm của phán quyết trọng tài, nguyên tắc tố tụng phải hợp thức, và nguyên tắc không công khai. Do đó, có thể thấy rằng Luật TTTM về cơ bản đáp ứng các yêu cầu giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài tại Việt Nam và tương thích với pháp luật và thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế.

Một thành tựu quan trọng nữa là Luật TTTM cũng đã xác lập tương đối rõ ràng vai trò của Tòa án đối với hoạt động trọng tài. Thực tiễn trọng tài quốc tế khẳng định tòa án quốc gia và hệ thống tư pháp1 có vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động trọng tài. Tòa án không chỉ thực hiện chức năng giám sát mà còn hỗ trợ hoạt động trọng tài, đảm bảo quá trình trọng tài tuân thủ pháp luật, đảm bảo quá trình tố tụng trọng tài diễn ra một cách thuận lợi và có hiệu quả.

Sự ra đời của Luật TTTM đã tạo dựng khung khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động trọng tài, thúc đẩy sự phát triển của hoạt động trọng tài thương mại tại Việt Nam trong thời gian qua. Luật TTTM cũng là nền tảng cho sự phát triển của hoạt động trọng tài. Theo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật trọng tài thương mại của Hội Luật gia Việt Nam, đã có sự gia tăng và phát triển cả về số lượng trung tâm trọng tài mới được thành lập, số vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, số lượng Trọng tài viên được kết nạp kể từ khi ra đời Luật TTTM đến nay. Phương thức trọng tài đã dần khẳng định được vị thế và vai trò trong việc giải quyết tranh chấp, góp phần gây dựng và củng cố niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp về một phương thức giải quyết tranh chấp nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả.

Hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả của hoạt động trọng tài ảnh 1

PV: Thưa ông, bên cạnh những hiệu quả đạt được, Luật trọng tài Thương mại năm 2010 có còn tồn tại những hạn chế gì cần phải tiếp tục hoàn thiện không, thưa ông?

Ls. Vũ Ánh Dương:

Luật TTTM đã khắc phục được rất nhiều hạn chế của Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 về các quy định đối với các căn hủy phán quyết trọng tài, và tinh thần của Luật Trọng tài thương mại là hạn chế tối đa tình trạng hủy phán quyết trọng tài thiếu căn cứ pháp lý. Tuy vậy, trong thực tiễn triển khai áp dụng các quy định của Luật TTTM, các căn cứ hủy phán quyết trọng tài hiện đang được giải thích, áp dụng chưa đúng với tinh thần nói trên và có một số hạn chế.

Ví dụ, Luật TTTM quy định căn cứ hủy do “phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, nhưng lại không có quy định về cách xác định thế nào là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Mặc dù, Nghị quyết số 01/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao đã đưa ra hướng dẫn về vấn đề này nhưng vẫn chưa rõ ràng, điều này dẫn đến việc áp dụng và giải thích thiếu thống nhất đối với căn cứ nêu trên.

Ngoài ra, căn cứ hủy do “chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo” cũng là vấn đề gây tranh cãi. Bởi Luật TTTM đã xác lập nguyên tắc khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì Tòa án không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng Trọng tài đã giải quyết. Vậy việc Tòa án xem xét đánh giá lại chứng cứ có được coi xem xét lại nội dung vụ tranh chấp hay không?

Bên cạnh đó, Nghị quyết 01/2014 đưa ra hướng dẫn đối với trường hợp Tòa án xét căn cứ hủy liên quan tới thành phần Hội đồng Trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc trái với các quy định Luật TTTM. Theo đó, Tòa án phải xem xét và đánh giá xem những vi phạm đó có “nghiêm trọng” hay không. Tuy nhiên, lại chưa có hướng dẫn thế nào là vi phạm nghiêm trọng. Điều này dẫn đến trên thực tế, đối với cùng một vấn đề nhưng có tòa án cho rằng đó là vi phạm nghiêm trọng, nhưng tòa án khác lại cho rằng không phải vi phạm nghiêm trọng. Trong khi đó, đánh giá này lại có thể dẫn tới hai kết quả khác nhau khi yêu cầu hủy có thể được chấp nhận hoặc từ chối.

Hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả của hoạt động trọng tài ảnh 2

PV: Thưa ông, vậy chúng ta cần có những giải pháp gì để tăng tính hiệu quả của hoạt động trọng tài, thưa ông?

Ls. Vũ Ánh Dương:

Để tăng hiệu quả và hấp dẫn của phương thức trọng tài, bên cạnh việc sửa Luật TTTM, theo tôi cần có một số giải pháp sau:

Trước hết, Nhà nước cần tiếp tục có thông điệp và chính sách khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mạnh mẽ hơn nữa. Hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, bên cạnh phương thức tố tụng tòa án truyền thống sẽ giúp các doanh nghiệp tự mình quyết định lựa chọn dùng phương thức nào cho phù hợp với tranh chấp cụ thể của mình.

Thứ hai, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về trọng tài, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả, đảm bảo phù hợp với pháp luật và thực tiễn về trọng tài thương mại quốc tế.

Thứ ba,các tổ chức trọng tài cũng phải phát huy năng lực và vai trò trong việc giải quyết tranh chấp, không ngừng cải tiến quy trình giải quyết tranh chấp để khẳng định được uy tín và chất lượng. Các Trọng tài viên phải đảm bảo độc lập, vô tư và khách quan, giỏi về chuyên môn, có kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết tranh chấp tốt.

Cuối cùng là cần có chiến dịch tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức về trọng tài để người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu được các ưu thế của phương thức trọng tài. Rõ ràng, trọng tài có rất nhiều ưu điểm và thuận lợi đó là linh hoạt, nhanh chóng, tôn trọng tối đa ý chí tự do thỏa thuận của các bên. Nếu được tuyên truyền tốt sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động trọng tài phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả của hoạt động trọng tài ảnh 3

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.