Hoa xương rồng trên cát

Hoa xương rồng trên cát
TP - Tôi vốn dị ứng với lối ví von “hoa xương rồng trên cát” để nói về cái sự vươn lên từ khó khăn, vất vả, nếu như không có một ngày tôi đến Ninh Thuận gặp đúng mùa xương rồng nở hoa.
Hoa xương rồng trên cát ảnh 1
Inrasara

Phải nói ngay điều này, quê tôi ở Thừa Thiên Huế, nơi cũng có những động cát chạy dài trắng xóa và trên đó chỉ có một thứ sống được, sống rất mãnh liệt, là xương rồng. Và tôi đã nhiều lần thấy xương rồng ở đây nở hoa.

Nhưng phải thấy đúng xương rồng Ninh Thuận, ở dưới chân ngôi tháp Chăm nổi tiếng trong thị xã Phan Rang, nở hoa thì mới biết thế nào là... hoa xương rồng.

Nó mỏng manh, trong suốt, trinh trắng, kiêu sa, một vẻ đẹp quý phái sang trọng, đối lập với cái xù xì cằn cỗi của gốc mẹ xương rồng. Hoa xương rồng nhiều màu, nhưng hai màu đẹp nhất là vàng và phớt hồng.

Giữa bụi xương rồng, bỗng bật lên một bông hoa bằng bông hoa hồng, nhưng khác hoa hồng ở cái mong manh như có như không, thoảng như một tia nắng bất chợt, vô định, như sẵn sàng biến mất, ngạo nghễ mà yếu đuối, không ai đi qua mà không ngoái lại, tần ngần lặng lẽ, thảng thốt, và rồi lặng đi trước một kỳ quan của thiên nhiên.

Cái xứ Phan Rang, Ninh Thuận cát trắng nắng lửa ấy mà sinh ra mấy thứ đặc sản rất lạ. Ngoài hoa xương rồng thì còn nho, có ai hình dung những chùm nho chín mọng hấp dẫn ngon lành mát lạnh lại chọn xứ nắng đến quắt người quắt cây quắt đất này làm nơi gửi mình mà dâng hiến mà ngọt ngào. Rồi cừu.

Cừu và dê Phan Rang nổi tiếng. Những tháng mùa khô, cỏ cây chết hết, người ta phát minh - phải gọi đúng là phát minh - ra thức ăn cho cừu bằng cách dùng cỏ khô đốt xương rồng.

Xương rồng héo thì... lùa cừu vào ăn, một kiểu tạo thức ăn có một không hai ở cái xứ ít mưa nhất nước, khô khát quanh năm... Và bây giờ, Phan Rang, Ninh Thuận có thêm một đặc sản là... Inrasara.

Đấy là một người đàn ông rất... đàn ông. Khó đoán tuổi nhưng dễ gần. Quen nhau trên hai chục năm, mỗi lần gặp là mỗi lần anh tạo cho tôi một sự ngạc nhiên.

Gã này đã từng đi học đại học nhưng rồi giữa chừng lại bỏ để... tự học. Rồi quay lại trường đại học với tư cách là một chuyên gia văn hóa Chăm. Nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian rồi thôi.

Vợ là một hoa hậu Chăm, là chủ của cơ sở dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp nổi tiếng. Nhờ vợ kinh doanh mà có tiền nghiên cứu, làm thơ và... đi. Ngoài làm thơ thì Sara còn nghiên cứu văn hóa Chăm, đã xuất bản nhiều sách do chính anh sưu tầm và dịch.

Dạo gần đây nhảy cả vào phê bình và nghiên cứu thơ. Gần như là một mình xuất bản một tờ Tạp chí Chăm là Tagalau, mà như anh tiết lộ, mỗi số anh... lỗ hơn chục triệu đồng.

Bằng vào hoạt động không mệt mỏi của mình, cả ở văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, anh đã tôn vinh văn hóa Chăm, tôn vinh Phan Rang, Ninh Thuận quê anh.

Nếu đến Ninh Thuận thế nào người ta cũng tìm cách đến thăm làng gốm Bàu Trúc và làng dệt Mỹ Nghiệp, thì chính cái làng dệt Mỹ Nghiệp ấy đã ngốn rất nhiều mồ hôi nước mắt của anh.

Nó không chỉ là kinh doanh đơn thuần, vì nghe nói đâu về mặt kinh doanh thì anh... lỗ, giống như anh làm Tạp chí Tagalau vậy. Nhưng truyền thống Chăm, văn hoá Chăm đã tồn tại và phát sáng từ chính một phần ở cái làng dệt ấy và sản phẩm của nó.

Inrasara có một trang web, lò mò vào đấy thì mới thấy người đàn ông Chăm này đã có một số vốn kha khá, ấy là 8 tập thơ và hơn chục tập sách nghiên cứu, từ văn hóa dân gian Chăm đến thi ca đương đại.

Khác với Chế Lan Viên là một người Việt nhìn vào thế giới Chăm, mượn việc khóc Chăm để thể hiện mình, Inrasara là một thực thể Chăm thốt lên tiếng nói của chính dân tộc mình, thở hơi thở dân tộc mình, hát bài hát dân tộc mình, nhìn dân tộc mình từ “Tháp nắng”, từ “Lễ tẩy trần tháng Tư”, từ “Sinh nhật cây xương rồng” để mà “hành hương em”.

Không ở đâu, cái nghĩa của từ “hành hương” lại đắc dụng như ở Inrasara. Cứ mỗi lần đi xe xuyên Việt, qua vùng Phan Rang khô khát, ta lại thấy những người đàn ông, đàn bà Chăm cần mẫn nhẫn nại trong những bộ trang phục đặc trưng Chăm đang làm lụng trên những mảnh ruộng của mình.

Inrasara là nhà thơ, anh cũng cần mẫn hành hương và làm lụng trên cánh đồng chữ nghĩa. Thi pháp thơ Việt, dưới cảm xúc của anh, hiện ra đầy mới mẻ và rất hiện đại.

Người ta xếp anh vào số những nhà thơ cách tân của thơ Việt đương đại. Và quả thực bản thân anh cũng luôn có ý thức làm mới mình, làm mới thơ, một cách quyết liệt và dũng cảm.

Phải dùng từ dũng cảm vì khi ngồi trước trang giấy (giờ là màn hình), nhà thơ vô cùng đơn độc, sự đơn độc không thể chia sẻ. Và trước trang giấy- màn hình ấy là muôn vàn ngã rẽ.

Đi như thế nào, rẽ như thế nào, bộc lộ mình như thế nào... là bản lĩnh của nhà thơ. Hiện nay anh đang theo xu hướng tân hình thức và cả hậu hiện đại.

Cái được của Inrasara là dẫu tân hình thức, dẫu hậu hiện đại, cách tân kiểu gì đi nữa thì cái hồn Việt vẫn rất đậm trong thơ anh. Dùng đôi cánh hình thức, anh chuyển tải cái nội dung mà một thi sĩ như anh suốt đời đeo đuổi, ấy là sự chiêm nghiệm cháy bỏng của một người đàn ông đã quăng mình vào đời sống Chăm như những cây xương rồng quê anh quăng mình vào cát bỏng, để sống, để nở hoa.

Anh kể, đang học năm thứ 2 Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, quyết định bỏ học đi lang thang ở khắp 40 làng Chăm, sống tận cùng đời sống Chăm dù mình là người Chăm thứ thiệt.

Bên ngoài một đời sống Chăm có vẻ giản đơn, anh thu về một thế giới thánh linh giàu có của một thế giới tâm hồn nhạy cảm, phong phú sau những tháng ngày dấn thân như thế.

Thế giới đời sống tinh thần người Chăm với những lễ hội, những phong tục, những tâm thức... mà trên hết là một Phan Rang bí ẩn như thiên đường:

Yêu ở Phan Rang 6 lần, đau khổ cũng ngần ấy lần/ giàn lửa không thiêu hết tóc em trưa ấy/ đêm nay nung sôi lồng ngực anh/ gục ngã ở Phan Rang 7 lần, gượng đứng dậy hơn 7 lần./ Sinh ở Phan Rang chỉ 1 lần./ Sao không 600 năm trước hay 700 năm sau ôi Phan Rang?

Tôi gặp Inrasara lần đầu tiên cách đây khoảng hai chục năm ở nhà sáng tác Đại Lải. Hồi ấy chúng tôi còn trẻ cả người lẫn nghề. Vừa đi trại, anh vừa giúp vợ “phát hành” hàng thổ cẩm ra phía Bắc.

Tôi nhớ anh có gửi tặng con gái tôi một cái túi thổ cẩm học sinh với một yêu cầu là tôi chụp ảnh cháu đang đeo túi gửi cho anh. Hình như tôi đã không làm việc ấy để đến bây giờ mỗi lần gặp lại cứ thấy áy náy.

Bây giờ thì thổ cẩm Chăm đã rất nổi tiếng và cơ sở nhà anh đã trở thành công ty. Tôi cũng đã vào thăm cái xưởng sản xuất của gia đình anh ở làng Mỹ Nghiệp.

Những người thợ ở cái xưởng ấy, rồi tất cả dân trong làng ấy đều rất tự hào về anh, dù anh đã chuyển cả nhà vào thành phố Hồ Chí Minh, lâu lâu mới về quê, dù ở vùng Chăm Ninh Thuận ấy, giờ còn có rất nhiều nghệ sĩ Chăm nổi tiếng như A Mư Nhân, Đàng Năng Thọ, Đàng Năng Đức, Sử Văn Ngọc, Trà Vigia, Đàng Năng Quạ...

Mới đây nhất chúng tôi lại gặp nhau ở Kon Tum khi cùng lên dự một hội thảo văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số. Anh lại say sưa nói về... Internet. Anh là người cổ vũ cho văn chương mạng và theo dõi nó khá sát sao.

“Văn hóa Internet xuất hiện, làm thay đổi cả hệ thống thẩm mỹ văn chương từ cách viết đến cách tiếp nhận, in ấn lẫn phát hành, liên tục đặt thi ca nói riêng và văn chương nói chung trước một thách thức mới.

Năng khiếu nghệ thuật của cá thể cũng chịu sự thách thức dễ gây chán nản cho những đầu óc ngoan cố nhất: Qua lập trình phức tạp, máy vi tính có thể soạn nhạc, làm được cả thơ, hơn thế- chưa hẳn là thơ tồi”...

Rõ ràng không chỉ cổ súy, anh có lý lẽ hẳn hoi để... bảo vệ văn chương mạng và Internet.

Cứ thế, chàng lãng tử Chăm tiếp tục dấn thân vào những vùng trời chưa biết phía trước.

Đi ra từ ruộng đồng khô khát Phan Rang (Anh đã từng làm ruộng rất giỏi sau khi bỏ học đại học và trước khi vào học đại học), anh dùng đôi cánh thi ca để trình bày cái khát vọng Chăm, ẩn ức Chăm, và không chỉ khát vọng, ẩn ức Chăm, mà là hồn Việt, khát vọng Việt trong hành trình khai phá tâm thức.

Ở Phan Rang, khoảng tháng Tư thường có lễ hội rất lớn, đấy là lễ Rija Nưgar. Những ngày linh thánh ấy chính là những lễ tẩy trần.

Trong đời con người, được một lần tẩy trần như thế, chắc sẽ gột rửa được rất nhiều những phần thừa trong con người. Làm thơ với Inrasara cũng chính là một cách để tẩy trần...

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.