Hoa thơm dâng Bác

Hoa thơm dâng Bác
TP - Nguyễn Hoàng Thế Kiệt và Huỳnh Viết Chung là hai trong số 344 đại biểu tham gia Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX, đại diện cho hàng triệu thiếu nhi trên cả nước. 

Cậu bé Tin học

Nguyễn Hoàng Thế Kiệt, học sinh lớp 10 chuyên Tin (Trường Quốc học Huế) có niềm đam mê đặc biệt với môn Tin học. 6 tuổi, cậu bé Kiệt đã được bố cho sử dụng máy tính, mày mò, khám phá. Kiệt tự học Tin học bằng các chương trình trên mạng Internet.

Hoa thơm dâng Bác ảnh 1 Em Nguyễn Hoàng Thế Kiệt (ngoài cùng, bên phải) tham gia hoạt động ngoại khóa ở trường Ảnh: NVCC
Những năm học Tiểu học, Kiệt tự thiết kế được các phần mềm trình chiếu PowerPoint. Đặc biệt, Kiệt tự mày mò thiết kế mô phỏng các trò chơi trên truyền hình như: Ai là triệu phú, Đường lên đỉnh Olympia… trên máy tính rồi mời mọi người trong nhà tham gia chơi. “Ba mẹ, ông bà luôn hưởng ứng đóng vai làm khách mời tham gia các trò chơi của em thiết kế. Đó chính là nguồn động lực để em lao vào học Tin học đầy hứng khởi”, Thế Kiệt chia sẻ. Và cậu cũng tự cài Win, sửa máy tính khi bị hỏng.

Khi Kiệt lên cấp 2, em bắt đầu học thiết kế lập trình máy tính. Bố là người đồng hành, dạy cho cậu những bước đầu tiên. Sau đó, cậu tự học hỏi trên mạng và học các anh chị Trường Quốc học Huế. Kiệt dành rất nhiều thời gian cho Tin học. “Môn Tin học em phải tự học là chính, muốn tự học phải nỗ lực rất nhiều. Em có thể ngồi cả buổi với máy tính không biết mệt. Mỗi lần giải được bài Toán, sửa được một lỗi, cảm giác rất vui sướng, phấn khích”, Kiệt chia sẻ.

Năm lớp 8, Kiệt đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tin học. Với thành tích đó, cậu được bố thưởng cho một chiếc máy tính xách tay mới, còn trước đó cậu chỉ sử dụng máy tính bàn cũ của bố mẹ. Sau hai tháng được học trên chiếc máy tính của riêng mình, Nguyễn Hoàng Thế Kiệt xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Tin học trẻ Toàn quốc năm 2019, do T.Ư Đoàn tổ chức, với số điểm tuyệt đối 100/100 điểm.

Đam mê Tin học nhưng Kiệt vẫn cân đối thời gian, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đội nhóm. Cậu từng là Phó chủ nhiệm trang Humans of NTP, một trang Facebook quảng bá hình ảnh của Trường THCS Nguyễn Tri Phương (trường cũ của Kiệt); tham gia đoàn giao lưu văn hóa, học tập và phục vụ cộng đồng tại Học viện Raffles - Singapore từ ngày 26/7 đến 2/8/2019.

“Bên cạnh việc học em vẫn tham gia nhiều hoạt động để bản thân mình năng động hơn. Với hiểu biết, kiến thức công nghệ thông tin có được, em luôn nỗ lực vận dụng, áp dụng vào các chương trình, hoạt động mình tham gia để đạt được hiệu quả tốt hơn”, Kiệt nói thêm.

Sáng tạo góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân

Không chỉ học giỏi, cậu học trò vùng sâu Huỳnh Viết Chung, Liên đội phó Trường THCS Hòa Phong, huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) còn thiết kế thành công “hệ thống tỉa bắp và bón phân lót”. Với sáng tạo này của Chung được đánh giá sẽ giải phóng sức lao động cho nông dân khi áp dụng thực tế. Sản phẩm này đã đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kĩ thuật tỉnh Đắk Lắk năm 2019.

Hoa thơm dâng Bác ảnh 2 Em Huỳnh Viết Chung bên hệ thống tỉa bắp, bón phân lót  Ảnh: NVCC
Chung chia sẻ, nơi cậu sinh sống, cây bắp (ngô) là một trong những cây trồng chủ lực chiếm diện tích đa số. Rất nhiều công đoạn đã được thực hiện bằng máy móc, tuy nhiên công đoạn tỉa bắp và bón phân lót sau khi máy cày đánh hàng vẫn phải làm thủ công bằng tay. Đầu năm học lớp 8, sau những lần ra ruộng quan sát nông dân trồng bắp, Chung quyết định mày mò nghiên cứu kĩ thuật canh tác, đặc điểm sinh học của các giống bắp.

Sau hơn 4 tháng cùng với sự hướng dẫn của thầy giáo dạy Toán Hoàng Văn Nam, Chung cho ra đời hệ thống tỉa bắp và bón phân lót. Hệ thống gồm ba tổ hợp tỉa bắp và bỏ phân được gắn sau ba lưỡi cày đánh hàng. Máy cày đánh hàng đồng thời kéo theo hệ thống tỉa bắp và bón phân lót.

“Khi máy cày chạy là cho bánh xe của hệ thống quay làm các trục quay. Trục chính gắn liền với bánh xe quay làm cho các bánh gỗ quay, các hạt bắp sẽ lọt vào các lỗ đã được khoét trên mặt gỗ, rồi theo các lỗ đó đi ra ngoài và rơi xuống đất. Trục còn lại quay làm các cần gạt đánh vào các van khiến các van này mở ra giúp phân bón lót rơi ra ngoài. Ba tổ hợp trên có thể dịch chuyển theo chiều ngang, từ đó giúp người nông dân điều chỉnh khoảng cách giữa các hàng”, Chung giới thiệu sản phẩm.

Khi được hỏi về hiệu quả của hệ thống tỉa bắp, Huỳnh Viết Chung phân tích như một chuyên gia nông nghiệp: “Dự tính mỗi hecta bắp cần 4 đến 5 nhân công làm trong một ngày. Đối với địa bàn xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, mỗi năm gieo trồng trên 700 ha cây bắp. Nếu đem số nhân công đó nhân lên theo diện tích trồng bắp của một xã, huyện, hay tỉnh và mỗi năm hai vụ thì ra một con số hao tổn nhân lực rất lớn. Hệ thống tỉa hạt bắp và bón phân lót giúp làm giảm công lao động, giảm giá thành sản xuất, góp phần tăng tỉ suất lợi nhuận”.

Huỳnh Viết Chung là con út trong gia đình có 3 anh, chị em. Nhận xét về con trai, ông Huỳnh Viết Trinh (bố của Chung) chia sẻ: “Cháu chăm học lắm. Nhiều lúc thấy con học nhiều quá, tôi nhắc con nghỉ ngơi, giải lao nhưng con đáp: Bố cứ yên tâm, con lượng sức con học được ạ”.

Chung còn đạt học sinh giỏi suốt 8 năm liền. Ở trường cậu được đánh giá là một Liên đội phó năng động, tích cực tham gia tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực tại Trường THCS Hòa Phong.

Trong 2 ngày (24 và 25/10), tại Thủ đô Hà Nội, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ IX năm 2020, với chủ đề “Hoa thơm dâng Bác”. Tham dự Đại hội có 344 đại biểu là những đội viên, thiếu nhi có thành tích xuất sắc đến từ tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

MỚI - NÓNG