Họa sĩ mo cau và 2024 bức tranh Rồng

TP - Để hoàn thành 2024 bức tranh Rồng, họa sĩ Hoàng Trúc mất gần 3 năm. Tất cả số tranh này đều được vẽ trên chất liệu mo cau – thứ đồ rất quen thuộc với văn hóa dân gian Bắc bộ. Đến thời điểm này, Hoàng Trúc có lẽ là họa sĩ duy nhất ở Việt Nam vẽ tranh trên “quạt thằng Bờm” và với số lượng lớn như vậy.
Họa sĩ mo cau và 2024 bức tranh Rồng ảnh 1
Họa sĩ Hoàng Trúc giới thiệu tranh Rồng vẽ trên mo cau

Họa sĩ mo cau

Sau khi 500 bức tranh trên mo cau được thử nghiệm thành công, cái tên Hoàng Trúc đã được biến đổi thành “họa sĩ mo cau”. Vị cựu công chức của Thành ủy Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc cũng không lường trước được thứ bẹ lá bỏ đi từng chăm sóc ông từ thơ bé, khi trở thành “toan” lại cũng vẫn dung dưỡng cho con đường nghệ thuật của ông như vậy.

“Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, thay vì nằm nôi thì mẹ tôi phải dùng những chiếc mo cau để đặt tôi nằm những khi tắm xong. Khi trời nóng, chiếc quạt mo chưa từng rời tay mẹ để anh em tôi có giấc ngủ ngon. Hình ảnh chiếc mo cau giản dị và thân thuộc ấy đã trở thành một miền ký ức không thể nào quên trong tôi. Khi quyết định đi theo con đường hội họa, tôi nghĩ, sao không lấy mo cau làm chất liệu để kể câu chuyện của mình, của làng, của ký ức”, ông Trúc chia sẻ.

Nghỉ hưu năm 2020, ông Trúc bắt tay ngay vào việc đi tìm mo cau, lùng sục khắp trong làng, ngoài làng, rồi sang cả tỉnh khác, vài nghìn chiếc mo cau được ông lần lượt mua về, cắt tỉa, phơi khô, đem thuê ép rồi vẽ lên bằng màu acrylic. Ông Trúc nói thêm là màu acrylic thì có độ phủ cao hơn, khô nhanh hơn so với màu nước, hơn nữa độ bền màu cũng tốt.

Quá trình này không đơn giản bởi trước đó chưa có ai lấy mo cau làm “toan”, tất cả mọi việc ông Trúc đều phải loay hoay tự nghiên cứu, từ việc xử lý chất liệu , chống mốc, chống cong vênh... cho đến quá trình đặt bút vẽ. Bề mặt mo cau không bằng phẳng, nó có cấu tạo những gân rãnh mảnh và dày đặc khiến việc đi nét một cách liền mạch gặp nhiều khó khăn. Thế nên, vẽ trên mo cau hoặc là “một nhát ăn ngay” hoặc là phải bỏ, việc vẽ chồng hoặc làm lại là bất khả.

Ba năm thử nghiệm, cải tiến ông Trúc mới vẽ được 500 bức tranh ưng ý đầu tiên, tình cờ trong đó có đến 100 bức vẽ Rồng. “Đang cơn”, ông làm một mạch 1789 bức “hóa long”, rồi đến 2024 bức (mà sau này phần lớn đều được triển lãm ở Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam dưới cái tên “Vũ điệu Bách Long” diễn ra từ 26/1- 1/2/2024, bộ tranh này cũng ghi tên ông vào danh sách các kỷ lục của Việt Nam).

Những bức tranh Rồng của ông Trúc chỉ có ba khổ: 23x23 hình vuông, 20x20 hình tròn và hình quạt mo nguyên bản tức là kích cỡ tùy thuộc vào độ lớn nhỏ của mo cau. Bị vẻ đẹp tạo hình vừa uy dũng vừa uyển chuyển của con rồng cuốn hút, ông vẽ ngày vẽ đêm, mùa hè nóng 40 độ ông vẫn đóng đô trên tầng thượng chìm đắm trong thế giới của màu sắc.

Rồng trong tranh Hoàng Trúc cũng giống Rồng trong truyện cổ tích mà khi bé mẹ ông hay kể: chúng đều có vẻ hiền lành, dễ gần, không nanh vuốt móng sắc, và nó tiệp vào với khung cảnh làng quê có mẹ, có chị, có áo tơi, nón lá, bầu trời, ngôi sao, cánh đồng, mái rạ, bờ tre... Nói hơn 2000 bức tranh Rồng chẳng bằng nói hơn 2000 mẩu ký ức về “làng quê biến mất” của Hoàng Trúc, qua thời gian, mọi thứ dường như đều được phủ một lớp màu huyền hoặc, nhưng vẫn vô cùng gần gũi, đến mức chỉ cần giơ tay ra là có thể chạm vào.

Ba lần bốn lượt bái sư Lưu Công Nhân

Hoàng Trúc nói ông không được học hội họa chuyên nghiệp ở trường lớp chính quy nhưng ông có hai người thầy lớn: một là họa sĩ Lưu Công Nhân và một là Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng.

Mang mơ ước trở thành họa sĩ từ nhỏ, tốt nghiệp Trung cấp văn hóa nghệ thuật nhưng khi đi làm Hoàng Trúc cũng chưa từng được chính thức tiếp xúc với hội họa chuyên nghiệp. Mãi đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, biết tin danh họa Lưu Công Nhân về mở xưởng vẽ ở Vĩnh Phúc, ông Trúc lúc này đã 30 tuổi vẫn chưa từng từ bỏ “giấc mơ màu sắc”, kiên trì mong muốn phải bái Lưu Công Nhân làm thầy.

Lần đó, đoàn cán bộ Trung ương của tướng Giáp lên Vĩnh Yên công tác, đi cùng đoàn có nhạc sĩ Văn Cao. Là cán bộ của Thành ủy Vĩnh Yên, sự chu đáo trong đón tiếp của “cháu Trúc” đã làm tác giả của “Tiến quân ca” cảm động. Trong những câu chuyện bên lề, ông Trúc đã tâm sự với Văn Cao về ước mơ cầm cọ của mình. Có lẽ là đồng cảm, cũng có lẽ xuất phát từ tâm lý của người đi trước muốn hỗ trợ lớp trẻ, Văn Cao đã lấy một tờ giấy viết gửi người bạn của mình như sau: “Cháu Trúc rất yêu hội họa, mong Lưu Công Nhân quan tâm”!

Mang tờ thư tay mỏng mảnh cùng tâm tình thấp thỏm đến gõ cửa nhà Lưu Công Nhân, Hoàng Trúc bị “đuổi thẳng”. “Thầy mắng tôi giả mạo chữ Văn Cao. Sau đó một vị quan chức của tỉnh đứng ra nói hộ tôi: đúng ngày ấy, tháng ấy Văn Cao về Vĩnh Phúc thật. Nhưng mà cũng phải mất một thời gian, khi biết rõ nhân thân, biết tôi là em trai nhà thơ Hoàng Tá, cụ mới đồng ý nhận tôi làm học trò”. Ông Trúc nhớ lại.

Bắt đầu từ khi ấy, cứ đến sáng Chủ nhật (thời điểm này cán bộ công chức vẫn chưa được nghỉ Thứ Bảy) ông Trúc lại đúng giờ điểm danh ở nhà thầy. Đối với học trò tay ngang này, Lưu Công Nhân từ chỗ bài xích, cảm thấy “nó như một mối phiền phức” đến chỗ yêu mến và coi như con cháu. Biết danh họa thích ăn bánh chưng, trò Trúc luôn chu đáo chuẩn bị bánh chưng cho thầy, cứ hết lại có. Cũng chính người học trò có vẻ “chân chỉ hạt bột” này lấy danh dự gia đình ra đảm bảo để tìm mẫu nude cho thầy vẽ. Nhắc lại, thời điểm hơn 30 năm trước ở một tỉnh lẻ trung du như Vĩnh Phúc, tìm được mẫu nude đồng ý hợp tác là điều không đơn giản.

Họa sĩ mo cau và 2024 bức tranh Rồng ảnh 2
Ngoài Rồng, họa sĩ Hoàng Trúc còn thích vẽ mèo. Hiện nhà ông có bộ sưu tập hàng trăm bức tranh mèo

Suốt sáu năm theo học, ông Trúc bảo được thầy khen đúng một lần. Còn thì thầy cứ từ tốn dạy, trò toàn tâm toàn ý học theo. “Tôi học được của thầy Nhân kỹ thuật hình họa, kỹ thuật pha màu và cách sử dụng ánh sáng vào ban đêm. Tôi vẫn nhớ lời của thầy: mảng màu và đường nét là nhịp đập của trái tim và trí tuệ người cầm bút. Còn kỹ thuật của người họa sĩ thì giống như sợi dây diều. Dây càng dài, diều càng bay cao. Thầy không khó tính nhưng rất kỹ tính, không thể chịu nổi thói cẩu thả trong nghề nghiệp. Rửa cái bút mà không cẩn thận cũng không được. Bù lại, trong đời thường, thầy khá hóm. Tôi nhớ có lần hai thầy trò đi vẽ ở ngoài đồng, rất nhiều trai làng thấy lạ nên đến ngắm. Nhìn tranh thầy, họ chê vẽ gì xấu thế. Lẳng lặng, ông vẽ một con bò rồi hỏi những người kia biết đây là cái gì không, họ ồ lên, ôi con bò. Thầy tủm tỉm bảo: ừ, biết rồi à, thế thì đi đi”!

Khi quyết định chọn mo cau làm chất liệu vẽ, ông Trúc cũng nhớ tới lời dạy của thầy mình: “Chất liệu không hoàn toàn quyết định giá trị của bức tranh. Một bức tranh đẹp không do vẽ bằng vàng. Nhưng chất liệu quyết định khả năng diễn đạt của tác phẩm. Không phải cứ gallery nọ kia mua mà vẽ hay được đâu! Bởi vì vẽ là sống. Sống nghệ sĩ! Chỉ nghệ sĩ mới đẻ ra nghệ thuật thôi”.