'Hoa Nhân Ái' nâng niu những mảnh đời bất hạnh

Các thành viên của "Hoa Nhân Ái" tại hội trại Youth Day.
Các thành viên của "Hoa Nhân Ái" tại hội trại Youth Day.
TPO - Không chỉ tô màu cho cuộc sống, "Hoa Nhân Ái" còn góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều mảnh đời bất hạnh, giúp họ vượt qua những rào cản để hòa nhập với xã hội.
Các thành viên của
Các thành viên của "Hoa Nhân Ái" tại hội trại Youth Day.

Dự án Hoa Nhân Ái được khởi xướng từ anh Lại Hải Đăng, trưởng nhóm tình nguyện Tim Ấm. Từ chỗ quen biết với một người bạn chuyên dạy làm hoa, bán hoa, anh Đăng đã nảy sinh ý tưởng thành lập dự án Hoa Nhân Ái.

“Chúng tôi muốn làm một cái gì đó cho các đối tượng khó khăn, xa hơn nữa là muốn cống hiến cho xã hội, vì lợi ích của cộng đồng. Qua dự án, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn có thể hòa nhập với cộng đồng, khẳng định sự có ích của bản thân mình, có một nghề để cải thiện cuộc sống. Đặc biệt là các em nhỏ có thêm thu nhập để tiếp tục theo đuổi con đường học vấn.” – anh Đăng chia sẻ.

Dự án chính thức bắt đầu với buổi khai giảng lớp làm hoa đầu tiên cho thành viên và một số đối tượng của nhóm Tim Ấm vào ngày 28-3-2010 tại số nhà 11A, ngõ 310, ngách 21, đường Nghi Tàm (Q.Tây Hồ, Hà Nội). “Từ trước tới nay mình chỉ thích hoa và ngắm hoa chứ chưa bao giờ tự tay làm được một giỏ hoa ưng ý. Vì vậy, những ngày đầu học làm hoa voan gặp rất nhiều khó khăn. Cũng may có chị bạn anh Đăng tận tình hướng dẫn, cộng với tính tò mò, thích thú nên mình đã dần quen các kỹ thuật làm hoa.” – Trần Thị Trang, trưởng dự án Hoa Nhân Ái hí hửng cho biết.

Hiện đang học năm 3 khoa Biên dịch tiếng Anh (HVBC&TT), bận rộn với lịch học trên trường nhưng Trang vẫn đảm đương được trọng trách nhóm trưởng. Trang hiện đang hướng dẫn một em bị bệnh chậm phát triển ngôn ngữ, một dạng của thiểu năng trí tuệ trên đường Hoàng Hoa Thám và 5 người khuyết tật trên huyện Hoài Đức (Hà Nội) làm hoa voan.

Sản phẩm
Sản phẩm "Hoa Nhân Ái".

Bước đầu, nhóm phải đi khảo sát thị trường, gây dựng mối quan hệ với các cửa hàng hoa khắp Hà Nội, đặc biệt là khu vực gần trường học. Các cửa hàng luôn đặt tiêu chí phải đẹp và có lợi nhuận, ít khi họ nghĩ đến từ thiện. Vì vậy, bên cạnh lựa chọn các loại vật liệu trang trí, thiết kế các mẫu mã đẹp, phong phú, nhóm phải đi liên hệ nhiều nơi, bị từ chối cũng nhiều.

Cuối cùng nhóm đã chọn được bốn địa điểm lý tưởng để nhập hoa bán, gồm: Cửa hàng Thùy Dương (Khương Thượng, Đống Đa), cửa hàng Chip (71 Chùa Láng, Cầu Giấy), cửa hàng Quả táo vàng (103B9 Nghĩa Tân, Cầu Giấy), và cửa hàng quà tặng DONALD (43 Núi Trúc, Ba Đình).

Vật liệu để làm hoa voan được mua trên phố hàng Mã. Với người bình thường để làm được một giỏ hoa voan đẹp, cầu kỳ phải mất gần 3 tiếng đồng hồ. Người khuyết tật có khi mất tới vài ngày. Là cơ hội để có thêm công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập nên những người thân trong gia đình người bị khuyết tật cũng chung tay vào làm.

Để làm một giỏ hoa voan, đầu tiên phải uốn thép thành hình bông hoa, sau đó quấn vải vào, uốn các cánh hoa và nhị theo mẫu, xếp lá thành hình. Mỗi giỏ hoa có giá từ 50.000đ đến 70.000đ, 90.000đ, cao nhất là 250.000đ.

“Tuy không hoàn hảo như những sản phẩm được bày bán dưới ánh đèn sáng trưng của cửa hàng, cửa tiệm, không đẹp long lanh như sản phẩm của các nghệ nhân lành nghề, nhưng với chúng tôi, những giỏ hoa đó là cả một sự nỗ lực, sự chăm chút. Chúng tôi dồn vào từng cánh hoa niềm đam mê, sự yêu thích và hơn hết là một hy vọng đem lại cho những đối tượng khó khăn một nguồn thu tuy không nhiều nhưng đủ để trang trải cuộc sống thường nhật.” - Phạm Thị Kiều Vân, Phó ban dự án Hoa Nhân Ái tự hào nói. 

Em Lê Võ Trà My bên thành quả của mình
Em Trần Võ Trà My bên thành quả của mình.

Trong số các đối tượng mà nhóm hỗ trợ, có em Trần Võ Trà My (16 tuổi, nhà ở Hoàng Hoa Thám) bị chậm phát triển ngôn ngữ. 16 tuổi rồi nhưng tính cách của My vẫn như trẻ con. Hết lớp 9, gia đình phải cho em nghỉ học vì em không thể theo kịp các bạn cùng trang lứa. Một lần tình cờ xem chương trình giao lưu trên VTV6, chị Thoa – mẹ của My thấy nhóm Tim Ấm có những hoạt động thiết thực, hữu ích cho người khuyết tật nên chị đã gọi điện đến chương trình, xin số điện thoại của nhóm và liên hệ nhờ giúp đỡ.

“Ngày đầu dạy cho em My mất hai tiếng chỉ dạy được cách cuốn thép. Giọng em ấy bị líu nên nói chỉ có mẹ mới hiểu rõ. Hai tay của em rất cứng, khi làm rất khó khăn, cảm giác như em phải dồn hết sức lực để làm vậy. Mình dạy xong rồi mẹ em ấy còn phải dạy lại vài lần nữa” – Trang, trưởng dự án cho biết.

“ Hồi nhỏ, My không biết đọc biết viết. Viết một chữ cái kéo mãi không thành nét. Không dám chồng đồ vật lên cao. Mẹ phải dùng đũa đè lưỡi tập cho My phát âm từng chữ một. Sau đó em có thể đọc được, viết được, bố mẹ cho đi học. Những tưởng em sẽ tiến bộ hơn, tuy nhiên do chậm phát triển ngôn ngữ, bị nhiều dị nghị từ xã hội nên hết lớp 9 gia đình phải cho em nghỉ học.” – chị Thoa nước mắt ngắn dài cho biết.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền công may thuê quần áo của chị Thoa và tiền sửa điện của anh Hòa - chồng chị nên được sự hỗ trợ của Tim Ấm, anh chị rất mừng. Mong sao cho My có thể hòa nhập với cộng đồng, phát triển tốt hơn.

Hiện nay, dự án Hoa Nhân Ái đang được triển khai cho 11 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trên khắp địa bàn Hà Nội. Sắp tới, nhóm sẽ mở rộng thêm hoạt động, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các gia đình khó khăn.

Theo Viết
MỚI - NÓNG