Hoa hậu Việt Nam - điểm đến của những ước mơ

TP - Đương nhiên cô gái nào đã thi hoa hậu cũng sẽ ôm ấp giấc mơ trở thành hoa hậu, nhưng tuổi trẻ còn có nhiều hoài bão hơn thế. Hãy thử tìm hiểu xem cuộc thi đã chuyển hướng ước mơ của các cô gái ra sao. Điểm chung của các nhân vật trong bài viết là đều có mặt trong Top 5 của các cuộc thi thành phần như Người đẹp Tài năng, Người đẹp Thời trang…

Bùi Thị Thanh Nhàn (Top 5 Người đẹp Thời trang) dù ôm ấp giấc mơ người mẫu từ nhỏ nhưng trước khi đến với Hoa hậu Việt Nam, cô chưa từng diễn catwalk. “Tham gia cuộc thi này, được tập luyện, được tiếp xúc với môi trường sân khấu chuyên nghiệp, niềm đam mê trong tôi lại bật dậy một lần nữa. Hy vọng trong tương lai, tôi có thể làm được điều gì đó nhiều hơn bây giờ”, người đẹp đến từ Bình Thuận cho hay.

Một đam mê nữa của Nhàn là thiết kế thời trang nhưng hồi trước nghe nói học ngành này tốn kém nên cô chỉ dám đăng ký thi vào chuyên ngành Du lịch, song không đậu. Hiện cô là sinh viên ngành Marketing CĐ Kinh tế Đối ngoại. Hoa hậu Việt Nam chính là một cánh cửa mở ra chân trời mới gần với những ước mơ cháy bỏng nhất trong cô.

Khả năng vừa hát vừa tự đệm piano không chỉ đem lại cho Doãn Hải My vị trí Top 5 Người đẹp Tài năng mà còn tạo nên một hình ảnh đẹp hiếm có. Vì số người có năng khiếu chơi piano đã ít, có cơ hội học từ nhỏ lại càng ít. Bố mẹ đều yêu âm nhạc và tham gia văn nghệ nghiệp dư nên việc My học piano với gia sư suốt những năm cấp một là điều hết sức tự nhiên. Từ cấp 2 trở đi cô tự mày mò qua mạng, tự học đệm đàn.

Hoa hậu Việt Nam - điểm đến của những ước mơ ảnh 1 Doãn Hải My

Hoa hậu Việt Nam chính là sân khấu đầu tiên để My thể hiện tay đàn. Trước đó cô được một giải văn nghệ ở trường trong vai trò ca sĩ. Tuy nhiên với My, đàn hát vẫn chỉ là thú vui xả stress. Cô cho rằng, bản thân hợp với ngành Luật mình đang theo đuổi hơn. Tuy nhiên, cuộc thi cũng hé mở cho My những khả năng nghề nghiệp mới. Trước câu hỏi “nếu sau đây khả năng làm ca sĩ mở ra, liệu My có nắm lấy?”, My trả lời: “Không nói trước được tương lai, nhưng nếu lúc đấy mọi thứ đều thuận lợi cho việc đó thì tôi sẽ nắm lấy cơ hội của mình”!

Như nhiều cô gái khác đến với cuộc thi, My cũng muốn có một trải nghiệm đẹp cho thanh xuân. Cô nói: “Uy tín và chất lượng của Hoa hậu Việt Nam khiến không chỉ tôi mà tất cả các bạn gái Việt Nam đều muốn được tham dự và trải nghiệm. Sự thực đến giây phút này tôi đã tốt lên rất nhiều. Tôi trở nên có kỷ luật hơn, tự tin hơn. Đây là những yếu tố quan trọng để hiện thực hóa bất cứ ước mơ nào. Mặc dù mơ ước của tôi hơi chung chung một tí. Tôi chỉ mong làm được những gì mình thích, sống hạnh phúc. Tôi là kiểu người thuận theo tự nhiên”. Nhưng cuộc thi cũng biến chuyển mơ ước nho nhỏ của Hải My một chút: “Nếu may mắn có giải, tôi sẽ cân bằng giữa việc học và trách nhiệm với danh hiệu. Sau khi làm dự án nhân ái, tôi nhận ra bản thân muốn giúp đỡ nhiều người hơn chứ không chỉ dừng lại ở dự án nhân ái của cuộc thi”.

Kim Trà My chung quan điểm với Doãn Hải My: “Tất cả các cô gái đều mong một lần được diễn trên sàn catwalk của Hoa hậu Việt Nam, để có một kỷ niệm của thanh xuân. Cuộc thi giúp tôi hoàn thiện và phát triển bản thân. Mỗi lần thi xong tôi cảm thấy mình có sự thay đổi rất lớn”. Trà My từng vào chung kết một cuộc thi nhan sắc khác và cô khẳng định Hoa hậu Việt Nam sẽ là lần thử sức cuối cùng.

Có thời gian luyện gym với yoga nên Trà My dễ dàng chinh phục phần thi sức bền (gồm squat, gập bụng và plank) để có mặt trong Top 5 Người đẹp Thể thao. Đang học Quản trị Kinh doanh nhưng Kim Trà My vẫn mơ ước được làm công việc phối đồ của một stylist. Hiện cô chưa có mơ ước gì thêm.

Nhân vật được khán giả tại chỗ cổ vũ hăng nhất cho đến lúc này tất nhiên là Lê Trúc Linh, đại diện duy nhất của Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi đồng đăng cai vòng chung kết. Cô có mặt trong Top5 Người đẹp Du lịch cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì đề bài là quảng bá du lịch của chính nơi cô sinh ra, hơn nữa cô còn đang theo học ngành Du lịch. Lê Trúc Linh không ngại bày tỏ: “Đầu tiên tôi chỉ ước mơ làm hướng dẫn viên du lịch nhưng khi tham gia thi, tôi nhận thấy một trong những sứ mệnh của hoa hậu chính là đem vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra với quốc tế, cho nên tôi càng muốn trở thành hoa hậu. Không phải tôi quá tự tin mà đơn giản đó là ước mơ không ai đánh thuế, mình cứ biến ước mơ thành động lực để cố gắng hết sức, dù có đạt được hay không”.

Ban đầu gia đình cũng hơi lo khi Linh quyết định thi hoa hậu, sau đó mọi người nhận thấy đi thi cũng không tốn kém mấy, Linh lại còn được các anh chị học cùng khoa Du lịch tại ĐH Văn hóa TPHCM hỗ trợ (cho mượn đồ) nên cả nhà giờ đã yên tâm.

Đỗ Thị Hà (Hà Tĩnh) có mặt trong cả Top 5 Người đẹp Biển lẫn Người đẹp Thời trang. Người mẫu thời trang chính là mơ ước nghề nghiệp ban đầu của cô. Hà cho hay, nếu không đạt thứ hạng cao sẽ tiếp tục chinh chiến các cuộc khác để hiện thực hóa ước mơ. “Trước đây, tôi thích vẻ đẹp người mẫu, giờ lại thích vẻ kiêu sa của nữ hoàng sắc đẹp hơn”, Hà tâm sự. “Ước mơ sau này của tôi là làm doanh nhân, tạo công ăn việc làm cho mọi người và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt tại quê hương tôi”. Hoa hậu Việt Nam chính là lớp học catwalk đầu tiên của Đỗ Thị Hà: “Vào đến vòng bán kết, tôi mới bắt đầu được tập đi. Những ngày đầu chênh vênh không chắc. Nhưng vào chung kết, bước đi chắc chắn hơn, tạo dáng, thần thái tiến bộ hơn nhiều”. Cô rất vui vì những cố gắng của mình đã được BGK nhận ra.

Mới đây, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gây chú ý với phát biểu mỗi người cần phải biết ba ngôn ngữ: tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh để hội nhập quốc tế và ngôn ngữ lập trình (coding) để giao tiếp người với máy. Đó cũng chính là động cơ khiến Phạm Ngọc Phương Anh quyết định theo học Hệ thống Quản lý Thông tin (một ngành kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh). Cô chia sẻ: “Thời điểm cần phải chọn ngành nghề, tôi nhận thấy dù học ngành gì thì cũng cần phải biết về ngôn ngữ lập trình, về công nghệ. Vì đó là kỹ năng rất cần thiết trong xã hội hiện đại”.

Phương Anh có mặt trong Top 5 Người đẹp Tài năng bằng khả năng thuyết trình tiếng Pháp về áo dài. Đây là việc trong tầm tay của cô, vì Phương Anh học song ngữ Việt-Pháp từ lớp 1 đến 12. Ở bậc ĐH, cô chuyển sang học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Học chuyên Lê Hồng Phong, nơi có rất nhiều bạn du học nhưng Phương Anh đã chọn một trường ĐH trong nước. Cô cho hay: “Nhà tôi không có điều kiện kinh tế để học ĐH thoải mái ở nước ngoài nên tôi không muốn tạo gánh nặng cho ba mẹ. Trường ĐH tôi đang theo học cũng có cơ sở vật chất tốt có thể giúp tôi phát triển bản thân. Tựu trung lại, dù học ở môi trường nào thì nỗ lực, cố gắng của bản thân mới khiến mình tiến bộ hơn”.

Phương Anh khẳng định trước khi đến với Hoa hậu Việt Nam và bây giờ, về cơ bản ước mơ của mình vẫn không thay đổi: “Tôi vẫn muốn là người có ích cho xã hội và cộng đồng, có thể lan tỏa giá trị tích cực và truyền cảm hứng cho mọi người. Đó là tiêu chí sống tôi luôn hướng tới và hoàn thiện mỗi ngày”. Nhưng Hoa hậu Việt Nam cũng mở ra cho Phương Anh một hướng đi nghề nghiệp mới mà cô cũng rất muốn thử sức: dẫn chương trình.

Hoa hậu Việt Nam - điểm đến của những ước mơ ảnh 2 Phạm Ngọc Phương Anh
Hoa hậu Việt Nam - điểm đến của những ước mơ ảnh 3 Lê Trúc Linh

Giờ đây được nhiều người biết và nhận được nhiều lời khen chê, các bạn đã cảm thấy sức nóng của sự nổi tiếng?

Doãn Hải My: Mới đầu tôi rất bất ngờ, rất vui khi bản thân được mọi người chú ý cũng như cổ vũ, ủng hộ. Song tất nhiên cũng sẽ có áp lực, mọi con mắt đang nhìn vào mình. Nhưng tôi nghĩ tôi có thể biến áp lực thành động lực để phấn đấu, nỗ lực hơn từng ngày để có thể tỏa sáng trong đêm chung kết.

Ðỗ Thị Hà: Trước đi thi, tôi cảm thấy cực kỳ áp lực, sợ nổi tiếng sẽ bị gièm pha, vì mình có cố gắng hoàn hảo đến đâu vẫn có người ghét mình. Tôi nghĩ showbiz rất phức tạp và đau đầu. Khi bước vào cuộc thi, tôi cảm thấy showbiz vẫn có tình thương và những sự ấm áp khác, đặc biệt là từ các anh chị trong BTC, từ các thầy cô giáo, đạo diễn và các bạn thí sinh. Tình cảm mọi người dành cho nhau tôi cảm nhận được, nên suy nghĩ trước đây đã khác đi.

Hoa hậu Việt Nam - điểm đến của những ước mơ ảnh 4  Đỗ Thị Hà
Phạm Ngọc Phương Anh: Cảm giác đầu tiên của tôi là biết ơn. Những nhận xét dù tích cực hay tiêu cực cũng là sự quan tâm của mọi người dành cho tôi. Những nhận xét đó giúp tôi hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Nhưng tôi thấy mình cũng cần có bản lĩnh nhất định để biết đâu là những nhận xét có thể giúp mình phát triển bản thân, đâu là những lời nhận xét không nên để tâm tới vì có thể kéo tôi xuống. Ðó là kỹ năng không phải ai cũng có, nhưng có thể rèn luyện theo thời gian.
Theo Ảnh: Như Ý
MỚI - NÓNG