Nghệ sĩ Đào Anh Khánh:

'Họ nói tôi điên nhưng vẫn phải công nhận tôi'

TP - Nghe tin Đào Anh Khánh có triển lãm mới mang tên “Vũ trụ hứng”, tôi rất tò mò. Không biết lần này, người nghệ sĩ luôn “chơi ngông” trong nghệ thuật, luôn có những ý tưởng “điên rồ”, sẽ tiếp tục mang đến điều gì sau 4 năm ở ẩn nơi “gầm trời” riêng của mình.

“Xem tranh tôi, đừng nhìn trần tục”

Đó là lời Đào Anh Khánh dặn dò khách xem triển lãm của mình với nụ cười hóm hỉnh. Kể từ sau “Đáo xuân 9” ầm ĩ năm 2019, Khánh thật sự lui về “tiểu vũ trụ” của mình, sống lặng lẽ cùng thiên nhiên và nghệ thuật như đã hứa. Sau 4 năm, tóc anh đã ngắn hơn, bạc trắng, nhưng dáng vẻ vẫn thoăn thoắt, nhanh nhẹn và phong cách ăn mặc vẫn “không giống ai”.

'Họ nói tôi điên nhưng vẫn phải công nhận tôi' ảnh 1

Tranh: Kim Duẩn

“Vũ trụ hứng” của Đào Anh Khánh gồm 35 bức tranh thể hiện khuynh hướng tư duy siêu thực, tràn ngập sắc màu tươi tắn, trẻ trung, trong trẻo, với sắc của hoa, của lá, của nền trời, nước, mây… Có thể, những ai từng biết đến anh với những phá cách và nổi loạn trong nghệ thuật trình diễn thì thấy triển lãm này hơi “sai sai”.

Nhưng nếu tinh ý sẽ nhận thấy, “Vũ trụ hứng” vẫn rất Đào Anh Khánh. Một câu chuyện thống nhất không đổi trong tranh của Đào Anh Khánh nhiều năm qua cũng được tìm thấy trong triển lãm lần này, đó là tính dục mạnh mẽ. Thế giới kỳ hoa dị thảo mà anh vẽ ra là thứ khởi tạo và duy trì vũ trụ, chính mạch chảy của sự hứng khởi đã tạo nên sự kết hợp, sự phối ngẫu giữa âm và dương, giữa đực và cái…

Bản thân anh cũng thừa nhận "chúng ta thiêng liêng tình yêu như thế nào thì cũng cần tôn trọng và thiêng liêng tính dục của vũ trụ này như vậy" và hy vọng người xem sẽ không hiểu những tác phẩm ngợi ca thiên nhiên, vũ trụ của mình một cách trần tục.

Đào Anh Khánh thổ lộ, mình đang yêu, và với một nghệ sĩ đang yêu thì tình yêu chảy tràn ra tác phẩm là điều dễ hiểu. Chính tình yêu mới đã khiến anh trẻ ra từ trong tranh đến ngoài đời, với một vẻ hứng khởi đặc biệt khi nói về các tác phẩm và nguồn cảm hứng mới của mình. Thế giới của thiên nhiên, của vạn vật trong vũ trụ được anh vẽ lại qua con mắt của mình, con mắt nhìn vẻ đẹp từ sự sinh sôi nảy nở của thiên nhiên một cách thành kính. Chùm tranh nằm chung trong dòng chảy về thiên nhiên, tất cả những gì trên bề mặt thiên nhiên mà anh cảm nhận được và thể hiện lại trên cảm xúc hứng khởi của mình.

“Tại sao có tên là Vũ trụ hứng? Hứng khởi chính là bản chất, quy luật, là thứ khiến vũ trụ tồn tại. Hứng khởi là mạch chảy tạo sự kết hợp giữa âm và dương, nó là sự hấp dẫn, lôi cuốn, là cái đẹp và tạo ra sự đa sắc màu đẹp đẽ của vũ trụ” – Đào Anh Khánh lý giải.

Những tác phẩm được đưa vào triển lãm “Vũ trụ hứng” phần lớn đều là tranh khổ lớn, vẽ bằng chất liệu acrylic, nhỏ nhất cũng hơn 1 m2, lớn nhất là hơn 2 m2. Phần lớn những tác phẩm trong triển lãm được anh sáng tác trong năm 2023 và khoảng 5 tác phẩm vẽ từ 2 năm trước.

“Vũ trụ hứng” được anh "véo" ra từ Thung lũng Gầm trời - một dự án nghệ thuật cuộc đời nghệ sĩ Đào Anh Khánh ở Lương Sơn, Hòa Bình, là món quà anh gửi tặng công chúng Thủ đô "lười" đi xa vẫn có thể thưởng thức. “Gầm Trời là dự án nghệ thuật chạy suốt cuộc đời tôi, và đây đang là giai đoạn đầu tiên của dự án. Sẽ có 4 cuộc triển lãm liên tiếp trong 4 năm, với nội dung riêng, cách biểu hiện và tư tưởng giống nhau, và chung một tựa đề là “Vũ trụ hứng” từ phần 1 đến phần 4” - họa sĩ tiết lộ.

Ngay trong buổi khai mạc triển lãm “Vũ trụ hứng”, nam nghệ sĩ đã cùng các diễn viên múa thể hiện màn trình diễn uyển chuyển. Đặc biệt, các diễn viên múa đều mặc những bộ trang phục được in trực tiếp từ những tác phẩm trong triển lãm. Ngoài ra, anh còn mang đến một tác phẩm sắp đặt vẽ trên đá, dùng lửa và nước để làm tăng thêm vẻ đẹp của hội họa. Triển lãm cũng có sự xuất hiện của nến trong sắp đặt phòng tranh và trong nội dung tranh.

Như họa sĩ giải thích, đó là ý tưởng của anh muốn đặt vẻ đẹp của thiên nhiên lên một vị trí thiêng liêng. Mỗi bức tranh đều có ghi lời tựa viết dưới dạng thơ hoặc văn xuôi, để công chúng hiểu được và gần gũi hơn với tác phẩm.

Để vui hết mình

Đào Anh Khánh là một trong những nghệ sĩ tiên phong của nghệ thuật đương đại Việt Nam, nổi lên từ cuối thập niên 1990. Anh đã từng triển lãm tranh tại hơn 20 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Trung Quốc...

Các kênh truyền hình và tờ báo lớn trên thế giới như BBC, Discovery channel, NHK, New York Times... từng đăng tải các chương trình truyền hình, bài viết về Khánh. Năm 2010, tạp chí Word còn bình chọn anh là Man of the Year (Người đàn ông của năm), khi anh làm một trình diễn rất lớn trên đê sông Hồng dịp Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhắc đến anh, người ta không thể quên hình ảnh người nghệ sĩ treo mình lơ lửng giữa không trung mà bên dưới lửa cháy đùng đùng ở sân khấu “Đáo Xuân”.

Khánh như hóa thân thành một kẻ khác, bản năng, hoang dại, hàng tiếng đồng hồ hú hét và ngập mình trong sức nóng của lửa, của khói từ vải tẩm xăng… Hay trên đoạn đê dài dẫn vào nhà sàn của Khánh, có đàn bò 20 con được vẽ sơn trắng, đỏ gợi ý niệm Âm - Dương, cùng dải cờ phướn phấp phới hai bên đường. Một lần khác anh khiến cả bãi biển Nha Trang nhốn nháo khi thấy một gã đen gầy, quấn khố trắng và sơn mình trắng, sơn mặt trắng và đi chân đất múa may trên cả một quãng bờ biển dài.

Lần nữa, anh độc diễn bên Hồ Gươm với một dải khăn màu đỏ dài hàng chục mét làm ranh giới giữa anh và công chúng... Hay lần khác, Khánh cùng các nghệ sĩ, Việt Nam có, quốc tế có, ra diễn ở bãi giữa sông Hồng. Vì “quên” xin giấy phép nên cả nhóm đành diễn trên bờ ruộng. Đào Anh Khánh mặc mỗi chiếc quần dài, xõa tóc, say sưa nằm bò, múa may cùng một nữ nghệ sĩ, vừa diễn vừa né xe máy đi lại. Vì không phép và có người “có ý kiến”, đám đông đành giải tán trong sự tiếc nuối.

'Họ nói tôi điên nhưng vẫn phải công nhận tôi' ảnh 2

Nghệ sĩ Đào Anh Khánh trò chuyện với khách tham quan triển lãm.

Còn nhớ hồi “Đáo Xuân” của anh mới ra đời, sự khác lạ của Khánh khiến hàng nghìn người kéo đến tận khu nhà sàn của anh ở Ngọc Thụy để xem bằng được, dân tình trèo lên cả sân thượng, tường nhà để theo dõi và bàn tán sôi nổi.

Những “Đáo Xuân” sau đó cũng vẫn là âm nhạc, lửa, hú hét, là vải trắng cuốn quanh người với sơn trắng, sơn xanh, sơn đỏ lên thân thể … và thân hình mảnh khảnh “cây sậy” của Đào Anh Khánh múa may như “nhập đồng”, nhưng vẫn kéo chân hàng trăm người, hàng nghìn người đến xem.

Ở “Đáo Xuân 9” được tổ chức tại thung lũng Gầm Trời (Lương Sơn, Hòa Bình), người ta còn thấy sự xuất hiện của hơn 250 nghệ sĩ quốc tế đến từ 27 quốc gia cùng với 50 nghệ sĩ Việt Nam tham gia.

“Thật ra lúc đó tôi cũng không quan tâm đến việc có thể gọi đó là nghệ thuật trình diễn hay không, mà chỉ quan tâm xem người ta đến với mình có vui không và có muốn đến để vui nữa không”, Khánh thổ lộ. Và để vui hết mình, Đào Anh Khánh mời người ta đến xem miễn phí, như một sự “tất tay” với nghệ thuật. Cứ thế, mỗi một “Đáo Xuân”, anh ném tiền đi chỉ để “mua vui cho thiên hạ”.

Sau hơn 30 năm làm nghệ thuật, nhắc tới Đào Anh Khánh, người ta vẫn thường nghĩ ngay tới một nghệ sĩ “quái”, “điên” như thế... Hỏi anh có chạnh lòng, nghệ sĩ sinh năm 1959 thủng thẳng: “Tôi làm nghệ thuật với cái tâm của mình. Bao năm qua, dù không ít người nói tôi điên nhưng rồi công chúng cũng nhận ra rằng tôi làm việc nghiêm túc, có tư duy, có mục đích. Đã từ lâu rồi, tôi đã dựng lên cái hàng rào tự bảo vệ mình. Hàng rào ấy có thể nói một cách ngắn gọn là niềm tin của chính bản thân tôi về cái đẹp. Bởi vì, tôi luôn tin rằng mình đang trên một lộ trình đi làm cái đẹp”.

Rút khỏi những cuộc vui ồn ào, cuộc sống hiện tại của Đào Anh Khánh chỉ loanh quanh Gầm Trời của mình. Anh sáng tác và hưởng thụ cuộc sống. Thung lũng Gầm Trời rộng đến 50ha. Đó là một khu vực thiên nhiên hoang dã, với thung lũng, sông, suối, đồi núi hùng vĩ. Là “tiểu vũ trụ” của Đào Anh Khánh, nơi anh sáng tác và tổ chức các dự án nghệ thuật của mình.

'Họ nói tôi điên nhưng vẫn phải công nhận tôi' ảnh 3
Tiết mục trình diễn của Đào Anh Khánh trong ngày khai mạc triển lãm “Vũ trụ hứng”.

Tất cả tranh trong triển lãm “Vũ trụ hứng” đều được mang đi đấu giá tại Lunet Auction House. Bức nào cũng nghìn với chục nghìn đô. Số tiền thu được, Đào Anh Khánh dự định lại tiếp tục đổ vào Gầm Trời, nuôi nấng tiếp những dự án nghệ thuật còn ấp ủ. Đặc biệt, có 2 bức giá cao hơn hẳn, tính tiền Việt rơi vào khoảng vài tỷ đồng mỗi bức.

“Hai tác phẩm này tôi vẽ hồi Covid, cũng là những tác phẩm vẽ về thiên nhiên, hết sức trong trẻo, đến mức như không có thực. Nhưng ít ai biết, chúng được sáng tác trong thời gian tôi cô đơn và bi quan nhất, lúc một mình sống giữa thung lũng rộng lớn, vật lộn với mọi thứ. Tôi thật sự không muốn bán mà muốn giữ lại để treo ở Gầm Trời”, Đào Anh Khánh lý giải. Có lẽ, “hét giá” cũng là một cách để anh giữ lại tác phẩm của mình.