Công trường xây dựng Hồ Thủy điện -Thủy lợi Cửa Đạt Ảnh: L.V.Thành |
Dù các doanh nghiệp đang nỗ lực thi công, song trên thực địa đại công trường cũng như trên giấy tờ…, vẫn ngổn ngang, bộn bề, tiềm ẩn rủi ro lớn.
Công trình bị “đội” vốn cả nghìn tỷ đồng này đến nay vẫn chưa hoàn thành tổng dự toán. Việc bên A nợ nhà thầu hàng trăm tỷ đồng đang làm tăng bất lợi trong quá trình thi công.
Nợ nhiều, nhà thầu “hoãn” lương công nhân
Công trường thủy điện, thủy lợi Hồ Cửa Đạt những ngày đầu tháng 10 ầm ầm tiếng máy, công nhân hối hả làm việc.
Tuy nhiên, trong khung cảnh khẩn trương đó, không ít người đang ngậm ngùi với nghịch lý: Công việc chất chồng, chậm trễ; công nhân càng cố làm nhiều càng bị chậm lương! Lãnh đạo Tổng Cty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (VINACONEX)-đơn vị làm tổng thầu cho biết, tổng khối lượng đào đất đá ở đây thật khổng lồ: 2.600 nghìn m3 và tổng khối lượng bê tông 101 nghìn m3.
Với mục tiêu chặn dòng vào ngày 2/12/2006, khối lượng công việc này cần sự nỗ lực rất lớn của 4 nhà thầu.
Ông Phùng-Trưởng ban quản lý dự án thủy lợi 406 (Thanh Hóa) sốt ruột với rất nhiều hạng mục thi công dở dang, trong đó có cả hạng mục vẫn chưa được thi công.
Hạng mục đập vai phải đợt 2 được duyệt đơn giá từ tháng 3/2006, song mới thực hiện được 65% khối lượng; Đập vòm sông và bờ vai trái, duyệt tháng 5/2006, mới thực hiện được 5% khối lượng công việc; Bản chân đoạn lòng sông, duyệt tháng 6/2006 đến nay chưa thi công. Các hạng mục bản chân vai phải, trái, kênh hạ lưu và tràn…vẫn chưa được điều chỉnh giá.
Cùng những hạng mục chậm hoặc chưa được thi công này là khối lượng tiền đầu tư từng hạng mục bị khê đọng. Hạng mục đắp đập vai phải đợt 2 được duyệt 37 tỷ đồng chưa giải ngân hết.
Đập lòng sông và vai trái đợt 1 được duyệt 179 tỷ đồng gần như chưa giải ngân… Với những hạng mục chưa thống nhất điều chỉnh đơn giá đều ứ đọng vốn. Theo Ban chỉ đạo xây dựng Hồ Cửa Đạt, đến giữa tháng 10/2006, Ban mới giải ngân được 330/800 tỷ đồng.
Các nhà thầu đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn, song vẫn bị bên A nợ hơn 300 tỷ đồng. Tại cuộc họp bàn kế hoạch chặn dòng để bước sang giai đoạn xây dựng mới do lãnh đạo Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì vừa diễn ra, các nhà thầu đã tỏ ra rất khó chịu trước việc họ bị nợ quá nhiều tiền.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Thuật: Nếu có sai phạm phải xử lý nghiêm! Trước những thông tin đơn vị thi công khai tăng khối lượng đào đắp để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thuật khẳng định: Nếu sai phạm này là thực, lãnh đạo Bộ NN&PTNT sẽ trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm, tùy mức độ vi phạm nặng hay nhẹ. Lãnh đạo Bộ tuyệt đối không bao che. Kiểm tra thực tế tại công trường, ông Thuật yêu cầu các đơn vị thi công tăng cường giám sát, tránh gian lận hay để xảy ra tình trạng trộm cắp vật liệu xây dựng. |
Phó Tổng GĐ VINACONEX Nguyễn Thành Phương cho biết: Có nhiều đầu việc các nhà thầu thực hiện xong từ tháng 10/2005 đến nay vẫn bị nợ. Bên A nợ VINACONEX hơn 100 tỷ đồng.
Mỗi ngày VINACONEX mất gần 1 tỷ đồng lãi phát sinh. Không có tiền, nhiều nhà thầu chỉ trả lương cơ bản cho công nhân, phần họ làm vượt phải ách lại…
Cũng theo ông Phương, điều mà nhà thầu, công nhân rất bất bình khi Thanh tra tài chính thông báo có thể sẽ xuất toán các khoản chi vượt dự toán ban đầu trong khi cách tính của thanh tra không bám vào những thay đổi công nghệ của đơn vị thi công và thực tế công trường.
Ông Lê Quang Thế-Tổng GĐ Tổng Cty xây dựng thủy lợi 4 nói, nhiều công việc cũ họ chưa hoàn thành, bây giờ lại bị nợ hơn 70 tỷ đồng khiến khả năng tiếp tục công việc càng khó khăn.
Trước tình trạng hàng trăm tỷ đồng bị “treo”, trong khi lại có đơn vị thi công khai gian khối lượng đất đá đào đắp để lấy tiền, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Ngọc Thuật đã yêu cầu đại diện nhà thầu có biểu hiện sai phạm báo cáo vụ việc để xử lý, song lãnh đạo đơn vị thành viên của nhà thầu này lại tuyên bố “không biết rõ” (?)…
Vượt cạn để chặn dòng
Đề cập thời điểm di dời dân trong lòng hồ quá chậm trễ, ông Mai Văn Ninh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện UBND tỉnh đang tiến hành áp giá đền bù điều chỉnh đối với 55 hộ và sẽ giải quyết xong vào đầu tháng 11.
Những nơi người dân đã di cư đến cũng đang được đầu tư tiếp để ổn định và phát triển đời sống. Thanh Hóa đã nhận 50 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng từ tháng 2/2005 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành công việc, đây là cản trở lớn đối với việc thực hiện đúng tiến độ công trình.
Căng thẳng hơn: Hiện giữa nhà thầu và đơn vị thi công chưa thống nhất được đơn giá trong nhiều hạng mục thi công, đơn giá nổ mìn lấy đá, định mức ca máy…
Đến nay, công trình trọng điểm Hồ Cửa Đạt vẫn chưa hoàn tất được tổng dự toán đầu tư điều chỉnh, song tổng đầu tư ước vượt hơn 3.000 tỷ đồng. Sự chậm trễ này tiềm ẩn những lo ngại lớn. Về kinh tế, nguồn vốn đầu tư cho Hồ Cửa Đạt lấy từ nguồn vốn Chính phủ vay của dân.
Nguồn này đã sẵn có từ nhiều năm qua, càng chậm giải ngân, Nhà nước càng chịu lãi, thời gian xây dựng công trình bị kéo dài, giá vật liệu xây dựng tăng, hiệu quả sẽ rất thấp.
Để lễ chặn dòng diễn ra đúng ngày 2/12 như dự kiến, nhà thầu và đơn vị thi công, Ban chỉ đạo xây dựng Hồ Cửa Đạt ngoài việc giải quyết xong những khó khăn nói trên còn phải vượt qua tình trạng hợp tác rời rạc như hiện nay, để giải quyết vướng mắc về thủ tục xây dựng, kiềm chế tốc độ “đội vốn” đầu tư rất lớn.
Ban chỉ đạo xây dựng Hồ Cửa Đạt yêu cầu phải hoàn thành định mức đơn giá để trình mức dự toán thay đổi trước ngày khởi công, dù vậy điều này sẽ khó giải quyết sớm, bởi nhiều văn bản quy định về xây dựng, thi công… nằm trong tầm giải quyết của các bộ khác (như KH&ĐT, Xây dựng…), và cả UBND tỉnh Thanh Hóa.