Hình thành phân khúc ô tô mới tại Việt Nam

TPO - Mẫu xe điện mini mới của một thương hiệu Trung Quốc vừa ra mắt tại thị trường Việt Nam được cho sẽ tạo ra xu hướng di chuyển mới đối với khách hàng Việt. Tuy nhiên, khi xét về giá bán, sản phẩm có phần chưa thực dụng cho người tiêu dùng. 

Ngày 29/6, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mẫu xe Wuling HongGuang MiniEV ra mắt được xem tiên phong khai mở phân khúc ô tô điện mini tại Việt Nam.

Hình thành phân khúc ô tô mới tại Việt Nam ảnh 1

Wuling HongGuang MiniEV trình làng tại Hà Nội. Ảnh: Nguyên Vũ.

Hình thành phân khúc ô tô mới tại Việt Nam ảnh 2

Wuling HongGuang MiniEV sử dụng pin LFP do hãng Gotion cung cấp. Ảnh: Nguyên Vũ.

Tất cả các phiên bản của Wuling HongGuang MiniEV đều được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Chúng sử dụng một động cơ điện, dẫn động cầu sau, cho công suất tối đa 26,82 mã lực, mô-men xoắn cực đại 85 Nm, tốc độ tối đa của xe là 100 km/h, phù hợp di chuyển trong đô thị. Xe có phạm vi hoạt động trong khoảng 120-170 km tùy từng phiên bản.

Hình thành phân khúc ô tô mới tại Việt Nam ảnh 3

Tốc độ tối đa của xe đạt 100 km/h. Ảnh: Nguyên Vũ.

Mẫu xe điện ra mắt giúp thị trường ô tô trong nước mở rộng thêm phân khúc mới. Nhà sản xuất hy vọng mẫu xe này sẽ giúp người dân có thêm lựa chọn phương tiện nhằm thay thế xe máy, tạo nên sự tiện lợi và an toàn trong di chuyển, đồng thời tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Wuling HongGuang MiniEV được phân phối 4 phiên bản, có mức giá niêm yết từ 239 triệu đồng đến 279 triệu đồng. Như vậy, giá bán của nó tại thị trường Việt Nam cao hơn gần 100 triệu đồng so với thị trường Trung Quốc với những cấu hình tương đương. Điều này khiến giảm bớt tính thực dụng của sản phẩm này.

Hình thành phân khúc ô tô mới tại Việt Nam ảnh 4

Wuling HongGuang MiniEV tại Việt Nam đắt hơn 100 triệu đồng so với thị trường Trung Quốc.

Tại Việt Nam hiện nay, ô tô điện chạy pin loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ có mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) giảm từ 15% xuống còn 3% từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/02/2027, từ ngày 1/3/2027 là 11%.

Đây là loại thuế gián thu đánh vào một số mặt hàng đặc biệt do các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ. Theo đó, loại thuế này sẽ do các doanh nghiệp sản xuất nộp, nhưng người tiêu dùng sẽ phải chịu thuế và mức thuế được cộng vào giá bán sản phẩm.

Với những ưu đãi về thuế cho xe điện đã đề cập ở trên đi kèm việc được sản xuất trong nước, một số nhận định cho biết mức giá của Wuling HongGuang MiniEV chưa đạt kỳ vọng. Ở tầm đó, người tiêu dùng có thể sở hữu những mẫu xe hạng A "lướt" như Hyundai i10, Kia Morning, Toyota Wigo với thói quen sử dụng quen thuộc.

Đáng chú ý, sau quá trình lái thử, một số chuyên gia ô tô lâu năm trong nước nhận định phạm vi hoạt động thực tế của Wuling Hongguang Mini EV sẽ không được như công bố của nhà sản xuất. Giới mộ điệu dự đoán nó chỉ có thể lăn bánh trong khoảng 70 km-120 km trong mỗi lần sạc tùy thuộc vào từng phiên bản.

Hình thành phân khúc ô tô mới tại Việt Nam ảnh 5

Phạm vi hoạt động của xe có thể không đạt như mong đợi. Ảnh: Nguyên Vũ.

Đặc biệt, trong thời gian tới, thị trường phân khúc xe điện mini sẽ được "hâm nóng". Wuling Hongguang Mini EV có thể sẽ nhận sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm mới VinFast VF 3 do hai mẫu xe này có kích thước tương đối như nhau.

Cùng với đó, Công ty Thái Hưng (Công ty cổ phần Thái Bình Hưng Thịnh), đơn vị đầu tiên từng nhập khẩu Wuling Honggquang mini EV về Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với công ty Roding Mobility (có trụ sở tại Đức) để nghiên cứu và sản xuất ô tô cỡ nhỏ.

Hình thành phân khúc ô tô mới tại Việt Nam ảnh 6

VinFast VF 3.

Hình thành phân khúc ô tô mới tại Việt Nam ảnh 7

Một nguyên mẫu xe điện cỡ nhỏ được Roding Mobility phát triển.

MỚI - NÓNG