DN ưu tiên chiếm 36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), tính đến tháng 7/2023, trên cả nước có tất cả 74 doanh nghiệp ưu tiên, trong đó có 25 doanh nghiệp Việt Nam, 16 doanh nghiệp Hàn Quốc, 14 doanh nghiệp Nhật Bản, còn lại là các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Đài Loan, Ý, Đan Mạch, liên doanh Việt-Nga...
Theo số liệu báo cáo các doanh nghiệp năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên là khoảng 266 tỷ USD, chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên cả nước. Các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp ưu tiên khá đa dạng, từ lĩnh vực công nghiệp, gia công, chế biến; chế tạo đến nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Chương trình doanh nghiệp ưu tiên được triển khai tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Là một trong những doanh nghiệp ưu tiên gần 10 năm, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết để duy trì thường xuyên và có tên trong danh sách các doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu như chấp hành tốt các quy định pháp luật; liên tục đổi mới cải tiến hoạt động kinh doanh; áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại, kiểm soát nội bộ.
Theo ông Việt, khi trở thành doanh nghiệp ưu tiên, uy tín thương hiệu của May 10 được nâng lên rất nhiều không chỉ với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, mà cả với cả các khách hàng mà công ty đang làm ăn ở các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản. Đặc biệt, với những ưu tiên về thủ tục, thời gian thông quan, thời gian lưu kho, chi phí xử lý của doanh nghiệp đều giảm. Từ đó, giúp doanh nghiệp chủ động được kế hoạch sản xuất tốt hơn rất nhiều.
Theo Tổng cục Hải quan, khi trở thành doanh nghiệp ưu tiên, các doanh nghiệp sẽ được ưu tiên thứ tự làm thủ tục hải quan và thông quan. Qua đó, không chỉ giảm được chi phí lưu kho hàng hóa, mà còn đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, giảm đáng kể thời gian, nhân lực đi lại, không gây ứ đọng tại các cảng, không bị phạt phí lưu container, đồng thời doanh nghiệp chủ động trong việc lấy hàng, đảm bảo thời gian giao hàng…
Đặc biệt, doanh nghiệp ưu tiên còn được miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa cũng khiến cho các chi phí lưu container, kho bãi, cảng giảm đi.
Đào tạo để mở rộng doanh nghiệp ưu tiên
Hiện chương trình doanh nghiệp ưu tiên của Việt Nam mới chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và chưa mở rộng cho tất cả chủ thể khác tham gia vào chuỗi cung ứng gồm doanh nghiệp kinh doanh kho bãi/logistics, nhà sản xuất… theo khuyến nghị của Hải quan thế giới (WCO) tại Khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu của WCO (Khung tiêu chuẩn SAFE). Nước ta chưa có khuôn khổ pháp lý để dành tiêu chí ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp nước ta chủ yếu là loại hình doanh nghiệp này, chiếm trên 97% số doanh nghiệp trên cả nước.
Sự lớn mạnh cả về số lượng, quy mô hoạt động và cả về nội lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tác động to lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế ‐ xã hội và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chưa có đủ nguồn lực tài chính để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nên rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp này khi tham gia chương trình doanh nghiệp ưu tiên chưa đáp ứng được điều kiện về các kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên hiện chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch XNK cả nước |
Bên cạnh đó, mặc dù cơ sở pháp lý về việc kết nối hệ thống công nghệ thông tin bảo đảm kiểm soát nội bộ đã đầy đủ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu triển khai kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập kho nguyên liệu, thành phẩm đến cơ quan Hải quan qua Hệ thống.
Theo Cục Kiểm tra sau thông quan, để triển khai chương trình doanh nghiệp ưu tiên hiệu quả, trong thời gian tới cần hoàn thiện "Chương trình doanh nghiệp ưu tiên theo khuyến nghị của WCO và phù hợp với luật pháp quốc gia", bằng việc mở rộng đối tượng áp dụng chế độ ưu tiên tới tất cả các chủ thể kinh tế tham gia chuỗi cung ứng; bổ sung điều kiện an ninh đối tác và điều kiện về tài chính để công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Ngành Hải quan cần triển khai đàm phán ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về doanh nghiệp ưu tiên với hải quan các nước, đồng thời xây dựng hệ thống/phần mềm trung gian để kết nối dữ liệu của doanh nghiệp với cơ quan hải quan.
Việc vào danh sách doanh nghiệp ưu tiên sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được nhiều chi phí lên quan đến kiểm tra hồ sơ, chứng từ |
Cùng với đó, cần cường hợp tác và truyền thông về chương trình doanh nghiệp ưu tiên. Để phủ sóng rộng rãi về chương trình Doanh nghiệp ưu tiên tới cộng đồng doanh nghiệp, Cục Kiểm tra sau thông quan phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI để tuyên truyền, đào tạo cho doanh nghiệp về lợi ích và điều kiện để trở thành doanh nghiệp ưu tiên.
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan dự kiến sẽ kiến nghị Bộ Tài chính về việc hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực khác như thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm; thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Từ đó các cơ quan này sẽ dành những ưu tiên đặc biệt về thủ tục đối với các doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan.