Những người hâm mộ thực phẩm biến đổi gien (GMO - tiếng Anh: Genetically Modified Organisms) cho rằng, thực vật GMO có khả năng chịu hạn và sâu bệnh. Thực vật biến đổi gien có thể trở thành “những nhà máy sinh học” sản xuất thuốc chữa bệnh.
Những người phản đối GMO khẳng định, thực vật loại này có thể hủy diệt những cây trồng khác hoặc chuyển giao một cách không kiểm soát những gien mới có. Liệu có nên gia tăng mức độ mạo hiểm? Tại châu Âu thực vật GMO đã được gieo trồng tại Đức, Tây Ban Nha, Bungari và Rumani. Tại Ba Lan chỉ gieo trồng duy nhất ngô biến đổi gien. Canh tác thực vật GMO có tốc độ nhanh nhất tại Trung Quốc.
Trên một triệu công dân các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký kiến nghị gửi Ủy ban châu Âu chống lại việc canh tác thực vật biến đổi gien và sản xuất thực phẩm từ chúng. Với cơ thể động vật, thực phẩm GMO làm rối loạn hoạt động của hệ hormone và gan, dẫn đến những biến đổi xương cốt và khuyết tật bẩm sinh. Giới khoa học đã ghi nhận tỷ lệ tử vong của chuột thí nghiệm cao hơn và những biến đổi trong tế bào sinh sản sau thời gian nhất định ăn thức ăn chế biến từ thực phẩm GMO. Đàn gà ăn thực phẩm GMO bị rối loạn tiêu hóa, chuột ăn thức ăn từ thực phẩm GMO bị rối loạn hệ miễn dịch, biến dạng tế bào trong gan, mật và tinh hoàn, nồng độ đường trong máu cao hơn bình thường, con số tử vong cao hơn và gia tăng tỷ lệ tử vong trong thế hệ tiếp nối. Liệu có thể gây ra những hậu quả tương tự ở người tiêu thụ thực phẩm GMO? Có thể.
Hiện trên 70% thực phẩm chế biến công nghiệp chứa phụ gia các thành phần sản phẩm biến đối gien nào đó. Người tiêu thụ thường không được thông báo về thực tế này. Đó là một trong những lý do buộc Viện Khoa học Y học Môi trường Mỹ kêu gọi cơ quan có thẩm quyền lập tức ban hành lệnh cấm sản xuất loại thực phẩm này.
Canh tác thực vật GMO gây ô nhiễm môi trường – GS Charles Benbrook, nhà khoa học Mỹ, chuyên gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp khẳng định trong bản tường trình tháng 11 năm 2009. Trong đó nhà khoa học giới thiệu kết quả 13 năm đầu canh tác thực vật biến đổi gien tại Mỹ. GS Benbrook khẳng định, giống mới đã làm gia tăng đáng kể định mức sử dụng thuốc trừ sâu, nhất là herbicide (thuốc diệt cỏ) chứa glifosat – nguyên tố hóa học gây ung thư, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe phụ nữ có thai và quá trình hình thành thai nhi. Gliosat trong herbicide làm tổn thương tế bào phôi thai và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển phôi thai.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh, glifosat tồn tại lâu dài trong đất đai, trong nguồn nước, trong thực phẩm GMO. Tại Argentina và Paragway, nơi đã nhiều năm canh tác đậu nành biến đổi gien đã quan sát được tình trạng gia tăng đáng báo động (300 phần trăm) số lượng trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh và ung thư (tăng 400 phần trăm). Nghiên cứu cũng cho thấy sự gia tăng con số trẻ em tử vong và gia tăng con số các ca sảy thai. Như bản thân chúng ta chứng kiến và vì lý do này, rõ ràng thực phẩm biến đổi gien có thể gây tác hại.
Theo Tiến Đôn
Tri Thức Trẻ