Bệnh rubella không chỉ là nỗi lo của bà con Củ Chi - TPHCM, Đồng Nai, Bến Tre nữa. Cùng với việc rubella bùng phát trên cả miền Bắc, mục tiêu phấn đấu loại trừ bệnh sởi vào năm 2010 của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia (TCMRQG) đang là thách thức.
PGS. TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), nói: “Dịch sởi xuất hiện đồng thời với dịch rubella khiến việc phát hiện rubella trở nên khó khăn hơn”.
Nhà nhà đi tiêm
Chị cán bộ Trung tâm Y tế Dự phòng (Sở Y tế Hà Nội, số 70 Nguyễn Chí Thanh) khi được hỏi một tờ rơi hướng dẫn về bệnh rubella lắc đầu quầy quậy: “Làm gì còn nữa hả em. Bọn chị phát hết từ mấy hôm nay rồi. Đến thuốc có khi còn chả đủ tiêm nữa là”. Chưa bao giờ mọi người, nhất là các bậc cha mẹ có con nhỏ lại lo lắng về bệnh rubella như vậy và hầu hết đều đưa con đi tiêm phòng.
Dịch rubella lây lan nhanh hơn nhiều người tưởng. Tại Lai Châu, trường hợp đầu tiên là một bệnh nhân nữ 5 tuổi ở huyện Sìn Hồ ngày 4/1/2005. Đến ngày 11/2/2005 số người mắc ở địa phương này lên hơn 300, lan nhanh ra hai huyện Sìn Hồ và Phong Thổ.
Một học sinh trường dân tộc nội trú về thăm gia đình lúc đang xảy ra dịch, khi trở lại trường, mang theo mầm bệnh làm dịch lây lan sang một số học sinh của trường thuộc xã Ma Li Pho huyện Phong Thổ.
Rubella còn được gọi là sởi Đức hay sởi ba ngày. Bệnh gây bởi virus rubella (không phải virus sởi) và có thể mắc ở mọi lứa tuổi. Bệnh nhân có triệu chứng sốt sưng hạch, nổi ban ở da màu hồng nhạt, đau khớp, tăng bạch cầu đơn nhân. Một số biến chứng hiếm gặp như xuất huyết, viêm não cấp, viêm cơ tim, viêm thận cấp. |
Tại Hà Nội trong 30 trường hợp sốt phát ban phát hiện có 10 trường hợp mắc bệnh rubella. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm 2005, miền Bắc có hơn 1000 người mắc và nghi mắc rubella. “Chúng tôi cố gắng khống chế nhưng nó vẫn bùng lên”, một quan chức ở Cục Y tế Dự phòng & Phòng chống HIV/AIDS (HIV&HPD), thừa nhận.
Sởi và rubella cùng có triệu chứng phát ban nhưng, trong khi số ca bệnh sởi giảm, số ca bệnh rubella lại tăng. Năm 2004 có 749 người mắc và nghi mắc. Năm nay, theo HIV&HPD, cả nước có 8 tỉnh xuất hiện rubella với hơn 1000 người mắc.
Báo Tiền Phong từng nhắc tới một số học sinh lớp một và hai trường tiểu học N.L ở Hà Nội sốt phát ban. Thời điểm này, khi tình hình ở trường tiểu học N.L lắng xuống, một trường THCS ngay cạnh, bệnh lại đang lan nhanh, không chừa cả học sinh lớp 9 đang gấp rút ôn tập cho kỳ thi chuyển cấp. Có phụ huynh cũng bị lây sau khi được bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai xác định nhiễm rubella chứ không phải phát ban thông thường.
Thiếu đủ thứ
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Đính, “Dịch rubella xuất hiện do những yếu tố xã hội chứ hoàn toàn không phải virus rubella có sự thay đổi”. Nhưng điều đó cũng gây khó khăn cho chương trình dập tắt rubella cũng như mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2010 của Chương trình TCMRQG.
Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine (loại kết hợp) phòng ba bệnh rubella, sởi và quai bị. Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm phòng từ 1 - 3 tháng trước khi mang thai, tiêm hai lần cách nhau 6 tháng. |
Vẫn PGS.TS Đính cho biết, trong khi vaccine sởi có mặt trong Chương trình TCMRQG một thời gian dài khiến số người mắc sởi giảm đáng kể, rubella vẫn ở tình trạng thả nổi. Sự tập trung những người trẻ tuổi chưa được miễn dịch với rubella (khu công nghiệp, trại tân binh, chung cư, ký túc xá, v.v…) càng khiến bệnh nhanh lây lan.
Cũng như bệnh sởi, biện pháp phòng bệnh rubella tốt nhất là tiêm vaccine. Nhưng vaccine phòng rubella phải nhập với giá cao mà vẫn không cung cấp đủ. Đầu năm 2005 khi rubella bùng phát ở miền Nam, dân đổ xô đi tiêm vaccine và kho vaccine rubella của các hãng dược tại Việt Nam cạn nhanh.
TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Viện trưởng Viện Pasteur, cảnh báo: “Mỗi mũi vaccine rubella nhập của Mỹ, Bỉ, Pháp, giá 120.000 – 150.000 đồng/mũi. Nếu ta không chủ động sản xuất vaccine với giá thành hợp lý, ngay cả những dịch bệnh đã thanh toán như viêm não, thương hàn, bại liệt, cũng có nguy cơ quay lại”.
“Hoạt động TCMR phải thực sự được xã hội hoá. TCMR không chỉ là việc riêng của ngành y tế”, PGS.TS. Phạm Ngọc Đính nói, “Trong khi chúng ta chưa thể triển khai vaccine rubella vào chương trình TCMRQG, cộng đồng cần chủ động ưu tiên tiêm phòng cho phụ nữ vị thành niên vì tác hại nhất của rubella là đối với phụ nữ, phụ nữ có thai”.
Các chuyên gia ước tính hiện có 10% số thanh thiếu niên mẫn cảm với rubella, gây nguy hiểm cho đứa con mà họ có thể có vào một ngày nào đó.
Bệnh do tác nhân siêu vi trùng gây nên, lây qua đường hô hấp. Phụ nữ có thai mắc phải, đặc biệt trong ba tháng đầu kỳ, thường gặp những biến chứng như sẩy thai, quái thai, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai và (CRS). Phân biệt được những người mắc bệnh rubella khi không có dịch thường rất khó do có nhiều điểm giống nhau giữa rubella với bệnh khác trong đó có sởi. Chỉ có thể chẩn đoán xác định rubella trong phòng thí nghiệm. |