Ngân hàng TMCP Sài gòn Hà Nội vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng 2012. Theo đó, sau khi sáp nhập Habubank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của SHB lỗ 1.105 tỷ đồng, trong khi 6 tháng (thời điểm trước sáp nhập) ngân hàng lãi hơn 600 tỷ đồng.
Lỗ vì trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu của Habubank
Khoản lỗ 1.105 tỷ của SHB trong 9 tháng đầu năm bao gồm lãi từ các đơn vị SHB cũ là 610 tỷ đồng còn các đơn vị kinh doanh thuộc HBB cũ âm 1.715 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do ngân hàng phải trích lập dự phòng các khoản nợ cũ của Habubank. Con số nợ xấu của SHB sau sáp nhập đến thời điểm này chưa được công bố, tuy nhiên theo công bố từ phía SHB, tổng dự phòng rủi ro đã được trích lập đến 30-9-2012 là 2.103 tỷ đồng.
Habubank chính thức sáp nhập vào SHB ở thời điểm 28-8-2012. Tổng tài sản của ngân hàng sau sáp nhập đạt 103.785 tỷ đồng, vốn điều lệ 8.866 tỷ đồng.
Huy động vốn của ngân hàng SHB sau sáp nhập đạt hơn 69.900 tỷ đồng, tăng gần 42% so với thời điểm 30-6.
Dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 47.080 tỷ đồng, tăng 53,4% so với thời điểm 30-6-2012.
Theo thông báo từ phía SHB, tỷ lệ an toàn vốn CAR của ngân hàng tại thời điểm 30-9-2012 đạt 13,9%. Tổng vốn dư thừa khả dụng của SHB đến 30-9-2012 (bao gồm tiền mặt, tiền gửi NHNN, trái phiểu chính phủ) đảm bảo thanh khoản ngay đạt 8.579 tỷ đồng. Chỉ tiêu này đến 31-10-2012 được duy trì hơn 10.600 tỷ đồng, đảm bảo thanh khoản tốt.
Nợ xấu của SHB ở thời điểm 30-9-2012 đạt hơn 6.200 tỷ đồng, chiếm 13,23% tổng dư nợ, trong khi đầu năm trước khi sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu của SHB chỉ ở mức 2,23%.
Mục tiêu cuối năm: hạ tỷ lệ nợ xấu của Habubank xuống dưới 10%
Do SHB đã trích lập dự phòng đầy đủ các khoản nợ quá hạn, nợ xấu nên kết quả hoạt động kinh doanh của SHB sẽ khả quan hơn trong thời gian tới. Cụ thể, kể từ thời điểm 30/9/2012 sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro đến ngày 1-11-2012, SHB đã thu hồi được hơn 1.200 tỷ đồng nợ quá hạn, nợ xấu. Số tiền thu hồi nợ xấu này sẽ được tính vào hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng giúp SHB giảm lỗ.
SHB đang đẩy mạnh công tác thu hồi nợ xấu, trưởng phòng xử lý nợ tại các Chi nhánh chủ yếu là các Giám đốc chi nhánh chỉ đạo trực tiếp công tác thu hồi nợ xấu.
SHB cũng sử dụng phương án cơ cấu nợ đối với các khách hàng có khó khăn tạm thời về tài chính nhưng có thị trường đầu ra tốt và có triển vọng phát triển.
Đối với một số đơn vị kinh doanh trong các lĩnh vực ngành nghề thiết yếu, phát triển của nền kinh tế, có tài sản cố định là nhà xưởng, máy móc thiết bị tốt, có nền tảng thị trường, khách hàng xuất khẩu và trong nước tốt nhưng kinh doanh thua lỗ do năng lực quản trị yếu kém, SHB trực tiếp tham gia quá trình tái cấu trúc DN.
Một trong số các doanh nghiệp được cơ cấu nợ và được SHB trực tiếp tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp là CTCP Thủy sản Bình An Bianfishco. Theo thông tin từ phía SHB, sau khi SHB tham gia tái cấu trúc, Bianfishco đã trở lại sản xuất bình thường và dự kiến đến 31-12-2012 sẽ xuất khẩu 300 container sang thị trường châu Âu, Nam Mỹ và Nhật Bản.
Ngoài Bianfishco, hiện SHB đang tham gia tái cấu trúc một số doanh nghiệp khác thuộc ngành sản xuất giấy, sắt thép, sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều,…
Đối với một số khách hàng có tài sản không hiệu quả, ngân hàng tư vấn thanh lý tài sản, hiện SHB thu hồi được 350 tỷ đồng từ phía công ty Rexam ABM khi công ty này bán bớt một phần nhà xưởng, máy móc thiết bị lạc hậu thu về khoảng 800 tỷ đồng.
Theo TTVN