‘Hậu duệ’ của ‘Bà đầm thép’ mang hoài bão nâng tầm nước Anh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hồi nhỏ, bà Liz Truss tham gia biểu tình phản đối Thủ tướng Margaret Thatcher của đảng Bảo thủ. Lớn lên, bà chuyển sang ngưỡng mộ nữ thủ tướng đầu tiên của Anh, và giờ bà chuẩn bị bước vào số 10 Phố Downing với nhiệt huyết thay đổi nước Anh.
‘Hậu duệ’ của ‘Bà đầm thép’ mang hoài bão nâng tầm nước Anh ảnh 1

Bức ảnh bà Liz Truss chụp trên xe mô-tô gợi nhớ đến bức ảnh của nữ thủ tướng đầu tiên của Anh Margaret Thatcher (phải). (Ảnh: Getty)

Ngày 5/9, Ngoại trưởng Truss được chọn người thay thế ông Boris Johnson để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và thủ tướng tiếp theo. Đảng này cho biết bà Truss giành được phiếu ủng hộ của khoảng 57% thành viên, trong khi cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak được 43%.

Bà Truss, 47 tuổi, sẽ trở thành nữ thủ tướng thứ ba của Anh, sau bà Thatcher (lãnh đạo từ năm 1979 – 1990) và bà Theresa May (từ 2016-2019).

Các thành viên đảng Bảo thủ ủng hộ chủ trương của bà Truss về cắt giảm thuế và khắc phục tình trạng trì trệ quan liêu, đồng thời tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Ukraine. Một số người nhìn thấy sự tương đồng giữa đường lối của “Người đàn bà thép” Thatcher với tầm nhìn của bà Truss về một “mạng lưới tự do khi gắn kết các nền dân chủ khắp thế giới.

Đối với phe chỉ trích, bà Truss là người thiếu linh hoạt, với những chính sách cánh hữu sẽ không thể giúp Anh vượt qua tình trạng kinh tế khó khăn do đại dịch, Brexit và xung đột ở Ukraine.

Mark Littlewood, một nhà bình luận biết bà Truss từ hồi đại học, nói rằng nhà lãnh đạo mới của Anh ít bảo thủ hơn một người “cực đoan”, và cũng muốn “thu hẹp sự can thiệp của nhà nước” vào cuộc sống của người dân như tiền bối Thatcher.

“Tôi cho rằng sẽ có rất nhiều pháo hoa, rất nhiều tranh cãi và nhiều hành động”, ông Littlewood phán đoán.

Sinh ra tại Oxford năm 1975, bà Mary Elizabeth Truss là con gái của một giáo sư toán học và một y tá. Hồi bé, bà tham gia các cuộc biểu tình phản đối hạt nhân và phản đối các chính sách của Thủ tướng Thatcher khi đó.

Trong bài phát biểu năm 2018, bà Truss nói rằng bà bắt đầu hình thành quan điểm chính trị từ rất sớm, thường“tranh luận ngược với bố mẹ trong gia đình cánh tả”.

Gia đình bà sống ở Paisley, Scotland, sau đó chuyển đến Leeds ở miền Bắc nước Anh, nơi bà Truss học trung học – điều khiến bà khác biệt với nhiều đồng nghiệp học trường tư trong đảng Bảo thủ.

Trong giai đoạn vận động tranh cử, bà Truss nhấn mạnh xuất thân khá khiêm tốn của mình. Tuy nhiên, bà khiến một số bạn học và giáo viên cũ thất vọng khi chê trường “có kỳ vọng thấp, tiêu chuẩn giáo dục thấp và thiếu cơ hội”, dù trường này có những học sinh trở thành nhà nghiên cứu, thẩm phán và nhiều nghị sĩ.

Bà Truss sau đó học tại ĐH Oxford, ngành triết học, chính trị và kinh tế học – những ngành thường được các chính trị gia lựa chọn, và là chủ tịch nhóm sinh viên thuộc đảng Dân chủ Tự do.

Littlewood, người cũng là thành viên của nhóm và hiện là giám đốc Viện Kinh tế, nhớ rằng bà Truss là người “cứng đầu, cương quyết và thẳng thắn”.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Oxford, bà Truss gia nhập đảng Bảo thủ “khi nó rõ ràng không hợp thời trang”, bà nhớ lại.

Bà từng làm việc trong vai trò một nhà kinh tế học cho tập đoàn năng lượng Shell, hai hãng viễn thông Cable và Wireless, sau đó là một viện nghiên cứu và tham gia các hoạt động của đảng Bảo thủ, tán thành với quan điểm tự do thị trường của bà Thatcher. Bà làm việc tại một hội đồng cấp cơ sở ở London rồi ứng cử hai lần vào Quốc hội không thành, trước khi được bầu làm đại diện cho Southwest Norfolk năm 2010.

Bà giành được một ghế trong đảng Bảo thủ sau một lần vấp ngã vì bê bối có quan hệ tình cảm với một nghị sĩ khác khi cả hai đều đã kết hôn. Bà Truss đã vượt qua bê bối đó. Bà và phu quân Hugh O’Leary (làm nghề kế toán) có hai người con đang ở tuổi niên thiếu.

Bà lập nhóm Doanh nghiệp tự do của các nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ đường lối Thatcher. Nhóm này đã xuất bản “Britannia Unchained” – học thuyết chính trị nổi tiếng trong đó có ý nói rằng các công nhân Anh “thuộc nhóm những người lười biếng nhất thế giới”.

Bà trở thành bộ trưởng tư pháp, nhưng bị giáng chức xuống vị trí thấp hơn trong Bộ Tài chính vào tháng 5/2017. Khi bà May phải ra đi vì không thể giải quyết bế tắc Brexit, bà Truss sớm ủng hộ ông Boris Johnson trở thành thủ tướng.

Khi lên nắm quyền, ông Johnson đưa bà Truss trở thành bộ trưởng tài chính. Tháng 9/2021, bà Truss trở thành ngoại trưởng. Hiệu quả làm việc của bà nhận được những đánh giá trái chiều. Nhiều người khen bà phản ứng cứng rắn khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, bảo đảm thành công trong chiến dịch giúp hai công dân Anh bị giam ở Iran được thả.

Tuy nhiên, các lãnh đạo EU và những quan chức Anh muốn bà có tiếng nói mềm mỏng hơn trong quan hệ giữa Anh với khối lại cảm thấy thất vọng.

Bà Truss đôi khi cho rằng việc thường xuyên so sánh với bà Thatcher là phân biệt giới tính, nhưng đôi khi bà khiến mọi người liên tưởng như vậy. Bà chụp ảnh trên một chiếc xe tăng của quân đội Anh ở Đông Âu, gợi nhớ hình ảnh của bà Thatcher trong Chiến tranh Lạnh. Trong cuộc tranh luận trên truyền hình, bà mặc chiếc áo thắt nơ giống như bà Thatcher thường mặc.

Với việc nhấn mạnh xuất thân khiêm tốn, bà Truss gợi so sánh đến xuất thân của bà Thatcher - con gái của người bán hàng tạp hoá.

Về cuộc sống riêng của bà Truss, bạn bè kể rằng bà thích hát karaoke, thích nghe các bài hát của Taylor Swift, Whitney Houston và Destiny’s Child.

Theo AP
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.