Đại diện MobiFone cho biết, tới giữa tháng 4 nhà mạng này đã hoàn tất việc lắp đặt thêm 7.500 trạm phát sóng 2G-3G mới trên khắp cả nước, trong đó có 3.500 trạm phát sóng 3G và 4.000 trạm phát sóng 2G.
Ứng dụng công nghệ mới HSPA+ (tương đương 3,5G) trên toàn mạng, đại gia di động này nâng tốc độ downlink tối đa lên đến 21Mbps và tốc độ uplink tối đa là 5,76 Mbps.
Công nghệ mới kết hợp với tăng số lượng trạm thu phát sóng 3G tăng thêm trung bình khoảng 50% - 60% ở nhiều địa phương giúp chất lượng 3G của nhà mạng này lên một tầm cao mới.
Tại một số địa phương, số trạm 3G tăng gấp 2-4 lần. Chưa hết, nhà mạng này tiếp tục tách HSPA+ chạy riêng trên một băng tần để cải thiện tốc độ sử dụng data và các trạm 3G công nghệ mới giúp san tải, hỗ trợ 2G.
Vùng phủ sóng rộng tăng mạnh, tốc độ truy cập 3G cũng có bước ngoặt là những con bài mà nhà mạng này sử dụng trong cuộc chạy đua giữ và thu hút thuê bao mới.
Trong khi đó, người anh em VinaPhone cũng đang tích cực triển khai thử nghiệm để ứng dụng HSPA+. Mới đây, nhà mạng này hoàn tất việc lắp đặt thêm 3.000 trạm BTS 2G và 2.600 trạm 3G.
Một lãnh đạo cấp cao của VinaPhone cho biết dự kiến thu hút thêm 1 triệu thuê bao 3G trong năm 2012 sau khi thực hiện các khoản đầu tư chiến lược.
Hãng viễn thông quân đội Viettel chưa có công bố gì về ứng dụng công nghệ mới cho mạng 3G cũng như các kế hoạch tăng cường dịch vụ giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, nguồn tin từ Viettel cho biết, hãng này luôn nắm bắt kịp thời các công nghệ mới và sự thay đổi trên thị trường để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia về viễn thông, việc tăng cường mạnh mẽ vùng phủ sóng và áp dụng công nghệ mới HSPA+ sẽ khởi tạo một cuộc đua mới về chất lượng trong thời gian tới.
Nếu như trước đây, MobiFone khởi đầu với việc đạt chất lượng thoại tương đương điện thoại cố định thì chỉ một năm sau, các mạng di động khác cũng đạt được chỉ số tương tự.
“Với công nghệ HSPA+, MobiFone có đi trước các mạng nhưng điều này cũng sẽ nhanh chóng được cân bằng bởi mạng nào cũng đang nhăm nhe vượt lên về công nghệ, khẳng định chất lượng dịch vụ của mình”, Giám đốc một công ty dịch vụ giá trị gia tăng tại Hà Nội nhận xét.
Một lãnh đạo của VinaPhone nhận xét, sau một thời gian dài chạy đua về cước, đến nay hầu hết các hãng đã ổn định về chi phí do đó, giảm cước chỉ đến với những dịch vụ mới.
Trong thời gian tới, cạnh tranh sẽ nhắm vào chất lượng dịch vụ cũng như công nghệ mới được áp dụng ra sao. “Việc đầu tư tiền tỷ lắp đặt thêm các trạm phát sóng 2G, 3G đều là lộ trình để nâng cao chất lượng phục vụ người tiêu dùng sau khi đã có được khách hàng từ việc hạ cước, khuyến mãi. Điều này cũng giống như việc nhà xây xong mà nhiều khách quá thì cũng cần sửa chữa, nâng cấp”, ông nói.
Ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc MobiFone cho rằng, xu hướng phát triển thị trường điện thoại thông minh, máy tính bảng giá rẻ đi kèm với giá cước 3G thấp cho thấy xu hướng bùng nổ về nhu cầu đối với các dịch vụ giá trị gia tăng. Do vậy, việc triển khai lắp đặt thêm trạm thu phát sóng, ứng dụng công nghệ mới nhất còn là nền tảng “đi tắt đón đầu” trong thời gian tới.
Vị lãnh đạo này còn tiết lộ thêm, mạng này sẽ nâng cấp các phiên bản dịch vụ giá trị gia tăng, cho ra đời nhiều gói cước mới với Blackberry, FastConnect và tìm kiếm thêm các đối tác quốc tế để phát triển các dịch vụ mới, lạ, chất lượng cao phục vụ khách hàng.
Cùng mục tiêu đó, thời gian qua, MobiFone đã tích cực triển khai nhiều gói cước, dịch vụ mới, không giới hạn dung lượng sử dụng, hướng mạnh tới kích cầu khách hàng, như : gói Zing không giới hạn với chỉ 15.000 đồng/ tháng hay dịch vụ Yahoo ! Mail & Chat không giới hạn dung lượng.
Mới đây, nhà mạng này cũng tung ra chương trình dành cho thuê bao hoà mạng FastConnect trả sau được bán kèm thiết bị đầu cuối hưởng chương trình tặng hằng tháng 1,7GB (trong 12 tháng liên tiếp), đồng thời cơ hội nhận 50% khuyến mại nạp tiền trong 10 lần nạp đầu tiên.
Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông nhận xét, việc đầu tư chạy đua về chất lượng chính là điểm khác biệt căn bản giữa những mạng lớn và mạng nhỏ. Với các hãng thông di động lớn, yếu tố sống còn là chất lượng. Bởi vậy, họ xây “nhà” trước rồi mới mời “khách” đến và duy trì chất lượng dịch vụ ở mức cao để giữ khách hàng
“Còn với hãng nhỏ, việc liên tục mở rộng vùng phủ sóng và ứng dụng công nghệ mới sẽ tốn chi phí rất lớn. Nếu kéo dài vài năm mà khách hàng không có đột biến, chủ đầu tư cũng khó chịu đựng bởi số tiền lên tới hàng trăm triệu đôla. Cũng vì thế, cuộc đua về vùng phủ sóng, kèm chất lượng dịch vụ và công nghệ mới không phải dễ dàng với các mạng di động nhỏ”, ông nói.