Hát cho đồng bào ở xa Tổ quốc

Ca sĩ Mạnh Tuấn, Triệu Long, Nhã Phượng, Bích Hải trong chương trình phát trực tiếp miễn phí phục vụ khán giả giữa đại dịch  COVID-19. Ảnh: Trần Nguyên Anh
Ca sĩ Mạnh Tuấn, Triệu Long, Nhã Phượng, Bích Hải trong chương trình phát trực tiếp miễn phí phục vụ khán giả giữa đại dịch  COVID-19. Ảnh: Trần Nguyên Anh
Trong lúc Việt Nam đã dần trở lại hoạt động bình thường sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát thành công thì ở nhiều nước, bà con Việt kiều vẫn phải sống trong cảnh cách ly xã hội. Một nhóm các nghệ sĩ trẻ tại TPHCM đã tổ chức các đêm nhạc phát trực tiếp chủ đề “Nhắn gửi yêu thương” phục vụ đồng bào Việt kiều để giúp họ vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.   

Miệt mài tập và diễn

Tôi đến Phòng trà Đồng Dao, nơi tổ chức các buổi diễn online phục vụ đồng bào Việt kiều xa quê thấy các nghệ sĩ đang mướt mồ hôi tập luyện. Họ ăn qua quýt, rồi sau đó chuẩn bị cho chương trình trực tiếp. Các ca sĩ nói: “Chúng em nhận được hàng trăm yêu cầu về các bài hát mỗi chương trình, nhưng sức lực và thời gian có hạn nên cũng mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu của khán giả Việt Nam ở nước ngoài”.

Ca sĩ Tôn Thất Mạnh Tuấn kể: “Ban đầu, trong những ngày cách ly xã hội, nhóm nghệ sĩ trẻ chúng em tập trung tại đây để hát cho đỡ nhớ nghề, để giải tỏa nỗi buồn và trau dồi nghề nghiệp thôi. Chúng em chia sẻ lên trên mạng xã hội, không ngờ nhận được rất nhiều thư từ, lời đề nghị là các nghệ sĩ hãy tiếp tục biểu diễn vì đồng bào bị cách ly nên ít ra ngoài, lâu rồi không được xem ca nhạc”.

Hát cho đồng bào ở xa Tổ quốc ảnh 1 Ban nhạc “Nhắn gửi yêu thương” diễn trong những ngày cách ly xã hội

Những bức thư thấm đẫm tình cảm, những chia sẻ về cảnh cách ly, nỗi nhớ quê nhà của khán giả từ Mỹ, Úc, Pháp… liên tục gửi về. Nhiều tới mức các nghệ sĩ phải dành một thời lượng để điểm thư, đọc và phản hồi các lá thư được gửi về từ các vùng cách ly xã hội trên toàn thế giới.

Ca sĩ Nhã Phượng, vừa làm M.C vừa hát, kể: “Nhiều bức thư bà con gửi về, chúng em đọc xúc động quá, cả ca sĩ ban nhạc đều không cầm được nước mắt. Chương trình trực tiếp, nhưng chúng em không thể kìm nén được cảm xúc vì nhớ khán giả, thương những khán giả ở xa trong đại dịch COVID-19”.

Trong những buổi biểu diễn đầu tiên, các ca sĩ nghệ sĩ thậm chí còn đeo khẩu trang lên sân khẩu để đàn. Chỉ bỏ khẩu trang lúc hát. Đó là những ngày cách ly xã hội, sân khấu TPHCM hoàn toàn vắng bóng khán giả. Nhưng không phải vì thế mà người ta không thèm nhớ âm nhạc. Sân khấu vắng lặng, nhưng tin nhắn gửi về chương trình liên tục, những lời yêu cầu các bài hát không dừng cho đến tận khi đêm diễn kết thúc. Có đêm diễn kết thúc rồi mà các nghệ sĩ vẫn còn 400 tin nhắn yêu cầu được nghe các bài hát yêu thích!

Việt Nam trong trái tim

Anh Thanh Hải, nghệ sĩ piano, kiêm nhạc sĩ phối khí kể: “Ban đầu chúng tôi chỉ biểu diễn trực tiếp trên mạng xã hội trong thời gian TPHCM thực hiện cách ly xã hội thôi. Nhưng bây giờ,  khi TPHCM đã hết cách ly thì tại Mỹ, châu Âu… đồng bào Việt kiều nhiều nơi vẫn còn sống trong giãn cách xã hội. Nhiều người bị nhiễm bệnh, thậm chí qua đời. Đồng bào liên tục gửi thư từ về đề nghị chúng tôi tiếp tục biểu diễn trực tiếp để mọi người có thêm niềm vui. Chúng tôi đã tổ chức được 10 đêm diễn, hoàn toàn miễn phí”.

10 đêm nhạc “Nhắn gửi yêu thương” gửi đến khán giả trong nước và Việt kiều trên toàn cầu cũng đồng thời ghi nhận hơn 2 tháng trời cộng đồng người Việt Nam phải trải qua đại dịch COVID-19 nghiệt ngã. Mỗi năm, cứ dịp Tết đến xuân về thì bà con Việt kiều về nước ăn Tết, nhưng năm nay, chuyện đó đã không xảy ra.

Hát cho đồng bào ở xa Tổ quốc ảnh 2 Các nghệ sĩ thực hiện chương trình “Nhắn gửi yêu thương” không cầm được nước mắt khi đọc thư của khán giả gửi về trong mùa dịch COVID-19 từ khắp nơi trên thế giới. Ảnh chụp từ màn hình

Nghệ sĩ Tôn Thất Mạnh Tuấn kể: “Chúng em nhận được thư của cháu ruột nhạc sĩ Văn Giảng (Nhạc sĩ Văn Giảng là tác giả các ca khúc nổi tiếng như Ai về sông Thương, Tình em biển rộng sông dài…) kể rằng lúc còn sống nhạc sĩ rất nhớ Việt Nam. Rồi anh đề nghị được nghe một ca khúc của nhạc sĩ Văn Giảng”.

Một Việt kiều ở Đức không bỏ sót chương trình “Nhắn gửi yêu thương” nào, và đêm nào anh cũng yêu cầu được nghe một bài nào nào đó, nhưng đều không được đáp ứng, do thư từ tin nhắn nhiều quá. Tới số thứ 9 anh mới được nghe bài hát mà mình yêu thích. 

Một khán giả từ Mỹ cũng viết những dòng tâm thư: “Tôi rất nhớ Việt Nam, từ những góc phố, con đường đến các món ăn  và mong đợi từng ngày cho đến khi COVID-19 chấm dứt để được về lại Việt Nam”.

Cống hiến

Tham gia biểu diễn trong chương trình có các ca sĩ trẻ hát chính là Tôn Thất Mạnh Tuấn, Nhã Phượng, Bích Hải, Trần Hằng và các khách mời tùy theo các số, là ca sĩ Triệu Long, Julie Thanh Nguyên - Lê Vy, Ánh Nguyệt, Khang Ngọc… Ban nhạc phòng trà Đồng Dao do Nhạc sĩ Thanh Hải phối khí dàn dựng.

Nhạc sĩ Thanh Hải nói: “Chúng tôi không thu một đồng nào của người nghe, chỉ xem đây là chương trình phục vụ chia sẻ với đồng bào Việt kiều trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19. Không thu gì, nhưng chi phí cũng tốn kém đấy. Tôi để ý thấy các cô ca sĩ  hát 10 chương trình rồi, mặc 10 áo dài mới khác nhau, đủ biết các bạn ấy cũng hao tiền tốn sức thế nào! Tôi thấy thật may mắn khi được làm việc chung với các bạn trẻ nhiệt huyết với âm nhạc và khán giả”. 

Có người so sánh “Nhắn gửi yêu thương” với chương trình nổi tiếng trên truyền hình “Thay lời muốn nói”, theo nghệ sĩ Tôn Thất Mạnh Tuấn, điểm khác biệt là chương trình “Nhắn gửi yêu thương” điểm thư và hát theo yêu cầu của khán giả Việt kiều. "Có những người hẹn sẽ về Việt Nam nghe hát, nhưng không ít người vì hoàn cảnh khác nhau nên chưa hẹn được ngày về”.

“Nhắn gửi yêu thương” hiện cũng chưa có bất kỳ tài trợ nào, mà đều là công sức của các nghệ sĩ, ban nhạc lao động nghệ thuật dành tặng khán giả trong tháng ngày cách ly xã hội trên toàn cầu” - ca sĩ Nhã Phượng cho biết.

Những người đứng sau “Nhắn gửi yêu thương” có thể còn kể tới anh quay phim với thù lao khiêm tốn, là kỹ sư âm thanh vừa lo dàn âm thanh sân khấu, vừa lo dàn âm thanh để phát trên mạng xã hội. Những nhân viên phục vụ trong quán vắng vẻ trong mùa dịch COVID-19.

Ca sĩ Mạnh Tuấn nhiều lúc cũng muốn “đứt hơi”: “Chúng em vừa tập vừa diễn, suốt gần 10 tiếng đồng hồ ở trên sân khấu, chỉ kịp thay quần áo thôi. Nhưng chúng em không mệt, đó là nhờ các tin nhắn của bà con trong nước và nước ngoài tiếp thêm sức mạnh”.

Mỗi tuần hai số “Nhắn gửi yêu thương” miễn phí. Nhạc sĩ Thanh Hải cứ hai ngày phải hoàn thành phối khí, tập luyện cho một chương trình “Nhắn gửi yêu thương” nói rằng chưa bao giờ anh làm việc với cường độ như thế này. Nhưng tất cả là để chia sẻ với thính giả. Thanh Hải nói: “Bản thân chúng em muốn đem lại những niềm vui, niềm lạc quan yêu đời đến cho bà con Việt kiều và khán giả trong nước trong thời gian dịch COVID-19. Chính sự yêu thương sẽ giúp con người đoàn kết vượt qua đại dịch thế kỷ”.

MỚI - NÓNG