Hành trình trốn chạy của Lê Văn Luyện

Hành trình trốn chạy của Lê Văn Luyện
TP - Sau khi gây án, được người anh họ giúp sức, Lê Văn Luyện đến trạm xá xã sơ cứu các vết thương, rồi đón ô tô khách đi Lạng Sơn. Trước khi lên xe, Luyện điện thoại cho chú rể Lê Văn Nghi (SN 1980, trú tại thôn Nà Tồng, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), hẹn ông Nghi ra đón.

Lê Văn Luyện khai phù hợp với hiện trường
> Sát thủ tiệm vàng: Đêm nào cũng mất ngủ

Lưới trời lồng lộng

Gần một tuần sau khi đã bắt được hung thủ, Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng công an huyện Văn Lãng vẫn không giấu nổi mệt mỏi trên gương mặt khi tiếp PV Tiền Phong. Ông cho biết, được cấp trên thông báo hung thủ có thể đang ở địa bàn và rất có thể đang tìm cách trốn sang Trung Quốc, cán bộ, chiến sĩ Công an Văn Lãng chia 2 tổ, ngày đêm bám địa bàn, thu thập các nguồn tin, bám sát mọi di biến động khác lạ.

“Trinh sát báo về, có một thanh niên lạ mặt đến quán bà Giang chợ Na Hình mua cơm”, Thượng tá Tuấn kể, “tôi trực tiếp chỉ huy một tổ ập tới, nhưng hắn đã đi mất. Cho chủ quán nhận dạng, chúng tôi khẳng định đó chính là Lê Văn Luyện, lập tức báo cáo cấp trên, tăng cường lực lượng, phối hợp với bộ đội biên phòng truy lùng”.

Đại tá Nông Văn Định, Phó giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nhận được tin của Công an Văn Lãng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh được huy động, cùng Công an Văn Lãng chia làm nhiều tổ, cắm chốt, phối hợp với Bộ đội Biên phòng, khép chặt vành đai biên giới.

Thượng tá Tuấn kể tiếp: “Ngày 29-8, bị bắt khẩn cấp về Công an huyện Văn Lãng, vợ chồng ông Lê Văn Nghi tỏ ra ăn năn, hối cải. Chúng tôi đề nghị ông Nghi thuyết phục Luyện về nước, lấy công chuộc tội”.

Người chú miền biên ải

Ông Nghi nói với PV Tiền Phong: Sau khi bắt được Luyện, ông Nghi được đưa về Bắc Giang phục vụ công tác điều tra. “Chúng tôi được công an tạo điều kiện lấy công chuộc tội, câu chuyện vừa qua là bài học quá thấm thía tôi”, trò chuyện với PV ông Nghi chưa hết day dứt, xin phép được hút thuốc lá liên tục.

Ông Nghi đang kể chuyện với PV
Ông Nghi đang kể chuyện với PV.

Ông Nghi kể, Luyện chưa bao giờ lên nhà ông chơi. Khoảng 14 giờ chiều ngày 24-8, Luyện điện thoại cho ông, bảo ông đi đón. “Tôi hỏi đi xe gì, nó bảo đi xe ô tô. Tôi hướng dẫn nó đường về nhà tôi, sai vợ thịt gà, làm cơm, tôi đi xe máy đón cháu. Tôi tự hỏi, sao nó lên chơi gấp gáp thế. Những lần tôi gặp nó tại nhà bố mẹ nó, thấy nó hiền lành, không rượu chè. Thực sự tôi không thể nghĩ nó làm cái chuyện động trời như vậy”.

Ông Nghi kể tiếp: Khi đến thị trấn Na Sầm, ông thấy Luyện đứng bên rệ đường, không mang theo hành lý. Luyện nhờ ông đi mua hộ bao thuốc lá, một ít thuốc tây. “Thấy tôi nhìn săm soi vào bàn tay, nó cười nhạt, bảo do xô xát với thằng bạn ở quê, chảy ít máu”.

Hung thủ những ngày lẩn trốn

Hôm đó ông Nghi và Luyện về đến nhà trời đã tối, không rõ mặt người. Luyện ăn ít, trệu trạo như bò nhai rơm. Bà cô Lê Thị Định xót cháu hỏi: “Mày sao mà người tái xanh thế, bị nghiện à?”. Luyện thanh minh: “Cháu có chơi bời gì đâu”. Cơm xong Luyện tìm đôi dép, đi rửa chân rồi chui vào màn. Từ hôm ấy, trừ lúc ăn cơm trưa, tối, thời gian còn lại, Luyện vào màn nằm.

Vài nét chân dung Lê Văn Luyện

Lê Văn Luyện sinh ngày 18-10-1993 (tính đến ngày gây vụ giết người cướp tiệm vàng 24-8-2011, Luyện thiếu gần hai tháng mới đủ 18 tuổi).

Luyện là con ông Lê Văn Miên (SN 1969), con bà Trương Thị Thơm (SN 1973), gia đình trú tại thôn Sơn Đình 2, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, Bắc Giang, làm nghề bán thịt lợn.

Luyện học hết trung học cơ sở, có thời gian làm phụ hồ, chưa có tiền án, tiền sự. Có nguồn tin Luyện nghiện chơi game.

Ông Hoàng Văn Trai (SN 1980, hàng xóm ông Nghi), thi thoảng sang nhà ông Nghi ăn cơm. Tối 27-8, Luyện uống tý rượu, rồi bảo: “Anh Trai đi Trung Quốc nhiều, chắc bên đó người ta có việc làm. Anh giới thiệu cho em đi làm với”. Ông Trai cho Luyện biết bên ấy người ta thuê chặt mía, làm cỏ sắn, ngày công 20 - 30 tệ. Luyện vui mừng bảo: “Ngày mai cho em sang bên đó nhé”.

Sáng hôm sau, ông Nghi, ông Trai dẫn Luyện đi qua Trà Lẩu (thị trấn Bằng Tường, Quảng Tây). Ông Nghi đưa Luyện 100 ngàn đồng, rồi quay lại Việt Nam.

Ông Trai và Luyện đi Sùng Trổ, cách biên giới Việt- Trung chừng 50 km. Hôm sau, trở về thôn Nà Tồng, ông Trai nhận điện thoại ông Nghi bảo tìm cách đưa Luyện về Việt Nam ngay, công an bảo nó phạm tội giết người.

Sáng 31-8, ông Nghi, ông Trai lại sang Trung Quốc. Đầu giờ chiều đón được Luyện, ba người vào quán cơm bình dân. Luyện ăn rất khỏe, bảo: “Cơm Tàu cái gì cũng cho ngọt, cay, nhưng hôm nay, cháu ăn thấy ngon miệng”. Ông Nghi nói với Luyện tìm được việc làm ở Việt Nam tiền công cao, lại gần nhà. Khi ba người đi đến gần cột mốc 1057, ông Nghi bấm điện thoại báo cho Biên phòng. Luyện bị bắt khi vừa ra khỏi địa phận Trung Quốc, lúc 16 giờ 5 phút.

Chưa khởi tố thêm bị can khác

Ngoài Lê Văn Luyện đã bị khởi tố về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”, chiều 4-9, trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Văn Dư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang khẳng định CQĐT Công an tỉnh Bắc Giang chưa khởi tố thêm bị can nào.

Theo Đại tá Dư, Công an Bắc Giang đang phối hợp cùng các cơ quan liên quan làm rõ hành vi để khởi tố thêm một số nghi phạm. Trước đó, CQĐT đã bắt khẩn cấp Lê Văn Miên, Trương Thị Thơm là bố, mẹ đẻ của Luyện, Trương Thanh Hồng (SN 1992, anh họ Luyện) về hành vi “che giấu tội phạm”, và Trương Văn Hợp (SN 1964 bố đẻ Hồng) về hành vi “Không tố giác tội phạm”. Hiện, các đối tượng này đang bị triệu tập để phục vụ điều tra.

Lê Văn Luyện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang. CQĐT đang thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, trong đó sẽ có việc cho Luyện thực nghiệm hiện trường để làm rõ ngoài Luyện có thêm đồng phạm nào khác trực tiếp giết người cướp tài sản không.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG