Khí công Himalaya là bộ môn tập luyện giúp lưu thông khí huyết, cân bằng âm dương, mạnh gân cơ xương khớp, đem đến cho người tập có một cơ thể khỏe mạnh và trí óc minh mẫn. Người đầu tiên phát triển bộ môn lợi ích này đến với cộng đồng chính là anh Trần Hoài Văn. Anh theo học ngành báo chí tại Đại học Kazan Nga, từng đảm nhiệm cương vị Phó Tổng biên tập báo Quê Việt thuộc Hội người Việt Nam tại BaLan, sau khi về nước anh làm Biên kịch tại Đài Truyền hình Việt Nam, đạt giải thưởng Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và hai Huy chương Liên hoan truyền hình toàn quốc với các bộ phim truyền hình nổi tiếng như: Một ngày đi bụi; Chuyên án chưa kết thúc; Lời sám hối muộn màng; Hai phía chân trời. Trong suốt thời gian đại dịch vừa qua, rất nhiều lớp dạy miễn phí, đào tạo trực tuyến được anh tổ chức, thu hút sự tham gia của các học viên trong nước và quốc tế như Nhật Bản, Úc, Mĩ, Đức, Ý, Pháp, Séc, Ba Lan, Thụy Điển,…
Khí công Himalaya đã được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam công nhận để trở thành thành viên vào năm 2016. Qua 10 năm thành lập CLB Khí công Himalaya không ngừng lớn mạnh, đến nay CLB đã trực tiếp đào tạo cho hơn 15 ngàn người tham gia luyện tập trong đó có hàng ngàn đối tượng yếu thế tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập CLB, Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam đã đánh giá rất cao những đóng góp của Khí công Himalaya cho cộng đồng và tặng nhiều bằng khen cho các thành viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của bộ môn. Đây là sự động viên khích lệ kịp thời để bộ môn này ngày càng phát triển giúp nâng cao sức khoẻ của cộng đồng.
Theo Chưởng môn Khí công Himalaya Trần Hoài Văn, cơ duyên đến với Khí Công Himalaya chính là nhờ “bệnh tật”, bản thân anh từng bị căn bệnh viêm đa khớp hành hạ khiến các khớp tay, khớp chân ngày càng sưng tấy, đau nhức và cử động rất khó khăn…
Dù đã chữa chạy bằng nhiều phương pháp nhưng bệnh tình không thuyên giảm, thậm chí ngày càng nặng. Anh đành bất lực và chấp nhận “sống chung với lũ”. Năm 2004, anh quyết định cùng gia đình từ Ba Lan trở về Việt Nam. Cơ duyên cho anh được gặp một vị thầy người Việt có nhiều năm tu tập tại Tây Tạng, Ấn Độ dạy cho môn Khí công Himalaya. Sau 3 tháng luyện tập chăm chỉ, bện tình của anh có sự chuyển biến rõ rệt. Các cơn đau có tần suất giảm và không còn đau dữ dội như trước.
Sau một năm, anh đã trở lại là một người khỏe mạnh bình thường như chưa từng mắc căn bệnh đau đớn dai dẳng này. Và cũng từ đây anh nhận thấy Khí công Himalaya quan trọng như thế nào đối với sức khỏe con người. Anh quyết định gắn bó với Khí công Himalaya, muốn đem điều ý nghĩa tốt đẹp đó cho mọi người. May mắn anh được thầy tin tưởng và chọn là người kế vị bộ môn Khí công này. Sự nghiệp giảng dạy Khí công của anh bắt đầu từ năm 2010. Từ những lớp nhỏ, sau dần là các lớp lớn, mở rộng về phạm vi và số lượng học viên.
Thành quả đạt được của anh Trần Hoài Văn và bộ môn Khí công Himalaya đã được minh chứng bằng sự chăm chỉ tập luyện và việc sống “Khỏe”, sống “Mạnh” của hơn 15 ngàn học viên trong hơn 10 năm qua, nhưng trong anh vẫn thường trực một tâm nguyện hết sức nhân văn: “Tôi mong muốn được đưa Khí công Himalaya vào trường học và bệnh viện. Nếu làm được điều này, người Việt sẽ ít ốm đau, bệnh tật, ngân sách nhà nước sẽ đỡ được rất nhiều tiền phải chi cho bệnh nhân. Và quan trọng nhất, các thế hệ người Việt trong tương lai sẽ khỏe mạnh về cả thân và tâm. Đây cũng là tâm nguyện của Thầy tôi nhắn nhủ, giao phó lại cho những đệ tử của Khí công Himalaya.”