Chính phủ Trung Quốc biện minh rằng, các thiết bị cảm biến âm thanh hiện đại – trong đó có một số thiết bị có tầm nghe tới hơn 1.000 km – đang được sử dụng để nghiên cứu khoa học như động đất, bão và cá voi. Tuy nhiên các chuyên gia an ninh “bóc mẽ” rằng, những thiết bị cảm biến này còn có thể theo dõi sự di chuyển của tàu ngầm ở Biển Đông và chặn các tín hiệu dưới nước giữa các tàu ngầm với căn cứ chỉ huy.
Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc mới đây tiết lộ rằng các thiết bị giám sát hiện đại này đã đi vào hoạt động từ năm 2016. Một trong số các thiết bị này được đặt tại thung lũng Challenger ở rãnh Mariana – nơi sâu nhất trên Trái đất, ở độ sâu 10.910 m so với mặt nước biển – và một thiết bị khác được đặt gần đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia. Thung lũng Challenger và đảo Yap lần lượt cách Guam khoảng 300km và 500 về phía Tây Nam.
Guam là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương đồng thời là trung tâm tiếp tế và bảo dưỡng cho các tàu ngầm của các lực lượng hải quân khác thuộc Mỹ hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương.
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên tiết lộ, các thiết bị dò âm thanh hiện đại được đặt dưới đáy biển trong khu vực có thể phát hiện được hoạt động liên lạc của các tàu ngầm. Ông cho hay, nội dung tin nhắn sẽ được mã hóa song các tín hiệu có thể cung những thông tin hữu ích về các tàu ngầm.
Theo ông James Lewis, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, khẳng định: “Trung Quốc đã trở thành một cường quốc và đang hành động đúng với vị thế của nước này”. Ông dẫn chứng, “tất cả các cường quốc đều đặt các mảng cảm biến ở đáy dại dương để phục vụ cho cuộc chiến chống tàu ngầm”.