Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu giờ ra sao?

Rạp Cầu Bông 7/2019, được cho thuê bán kem
Rạp Cầu Bông 7/2019, được cho thuê bán kem
TP - TP Hồ Chí Minh cũng là nơi khởi nguồn điện ảnh Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Sau 1975, giấc mơ xây dựng nền điện ảnh Cách mạng xứng tầm được đặt vào Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng sau nhiều năm bị quên lãng, hãng phim đứng trước tương lai mờ mịt. 

Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu là một hãng phim độc đáo, ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Năm 1975, chính quyền cách mạng tiếp thu nền điện ảnh lớn của chế độ cũ, bao gồm diễn viên, đạo diễn, xưởng phim, hạ tầng kỹ thuật và cả khán giả. Để sử dụng di sản này, thành phố thành lập Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, khai thác cơ sở vật chất của các hãng phim tư nhân trước 1975, trong đó có trụ sở làm việc tại đường Ngô Thời Nhiệm và rạp chiếu phim Cầu Bông.

Ông Nguyễn Quế Lâm, đạo diễn, Phó giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu kể: “Sau này tôi có gặp lại chủ cũ của hãng phim tư nhân mà Cách mạng tiếp quản. Bà từ nước ngoài về thăm, kể lại rằng: Ngày 30/4/1975, toàn bộ hãng không ai vượt biên, vì muốn ở lại tiếp tục làm điện ảnh.

Khi các hãng phim được quốc hữu hóa, bà ấy hỏi: “Chúng tôi còn tiếp tục làm phim không?”. Các vị quản lý trả lời theo tinh thần khi ấy: “Bây giờ điện ảnh do nhà nước làm, tư nhân không sản xuất phim nữa”. Bà ấy cùng nhiều nghệ sĩ khác mới đi nước ngoài”. Người chủ cũ của rạp Cầu Bông kể rằng, phim trước 1975 có in tráng ở Hồng Kông nên khi gia đình bà ra nước ngoài, vẫn còn bản gốc ở Hồng Kông để tiếp tục in phim chiếu ở hải ngoại. 

Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu được sáng lập với hai xưởng phim, một sản xuất phim truyện và một sản xuất phim tư liệu. Nội dung làm phim chủ yếu ca ngợi những thành quả của thành phố sau năm 1975. 

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội điện ảnh TPHCM tự hào: “Cho đến hôm nay, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu là hãng phim truyện và tài liệu duy nhất trên toàn quốc không trực thuộc bộ và Chính phủ mà thuộc sự quản lý của một thành phố”. 

Hoàng kim của hãng là những năm 1980. Lúc đó hãng phim được rót tiền làm phim truyện, phim tài liệu. Bộ máy có đạo diễn Lê Mộng Hoàng rất nổi tiếng từ trước giải phóng, ngoài Bắc bổ sung đạo diễn Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Ngọc Hiến… Ngay cả diễn viên nổi tiếng của Hà Nội là Thế Anh cũng đầu quân cho hãng phim này. Đạo diễn Lê Mộng Hoàng làm phim về Kim Đồng, từng tham gia Liên hoan phim Ấn Độ. Hãng làm rất nhiều phim tài liệu, do hãng tiếp nhận cơ sở vật chất từ Hãng phim Mỹ Vân và An Pha (trước 1975 đã làm phim truyện và cả phim tài liệu). 

Nghệ sĩ của hãng nhớ lại “Thời hoàng kim, lãnh đạo thành phố đi tới đâu cũng đem hãng phim Nguyễn Đình Chiểu đi theo quay tư liệu. Năm 2002 hãng chúng tôi vẫn còn 80 người (tương đương Hãng phim truyện Việt Nam) trong đó có 20 tác giả và rất nhiều đạo diễn, diễn viên”. 

Thoi thóp

Tháng 7/2019, phóng viên có mặt tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu. Không khí rất buồn tẻ. Hiện hãng chỉ còn 20 cán bộ, nhân viên và chỉ 10 người trong số họ làm chuyên môn về phim, với 4 người vừa đạo diễn vừa kiêm biên tập. Mọi người bảo tôi: “Hãng chỉ vỏn vẹn 2 quay phim, một người chê lương thấp đã bỏ nghề. Giờ còn một người, nếu ốm không biết ai quay?”. 

Trụ sở của hãng phim xuống cấp nứt nẻ. Tòa nhà từ năm 1975 đến nay hầu như vẫn không có gì thay đổi và 20 năm qua không một lần sửa chữa. Kho phim tài liệu quay các sự kiện quan trọng nhất của TPHCM để trong phòng khóa kín, nguy cơ hư hỏng hết do chưa số hóa được. 

Lý giải thực cảnh đáng buồn hiện nay, lãnh đạo hãng phim cho biết: “Hãng phim giờ không còn làm phim truyện mà chỉ sản xuất phim tài liệu, nhưng chúng tôi không thể cạnh tranh nổi với đài truyền hình và bản thân hãng không có kênh sóng của mình, không có hệ thống phát hành lẫn nơi công chiếu. Nguồn ngân sách đầu tư rất ít”. 

Công việc chính hiện nay của Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu là làm chương trình “Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh”. Chương trình thực hiện đến nay hơn 20 năm. Cách đây hai thập kỷ, kinh phí để làm mỗi năm là 1,8 tỷ đồng, nay là 2,5 tỷ đồng/năm - để làm ra 52 số/năm, mỗi số 30 phút, phát trên HTV9. Nếu không có nguồn ngân sách này thì hãng không còn việc làm. 

Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu kể: “Chúng tôi cũng muốn làm thêm các phim tài liệu để phát trên truyền hình, nhưng đem qua, đài truyền hình hỏi: “Có tiền không? Không có tiền không phát”. Thành phố phải có công văn gửi đài đề nghị phát sóng để phục vụ tuyên truyền đài mới phát. Vì vậy chúng tôi rất khó mở mang nội dung, kịch bản". 

Cho thuê rạp bán kem

Rạp Cầu Bông do Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu quản lý, là một trong số rất ít các rạp phim nhà nước hiện còn giữ được. Nhưng rạp vắng bóng phim ảnh mà cho thuê làm phòng trà hát với nhau và bán kem. Người dân khu vực Cầu Bông tiếc rẻ: “Rạp này trước 1975 chiếu rất nhiều phim hay, nay chỉ thấy bán kem”. 

Ông Nguyễn Quế Lâm thành thực: “Hãng phim tồn tại được một phần nhờ vào tiền… cho thuê rạp Cầu Bông. Thu nhập bình quân của người lao động 5,5 triệu đồng/tháng. Kinh phí làm phim thiếu thốn, máy móc cũ kỹ. Nếu không cho thuê rạp, chúng tôi tồn tại bằng cách nào? Chưa kể tiền thuế đất mỗi năm 800 triệu đồng, không cho thuê rạp lấy tiền đâu đóng thuế đất?”.

Phân trần việc buộc phải cho thuê rạp Cầu Bông bán kem, ông Nguyễn Quế Lâm tiết lộ: “Hiện hãng phim nợ nhiều hơn số vốn điều lệ. Vốn điều lệ 4,8 tỷ đồng nhưng hãng đang nợ hơn 5 tỷ đồng, do vay đầu tư máy móc, sửa phim trường, vay vốn làm phim, phim bán không được”. 

Các nghệ sĩ của Hãng phim lo lắng về tương lai. Họ cho rằng, có hai con đường để cứu hãng phim: Tiến hành cổ phần hóa, kêu gọi xã hội hóa, tăng nguồn lực để sản xuất phim. (Hãng đã làm thủ tục cổ phần hóa từ năm 2012, nhưng không hiểu sao đến nay chưa cổ phần hóa được). Hoặc nhà nước và thành phố triển khai chương trình phát triển ngành công nghiệp điện ảnh TPHCM, tăng cường đầu tư cho Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, giúp hãng phim thoát cảnh “số nợ lớn hơn số vốn điều lệ” như hiện thời. Nhưng cả hai phương án xem ra đều bế tắc.

Năm 2009 TPHCM chỉ đạo: Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn được giao cổ phần hóa Hãng phim thuộc diện Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần. Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn và Hãng phim có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước được giao, đảm bảo vốn nhà nước giữ cổ phần chi phối; phát huy năng lực của các thành phần kinh tế tham gia xây dựng Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu trở thành một trong những hãng phim có truyền thống cách mạng, uy tín, có những tác phẩm điện ảnh xứng tầm phát triển của thành phố. 

Tuy vậy, 10 năm qua vẫn chưa cổ phần hóa được Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu.

MỚI - NÓNG