Hàng nghìn vụ lấn chiếm lòng hồ ở Hà Nội: Xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay

0:00 / 0:00
0:00
Hồ Đồng Đò là một trong những hồ sinh thái bị lấn chiếm nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2021
Hồ Đồng Đò là một trong những hồ sinh thái bị lấn chiếm nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2021
TPO - Thống kê đến đầu tháng 6/2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội tồn tại 13.025 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Riêng năm 2021 đã phát sinh 158 vụ vi phạm công trình thủy lợi nhưng gần như xử lý không được là bao. Việc buông lỏng xử lý dẫn đến hoạt động san lấp kênh, hồ ngày càng phức tạp.

Thời gian qua, hàng loạt vi phạm lấn chiếm lòng hồ tại các hồ Đồng Đò, Đồng Quan, Ban Tiện (huyện Sóc Sơn) diễn ra công khai khiến người dân vô cùng bức xúc. Trong đó có những khu vực như hồ Đồng Quan bị quây rào, san lấp đổ đất cả ngàn mét vuông kéo dài nhiều tháng nhưng vẫn vô tư hoạt động. Theo người dân tại khu vực, xe Howo, xe tải chở đất đá ra vào thường xuyên gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Theo UBND xã Phù Linh, vi phạm báo Tiền Phong phản ánh là của ông Trần Ngọc Hà đã tự ý đổ đất, san lấp hồ Đồng Quan với diện tích hơn 1.800m2. Ông Hà còn tiến hành xây dựng tường đá trong khu vực phụ cận, rào tôn cao gần 2m bên ngoài. Bên cạnh đó, tại khu vực này còn có các hành vi lấn chiếm của các hộ dân khác như đào đất, xây kè đá lấn hồ... diễn ra thường xuyên.

Đáng chú ý, vi phạm này đã được PV báo Tiền Phong gửi hình ảnh, thông tin cho UBND xã Phù Linh, UBND huyện Sóc Sơn từ tháng 3/2021 nhưng việc xử lý rất chậm chạp.

Hàng nghìn vụ lấn chiếm lòng hồ ở Hà Nội: Xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay ảnh 1

Khu lấn chiếm hồ Đồng Quan rộng cả ngàn mét vuông

Ngoài hồ Đồng Quan, 2 hồ Đồng Đò và Ban Tiện cũng ghi nhận nhiều vi phạm phức tạp. Cụ thể tại hồ Đồng Đò, chỉ trong 4 tháng đầu năm phát sinh 27 vụ vi phạm, một số vi phạm có thể kể đến: Trường hợp của bà Lê Thị Lan Hương (Khu biệt phủ Hoàng Lê Gia Garden) đổ đất với diện tích lên đến 600m2, ông Trần Huy Hùng xây dựng tường bao với diện tích 40m2...

Lãnh đạo xã Minh Trí cho biết, các trường hợp vi phạm thường chọn thời điểm là ngày nghỉ để đổ đất, xây dựng. Khi xử lý nhiều trường hợp không ai nhận là chủ, chỉ tịch thu được phương tiện (cuốc, xẻng...), họ sẵn sàng vứt đi rồi tiếp tục làm trộm.

Mới đây, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản phản hồi về nội dung phản ánh lấp hồ trên báo Tiền Phong. Trong đó, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Phù Linh thiết lập hồ sơ vi phạm, xử lý dứt điểm, hoàn trả mặt bằng đối với các trường hợp đổ đất tại hồ Đồng Quan, hoàn thành trước ngày 12/6. Đối với vi phạm tại hồ Đồng Đò, UBND xã Minh Trí xây dựng kế hoạch cưỡng chế trước ngày 12/6, tổ chức cưỡng chế vi phạm trước ngày 25/6.

Đùn đẩy trách nhiệm xử lý?

Mặc dù đã có chỉ đạo rõ ràng từ cấp huyện thế nhưng có thể thấy việc xử lý gần như không được thực hiện.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội đến tháng 6/2021 cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội tồn tại 13.025 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Trong đó, riêng từ đầu năm 2021 đến nay, phát sinh 158 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm này các địa phương mới xử lý được 10 vụ phát sinh trong năm 2021 và 52 vụ trong tổng số 12.877 vụ xảy ra từ những năm trước 2021.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đang rà soát các quy định pháp luật vàcố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất để tham mưu cấp thẩm quyền ban hành quy định, phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức thủy lợi, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp trong quản lý, ngăn ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi.

Riêng trên địa bàn Sóc Sơn, từ đầu năm 2021 đến nay đã có 38 vi phạm công trình hồ chứa. Trong đó, khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) là nơi tập trung nhiều vi phạm nhất. Lý giải về việc này, nhiều chuyên gia thị trường cho rằng: Hiện nay phong trào xây homestay, khu nghỉ dưỡng cho thuê phát triển rầm rộ, dẫn đến các khu vực ven hồ thành mồi ngon để lấn chiếm.

Hàng nghìn vụ lấn chiếm lòng hồ ở Hà Nội: Xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay ảnh 2

Hồ Đồng Đò là hồ sinh thái đắc địa, cũng là nơi bị lấn chiếm lòng hồ nhiều nhất từ đầu năm

Về góc độ thủy lợi, theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải, những vi phạm này không chỉ làm thu hẹp dung tích cắt lũ rừng, cản trở dòng chảy tiêu thoát nước mà còn đe dọa an toàn công trình, làm gia tăng nguy cơ ngập lụt cho khu vực ngoại thành khi xảy ra mưa lớn.

Đại diện Xí nghiệp thủy lợi huyện Sóc Sơn cho biết, trách nhiệm xử lý các vi phạm liên quan đến hồ chứa thủy lợi thuộc về chính quyền địa phương sau khi xí nghiệp lập biên bản. Đối với những vi phạm chính quyền chậm xử lý, xí nghiệp có văn bản đôn đốc tuy nhiên việc xử lý vẫn chậm. Trong thực tế quá trình xử lý, các địa phương thường kêu khó do thiếu cơ sở để xây dựng phương án giải tỏa.

Đại diện Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết thêm, công tác phối hợp xử lý giữa UBND các xã và xí nghiệp thủy lợi còn nhiều hạn chế. Biên bản kiểm tra hiện trạng do Xí nghiệp lập đôi khi bị thiếu dữ liệu thông tin khiến việc ban hành các văn bản xử lý vi phạm hành chính của chính quyền các cấp gặp khó khăn… Ngoài ra, đối với các hồ chứa thủy lợi do UBND thành phố Hà Nội giao Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội quản lý, theo quy định phải cắm mốc chỉ giới. Nhưng hiện nay 8/8 hồ chứa trên địa bàn huyện Sóc Sơn chưa có mốc giới, thiếu hồ sơ quản lý.

Một lãnh đạo huyện cho rằng, do chậm phát hiện, vi phạm vượt thẩm quyền dẫn đến việc các xã "đẩy" lên huyện. Cấp huyện xử lý sẽ mất thời gian hơn do phải thực hiện nhiều thủ tục. Để chấm dứt tình trạng này thì Sở NN&PTNT cần đề xuất bổ sung quy định cho phù hợp.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.