Người dân thị trấn Mường Xén (huyện biên giới Kỳ Sơn) vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhớ lại trận lũ quét cách đây hai năm. Anh Nguyễn Văn Năm, nhớ như in, mấy hôm mưa to, các cháu học sinh vẫn qua cầu treo đến trường, đùng đùng nước lũ trên ngàn đổ về cuốn luôn cả chiếc cầu treo nối hai bờ Nậm Mộ. Rất may không có cháu học sinh nào bị nước cuốn.
Sau khi cuốn trôi cầu treo Mường Xén, dòng lũ cuốn trôi luôn một số cầu treo bắc qua sông Lam ở khu vực huyện miền núi Tương Dương và Con Cuông. Một mùa mưa lũ cuốn phăng hàng chục cây cầu treo ở các huyện miền núi Nghệ An. Vì thế, việc đi lại của bà con ở những nơi này rất khó khăn.
Một số bản làng phải làm lại cầu tạm, hoặc có nơi dân phải quay trở lại dùng đò ngang sang sông rất nguy hiểm. Hiện nay, rất nhiều cây cầu treo trên địa bàn này cũng đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Ẩn họa khôn lường
Cách thị trấn Tân Lạc không xa, cầu treo Châu Hội (xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu) đưa vào sử dụng từ năm 1998, nay đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa. Mặt cầu có nhiều chỗ mục nát, trụ cáp treo được bám vào ngọn núi nhưng khu vực này thường xuyên bị sạt lở, đất đá vùi lấp QL46. Đó là chưa kể dầm ngang, dầm dọc, lan can cầu bị rỉ, bong bật, hệ thống chống lắc bị hỏng, một số dầm dọc đầu mố không gác lên gối cầu nên bị cong vênh, biến dạng, đầu neo cáp không được vệ sinh, đọng nước làm hoen rỉ.
Tương tự, dọc tuyến QL7, đoạn qua huyện Con Cuông và Tương Dương, một số cầu treo bắc qua sông Lam đang xuống cấp nghiêm trọng. Ông Lô Văn Lâm một người dân xã Chi Khê (Con Cuông) cho biết, cầu treo Thanh Nam là một trong những cầu treo lớn nhất ở địa bàn Con Cuông nhưng cầu đang bị xuống cấp.
Muốn đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ, cầu treo này rất cần được nâng cấp, sửa chữa. Để đảm bảo cho người qua lại, ngành GTVT Nghệ An cho người túc trực 24 giờ hằng ngày ngăn những phương tiện có trọng tải lớn qua cầu, hoặc hướng dẫn bà con đi lại trong những ngày mưa bão.
Từ ngã ba Cửa Rào, ngược vào dòng Nậm Nơn, đoạn qua huyện Tương Dương chưa đầy 5 cây số đã có hai chiếc cầu treo cũng đang xuống cấp, đó là cầu treo Bản Lã và cầu treo Bản Côi (thuộc xã Lượng Minh). Chính quyền địa phương luôn thông báo nghiêm cấm xe có trọng tải hơn 2,5 tấn lưu thông qua cầu, nghiêm cấm tụ tập đông người trên cầu và nghiêm cấm bà con đi lại mỗi khi mưa bão...
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay hàng chục cầu treo trên địa bàn miền tây Nghệ An (nhất là các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông và Tương Dương) đã xuống cấp, hố neo bị chìm trong đất, có nhiều chỗ bị hoen rỉ nặng, cáp chủ đã cũ, khô mỡ nhưng không được bảo dưỡng, dầm dọc bằng gỗ bị mục nát nhiều, dầm ngang bằng thép bị rỉ nặng.
Năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An quyết định đầu tư 21,25 tỷ đồng cho 8 huyện để sửa chữa 28 cầu. Tuy nhiên, đến ngày 27/5/2014, UBND tỉnh Nghệ An mới có quyết định giải quyết kinh phí 8 tỷ đồng để cấp cho 6 huyện miền núi nâng cấp sửa chữa 8 cầu.
Kon Tum: 60% số cầu treo xuống cấp
Theo ông Ninh Văn Đề, Trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Kon Tum), toàn tỉnh có 246 cầu treo thì có đến 148 cầu xuống cấp, xiêu vẹo. Do kinh phí địa phương hạn hẹp nên việc sửa chữa, xây mới cầu gặp nhiều khó khăn.
Bộ GTVT mới đồng ý cho khảo sát xây mới 6 cầu ở 3 huyện Tu Mơ Rông, Đắk Tô và Kon Rẫy. Ông Đề nói: “Với mặt sông, suối rộng từ 40-100m, nếu làm một cầu treo phải đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, làm cầu bê tông vĩnh cửu phải bỏ ra 30 tỷ đồng”.
Chỉ trên những chặng đường thường qua lại, phóng viên đã thấy hàng chục cầu treo trụ sắt nghiêng ngả, dây thép rỉ sét, mối sàn bong tróc, mỗi khi có người và phương tiện đi qua, cầu lại rung lên bần bật, chao đảo như muốn bung ra.
Theo thống kê, 2 huyện có số lượng cầu hỏng nhiều nhất là Đắk Glei (46 cầu) và Kon Plong (35 cầu) trong đó hàng chục cầu đã “hết hạn sử dụng” từ lâu.
Lê Kiến