Đi qua bạt ngàn rừng thông từ trung tâm phố núi Pleiku khoảng nửa giờ sẽ tới suối đá của xã Gào. Thật may tôi gặp được ông Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Gào, một người năng động, nhiệt huyết. Ông chia sẻ, trước đây đã có 8 năm làm công tác Đoàn, đi nhiều nơi, tiếp xúc và giúp đỡ nhiều người nên cách nghĩ, tư duy bản thân cũng thay đổi. Trăn trở hiện nay của ông cũng như bao cán bộ, chiến sỹ xã Gào là nhanh chóng quy hoạch và tôn tạo nơi đây thành địa chỉ “đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng quê hương cho thế hệ trẻ.
Ông Thanh cũng như nhiều cán bộ xã Gào khác, rất tâm huyết trong việc bảo vệ, tôn tạo, đồng thời muốn giới thiệu đến nhiều người về quá khứ hào hùng của Di tích lịch sử Căn cứ địa cách mạng Khu 9.
Theo ông Thanh, thời gian đầu, khi Đảng bộ thành phố Pleiku ra đời năm 1954, xã Gào đã là vùng căn cứ cách mạng vững chắc với hang đá, cây đa cùng lòng trung thành tuyệt đối của nhân dân nơi đây. Đây là lá chắn thép che chở cho cán bộ, chiến sĩ vượt qua những năm tháng chiến tranh ác liệt giai đoạn từ 1965 đến 1969 khi địch thường xuyên càn quét bố ráp.
“Bạn” của cây đa là cựu chiến binh Ra Lan Biă (74 tuổi, xã Gào). Dường như cựu chiến binh này được sinh ra để gắn với suối đá, cây đa. Bởi theo lời ông, năm 18 tuổi khi là một thanh niên khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, ông được chọn làm người bảo vệ khu suối đá này với nhiệm vụ cảnh giới.
“Khi cơ sở phát triển rộng ở các làng đồng bào dân tộc xã Gào, các làng đều trở thành cơ sở Cách mạng. Biết có cán bộ ở lại nên hộ gia đình nào cũng tìm cách tiếp tế cơm, thức ăn hay gạo cho cán bộ ở ngoài rừng. Toàn làng có trách nhiệm bảo vệ cán bộ. Có lúc cán bộ ta nằm ở các bụi le sát bìa làng hay các bụi cây giữa đồi trống, nhưng tin tức động tĩnh trong làng đều được báo kịp thời để ta di chuyển”, ông Thanh nói.
Cửa vào hang đá |
Hai hang đá đặc biệt nằm trong khu vực suối Ia Púch rộng hơn 10ha, cả nghìn tảng đá khổng lồ trải dài hàng cây số xếp chồng lên nhau. Quả thực, nếu không có người dẫn đường thì như “mò kim đáy biển”. Mỗi hang đá đều có đặc điểm riêng được kiến tạo từ thiên nhiên. Hang đầu tiên có sức chứa 9 người, đường vào vỏn vẹn cho một người lách qua ba hai tảng đá nặng cả trăm tấn. Hang đá thứ hai sức chứa 12 người, không dễ để vào hang này, vì “cửa” là hồ nước sâu thông với lòng hang. Muốn vào được phải lặn qua hồ nước này. Hai hang đá cách nhau khoảng 700 mét.
Điều đặc biệt của khu căn cứ này chính là từ cây đa có chu vi hơn 8 người ôm nhìn ra sẽ bao quát hết toàn khu vực. Cây đa này là vị trí các chiến sỹ du kích thường xuyên cảnh giới giúp cán bộ Ban cán sự Khu 9 hội họp bí mật trong các hang đá.