> Mỹ - Hàn ký kế hoạch đối phó Triều Tiên
Đô đốc Choi Yoon-hee tại buổi tưởng niệm 46 binh sĩ thiệt mạng sau sự cố chìm tàu Cheonan trên vùng biển Hoàng Hải vào ngày 26/3/2010. Ảnh: Yonhap |
Yonhap ngày 25/3 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, cuộc diễn tập có sự tham gia của tàu hộ tống và tàu tuần tra tên lửa thuộc Hải quân Hàn Quốc, tuy nhiên, nguồn tin không cho biết chính xác quy mô cuộc tập trận.
Cùng thời điểm này, 10.000 quân Mỹ và 200.000 binh sĩ Hàn Quốc cùng binh sĩ một số nước khác tham gia tập trận mang tên “Đại bàng non”, diễn ra từ ngày 1/3, kéo dài tới 30/4, “nhằm tăng cường an ninh và sự sẵn sàng của Hàn Quốc...”.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cho rằng, cuộc tập trận chung này là hành động diễn tập xâm lược, nhằm vào nước này.
Tàu hộ tống Cheonan có trọng lượng rẽ nước 1.200 tấn và thủy thủ đoàn 104 người đã bị chìm gần biên giới biển với Triều Tiên vào đêm 26/3/2010. Ủy ban Hàn Quốc với sự tham gia của các chuyên viên từ Australia, Anh, Mỹ và Thụy Điển, đã đi đến kết luận Cheonan bị đánh chìm bởi đòn tấn công ngư lôi của tàu ngầm-mini Triều Tiên. Bình Nhưỡng kiên quyết phủ nhận bất kỳ sự dính líu trong vụ việc và gọi đó là mưu đồ khiêu khích của Seoul và Washington. |
Trong khi đó, ngày 24/3, Mỹ và Hàn Quốc ký kết kế hoạch hành động chung chống lại thứ mà họ gọi là "hành động khiêu khích của Triều Tiên".
Theo đó, Washington và Seoul có thể chủ động tấn công trước những khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Kế hoạch phối hợp đối phó khiêu khích được ký kết giữa Tổng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), tướng Jung Seung-jo và tướng James Thurman, tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc. Kế hoạch có hiệu lực ngay sau khi được ký.
“Bằng cách hoàn chỉnh kế hoạch, chúng tôi đã nâng được tính sẵn sàng phố hợp, cho phép chúng tôi phản ứng với khiêu khích của Triều Tiên ngay tức thời và quyết doán”, Bộ chỉ huy các lực lượng phối hợp (CFC) của hai nước cho hay.
“Kế hoạch bao gồm các bước tham vấn và hành động, cho phép một phản ứng mạnh mẽ và quyết đoán chung giữa Mỹ và Hàn Quốc trước các khiêu khích và đe dọa của Triều Tiên”.
Theo các thỏa thuận trước đó, trong những cuộc giao tranh nhỏ, người Mỹ không thể đến tiếp viện. Giờ đây Seoul có thể cầu cứu Washington nếu như Bình Nhưỡng tấn công những hòn đảo xa của Hàn Quốc.
Hiện tại ở Hàn Quốc bố trí thường trực 28.000 quân nhân Mỹ.
Trần Vũ
Theo Yonhap