Hai sáng kiến thần tốc đánh 'giặc COVID'

Chiến sĩ phòng hóa điều khiển “đại bác” KTH-20 phun hóa chất diệt COVID-19 tại một tòa nhà cao tầng trong Bệnh viện Bạch Mai, tháng 3/2020ẢNH: NGUYỄN MINH
Chiến sĩ phòng hóa điều khiển “đại bác” KTH-20 phun hóa chất diệt COVID-19 tại một tòa nhà cao tầng trong Bệnh viện Bạch Mai, tháng 3/2020ẢNH: NGUYỄN MINH
TP - Trong cuộc chiến với COVID-19 ở Việt Nam, đã xuất hiện nhiều sáng kiến hữu hiệu của các tập thể, cá nhân để góp phần ngăn chặn đại dịch bùng phát. Trong đó, có những sáng kiến thần tốc của những người lính phòng hóa ở Binh chủng Hóa học.    

Cuối tháng 3/2020, nhằm đập tan ổ dịch COVID-19 ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bộ Tư lệnh Hóa học được lệnh đưa quân vào “chiến trường” nguy hiểm này. Tối 28/3, gần 70 cán bộ, chiến sĩ của Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân miền Bắc, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) và Tiểu đoàn 905 cùng những trang thiết bị đặc chủng lạ mắt, lần đầu xuất hiện trên đường phố thủ đô để tiến về Bạch Mai “đánh trận” trong hơn một giờ đồng hồ.

 Một trong số các thiết bị đặc chủng đó là xe khử trùng cỡ lớn KTH-20 do Viện Hóa học môi trường Quân sự thiết kế, chế tạo và được ví von như một khẩu đại bác bởi hình dáng của thiết bị. Điều đáng nói là từ lúc hình thành ý tưởng đến khi “đại bác” KTH-20 xuất xưởng, thời gian chỉ vỏn vẹn hai tuần.

Chia sẻ về sự ra đời của “khẩu đại bác” này, chủ nhiệm đề tài - Thiếu tá, Tiến sĩ Doãn Giang (Phó trưởng Phòng Công nghệ xử lý môi trường, Viện Hóa học môi trường Quân sự) cho biết, khi dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội, trước yêu cầu cấp bách ngăn chặn đại dịch, Binh chủng Hóa học đã phát động phong trào sáng kiến, cải tiến với mục tiêu tăng hiệu quả khử khuẩn, diệt trùng.

Theo thiếu tá Giang, những thiết bị hiện có thì áp lực phun thấp, khoảng cách ngắn (2-3m), diện tích phun phủ chỉ tầm 500m2, dung tích hóa chất mang theo khoảng 2.500 lít và phun được trong vòng 25 phút. Để giải bài toán mà lãnh đạo Binh chủng ra đề, kíp nghiên cứu “vật lộn” với hàng loạt bản vẽ, chi tiết kỹ thuật trong thời điểm cả đơn vị đang cấm trại để phòng COVID-19 nên việc ra ngoài tìm vật liệu chuyên dụng là không thể. Ngoài phần khung xe bệ trên xe có sẵn, để phần lõi hệ thống KTH-20 hoạt động hiệu quả thì những kỹ sư vốn chỉ quen với bản vẽ như thiếu tá Giang và cộng sự phải trực tiếp xuống xưởng của đơn vị ngồi tỷ mẩn cắt, mài từng chi tiết cơ khí nhằm đảm bảo độ chính xác tuyệt đối vì thời gian cấp bách.

Sau hai tuần miệt mài, có nhiều hôm trắng đêm thảo luận, nghiên cứu cùng hơn 10 lần thử nghiệm, thiết bị chính thức “chào hàng” khi phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên Bộ Nội vụ và “tham chiến” tại Bệnh viện Bạch Mai ngay sau đó. Với thiết bị KTH-20, thời gian hoạt động liên tục đảm bảo 60-90 phút, diện tích phun phủ từ 800-1.000m2, mang được 4.000 lít hóa chất và đặc biệt là khoảng cách được nâng lên tới 20-35m nhờ nguyên lý quạt turbo tăng áp tạo hỗn hợp Sol khí đẩy hỗn hợp khử trùng đi xa.

Trong đội hình đoàn xe phòng hóa đặc chủng vào Bạch Mai dập dịch, có một thiết bị khác cũng lần đầu xuất trận là hệ thống giàn phun sương khử khuẩn trên xe ARS-14 do thiếu tá Trịnh Hải Nam (Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 905, Binh chủng Hóa học) và các đồng đội chế tạo trong thời gian chỉ có một ngày rưỡi.

Lý do để thiết bị này ra đời khá thú vị. Đó là khi Binh chủng Hóa học tổ chức tiêu tẩy dịch ở phố Trúc Bạch, lãnh đạo Binh chủng đã chỉ đạo bộ phận Tuyên huấn ghi hình tư liệu để gửi các đơn vị trực thuộc xem, học tập, rút kinh nghiệm. Từ băng ghi hình này, thiếu tá Nam phát hiện ra nhược điểm của dòng xe ARS-14 do Liên Xô chế tạo từ hàng chục năm trước. Công năng chính của ARS-14 cũng là tiêu độc, nhưng lại cần nhiều nước và hàm lượng dung dịch cao hơn. Tuy nhiên, với khử trùng COVID-19 thì không cần nhiều nước nhưng lại phải đảm bảo độ tơi xốp của dung dịch để tạo độ bao phủ trên diện rộng và khoảng cách xa.

Hai sáng kiến thần tốc đánh 'giặc COVID' ảnh 1 Thiếu tá Trịnh Hải Nam (bên trái) hướng dẫn chiến sĩ trong Tiểu đoàn về nguyên lý hoạt động của giàn phun khử trùng được chế tạo từ ý tưởng của anh - ẢNH: NGUYỄN MINH

Ngay lập tức, ý tưởng cải tiến hệ thống loe phun trang bị sẵn trên dòng xe này bật ra trong đầu thiếu tá Nam. Trao đổi chớp nhoáng với anh em đơn vị, thậm chí không kịp làm bản vẽ, anh cùng một số đồng đội có chuyên môn trực tiếp ra xe có sẵn của đơn vị nghiên cứu và đặt bộ phận kỹ thuật Tiểu đoàn triển khai tìm nguyên vật liệu chế thử.

Chỉ với số tiền 7 triệu đồng, sáng kiến của những người lính phòng hóa ở Tiểu đoàn 905 đã giải quyết được những nhược điểm trên dòng xe ARS-14. Với 3 giàn “Kachiusa” được lắp phía trước xe (12 vòi phun) và hai bên thân xe (mỗi bên 6 vòi phun), thiết bị này cho hiệu quả gấp 3-4 lần so với loe phun cũ. Một lần nạp dung dịch (2.500 lít), giàn phun diệt trùng đảm bảo làm sạch trên diện tích gần 11 nghìn m2 và quãng đường di chuyển hơn 1,5km. Thiết bị hữu dụng này đã được Binh chủng Hóa học và lực lượng phòng hóa toàn quân triển khai lắp đặt trên toàn bộ dòng xe ARS-14 có sẵn trong biên chế để chống dịch COVID-19 suốt thời gian qua.

“Dịch vẫn diễn biến phức tạp, nên bộ đội phòng hóa chúng tôi không thể lơ là, luôn sẵn sàng đi dập dịch theo lệnh trên, dù là đêm hay ngày. Nhà tôi ở Sơn Tây, cách đơn vị 10 cây số, hai con tôi mới 3 và 8 tuổi. Rất nhớ vợ con nhưng do COVID-19 nên tôi và đồng đội thường xuyên phải ở đơn vị trực chiến”.


Thiếu tá TRỊNH HẢI NAM 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.