Vừa trở về nhà sau chuyến công tác dài ngày, chị Nguyễn Thu Hương (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) thấy chị giúp việc hớn hở khoe: “Mấy hôm trước, cu Bin (2 tuổi) ho khù khụ. Chị phải chạy xuống hiệu thuốc dưới nhà mua liều thuốc giảm ho cho nó uống. Trộm vía, từ khi uống thuốc, cu cậu đỡ ho hẳn”.
Khá yên tâm với cách giải quyết của chị giúp việc, song chị Hương vẫn mở cửa vào phòng Cu Bin (đã ngủ) để kiểm tra tình hình. Bất chợt, chị bé có vẻ khó thở, đặc biệt, vùng ngực như bị lõm mỗi khi hít vào. Không yên tâm, chị vội đưa con vào bệnh viện kiểm tra, dù lúc đó trời đã khá muộn.
Tại đây, sau một hồi thăm khám, bác sĩ kết luận bé bị viêm phế quản cấp tính. Điều nguy hiểm là bé được cho dùng một loại thuốc giảm ho khiến đờm không được tống xuất ra ngoài, thậm chí còn có dấu hiệu đặc quánh, gây khó thở. Đến lúc này, cả chị Hương và người giúp việc mới toát mồ hôi hột bởi sự thiếu hiểu biết của người lớn suýt gây nguy hại cho sức khỏe của con.
Ảnh minh họa |
Lúc nào cần dùng thuốc trị ho?
Khi thấy trẻ có dấu hiệu húng hắng ho, nhiều người ngay lập tức nghĩ đến việc cho bé uống thuốc giảm ho để chấm dứt tình trạng khó chịu này. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, ho không phải là bệnh, nó là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau liên quan đến đường hô hấp. Do vậy, muốn khỏi ho thực sự, bạn phải giúp bé tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này. Chẳng hạn, nếu bị ho do cảm lạnh, điều cần thiết là giữ ấm cho cơ thể, nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Còn nếu bé bị ho do có đờm trong cổ, khi đờm tan, bé sẽ tự khắc khỏi ho…
Ở một khía cạnh khác, ho chính là phản xạ sinh lý có lợi cho cơ thể, giúp làm sạch đường thở, tống dịch tiết, dị vật ra ngoài… “Bình thường, trên vòm họng và bề mặt khí quản luôn có các chủng vi khuẩn và virus sống cộng sinh ở đó. Chúng tồn tại với số lượng ít và không gây tác hại gì cho sức khỏe. Khi gặp điều kiện thuận lợi, thường là do cổ họng bị lạnh đột ngột hoặc khi miễn dịch của cơ thể giảm thấp…các chủng vi khuẩn, virus sinh sôi nhanh và sản sinh ra các độc tố kích thích vào tế bào niêm mạc khí phế quản. Cơ thể phản ứng bằng phản xạ ho để tống xuất các tác nhân tấn công này ra ngoài. Khi đó, nếu ức chế ho sẽ gây ứ đọng các các chất hay tác nhân lạ ở đường hô hấp, dễ dẫn đến ứ khí phế nang, gây hại cho cơ thể bé”, PGS.TS. Phạm Quốc Bình - Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam chia sẻ.
Cũng chính bởi những lý do trên, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, thuốc ho chỉ nên sử dụng trường trường hợp ho gió, ho khan hoặc ho gây khó chịu quá mức dẫn đến nôn ọe, mất ăn, mất ngủ, gây suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, với những trẻ đang bị ho có đờm do viêm nhiễm đường hô hấp, hen suyễn… liều lượng thuốc cần sử dụng rất hạn chế và phải theo chỉ định của người có chuyên môn.
Tự kê toa thuốc - Rước họa vào thân
Thực tế cho thấy, việc dựa vào “bác sĩ Google” để chữa bệnh nói chung và chữa ho nói riêng đang là một tình trạng đáng báo động. Năm 2012, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát đi thông điệp cảnh báo về việc 60 bệnh nhân đã ra đi mãi mãi vì việc tự ý mua thuốc ho về điều trị. Ngay tại Việt Nam, cuối tháng 12/2014 vừa qua, bệnh viện Nhi đồng I cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi 14 tuổi suýt tử vong do dị ứng thuốc.
Nguyên nhân của những tình trạng trên được xác định là mẹ bệnh nhân này đã tự ý kê đơn, mua thuốc trị ho cho con mà không qua thăm khám của bác sĩ. Tất cả các tai nạn này đều cho chúng ta thấy rõ một sự thật: thuốc ho - loại thuốc được bày bán phổ biến tại các tiệm thuốc chưa bao giờ là an toàn. Chính bởi vậy, tự tay kê thuốc chữa bệnh cho con chính là cách rước thêm bệnh vào người.
Bên cạnh việc tự làm bác sĩ, nhiều người còn áp dụng đơn thuốc cũ để tự chữa bệnh. Điều này cũng gây nguy hiểm không kém, bởi lẽ, như chúng ta đã biết, ho chỉ là biểu hiện bên ngoài của các loại bệnh khác nhau về đường hô hấp. Cùng là ho có đờm, nhưng lần này bé nhà bạn là do viêm tiểu phế quản, lần khác lại là triệu chứng của viêm phổi… nên không thể áp dụng một phương pháp chữa trị. Thế nên, nếu không có kiến thức chuyên khoa, đừng để tình trạng của bé trở nên nặng hơn do “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”.
Những cách giúp bé dễ chịu hơn khi bị ho
- Cung cấp đủ nước: Cho bé uống nhiều nước, nước hoa quả, bú mẹ để giữ cho cơ thể không bị mất nước, phòng ngừa hiện tượng đờm dãi bị cô đặc, gây bít tắc đường hô hấp.
- Khuyến khích bé ho: Ho là phản xạ bảo vệ tự nhiên của cơ thể, giúp tống đờm dãi ra ngoài. Nếu bé muốn ho, hãy đặt bé ngồi trên lòng bạn, nghiêng người bé về phía trước khoảng 30 độ và vỗ rung nhẹ ở vùng lưng.
- Làm ẩm đường mũi: Dùng nước muối sinh lý nhỏ đều đặn vào hai bên lỗ mũi, khoảng 30 phút một lần. Nếu mũi bé có nhiều dịch tiết thì cần hút sạch bằng dụng cụ hút mũi dành cho trẻ em.
- Súc miệng bằng nước muối: Các bé từ 4 tuổi trở lên cần được khuyến khích súc miệng nước muối để giảm triệu chứng đau họng.
- Khuyến khích bé nghỉ ngơi: Nếu bé sốt hoặc ho nhiều, nên giữ bé ở nhà, hạn chế hoạt động.
- Mặc ấm cho bé và giữ nhiệt độ phòng ở mức mát mẻ, nhiệt độ cao quá sẽ không tốt vì làm khô đường hô hấp.
- Làm ẩm không khí: Dùng máy phun sương duy trì độ ẩm trong phòng ở mức 50-70%. Không khí mát và ẩm tạo điều kiện tối ưu cho đường thở.