Hạ tầng truyền tải 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư ‘về đích’ sau 4 tháng

các kỹ sư của EVN và Trungnam Group tại phòng điều hành Trạm biến áp 500 kV
các kỹ sư của EVN và Trungnam Group tại phòng điều hành Trạm biến áp 500 kV
Dự án Nhà máy điện mặt trời công suất 450 MW (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam) kết hợp với Trạm biến áp 500kV và 17 km đường dây 500kV, 220kV với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng do Trungnam Group đầu tư đã chính thức hòa lưới điện quốc gia vào tối 29/9 chỉ sau hơn 4 tháng thi công. Công trình phá vỡ nhiều kỷ lục

Chiều ngày 29/9, tại thôn Quán Thẻ (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), Trungnam Group thực hiện đóng điện Trạm biến áp và đường dây 220/500kV - Dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW.

Hạ tầng truyền tải 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư ‘về đích’ sau 4 tháng ảnh 1

Đội ngũ kỹ sư của EVN đang kiểm tra các thông số kỹ thuật trước khi đóng điện

Trạm biến áp có 2 máy biến áp 500 kV/900 MVA do SIEMENS – hãng thiết bị điện đứng đầu thế giới đến từ Đức – thiết kế và sản xuất. Hai máy biến áp công suất tổng 1800 MVA có đủ khả năng thực hiện cung ứng điện cho 2 tỉnh, thành phố. Máy biến áp công suất 900 MVA, là gam công suất lớn nhất hiện nay của hầu hết các nước trên thế giới. Đây là các thiết bị quan trọng nhất của dự án, đóng vai trò như “trái tim” của các dự án điện năng lượng tái tạo khi thực hiện nhiệm vụ tăng - giảm điện thế nhằm đảm bảo phù hợp nhu cầu tiêu thụ điện.

Tại thời điểm công trình hòa lưới điện quốc gia, Tổng giám đốc Trungnam Group Nguyễn Tâm Tiến đã xúc động cám ơn đội ngũ kỹ sư và công nhân đang mệt nhoài trên công trường.

Hạ tầng truyền tải 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư ‘về đích’ sau 4 tháng ảnh 2

Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng giám đốc Trungnam Group (trái) kiểm tra thi công đường dây qua núi

Ông nói: Hôm nay, chúng ta thật hạnh phúc. Công sức và trí lực của các bạn thật sự tuyệt vời. Tôi cũng đã trải qua nhiều cảm xúc trong đời khi hoàn thành các dự án lớn nhưng tối nay, thời khắc vừa rồi thật ý nghĩa và hạnh phúc vô cùng. Tất cả như vỡ òa… từ trạng thái mệt mỏi, thất thần bên cạnh giới hạn chịu đựng của con người trong những giây phút khó khăn đến cái nhìn rạng rỡ qua từng ánh mắt, cái ôm mà các bạn chúc tụng nhau thật là quá cảm động ...

Ông Tiến chia sẻ trong hơn 4 tháng ròng thi công để đưa công trình về đích, có nhiều kỹ sư, công nhân chưa một lần về thăm gia đình, người thân; tận tâm và tận lực cho sự hoàn thành của dự án. Chính đội ngũ kỹ sư và công nhân của Trungnam Group đã khiến cho tất cả những ai dõi theo quá trình thực hiện dự án đi từ hoài nghi, ngạc nhiên đến thán phục. “Nếu không có bàn tay, khối óc và lòng nhiệt huyết của các bạn, có lẽ Trungnam Group sẽ không bao giờ có được khoảnh khắc tuyệt vời như tối nay”, ông Tiến xúc động.

Hạ tầng truyền tải 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư ‘về đích’ sau 4 tháng ảnh 3

Trạm biến áp 500 kV  đã chính thức kết nối với lưới điện quốc gia

Hạ tầng truyền tải 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư ‘về đích’ sau 4 tháng ảnh 4

Làm việc quá sức, ông Vũ Đình Tân - Giám đốc Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam chảy máu mũi

Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết khi lên kế hoạch thực hiện dự án này, Trungnam Group đã đặt cược vào một thách thức vượt sức tưởng tượng. Lúc đó mọi thứ còn quá sớm để nói đến thành công. Hơn 1,4 triệu tấm pin, hơn 553 ha giải phóng mặt bằng trong 45 ngày, đào hơn 3 triệu m3 đá, lắp đặt trạm 500KV lớn nhất VN, 20 km dường dây 220/500KV băng qua núi cao và hơn 8.200 người miệt mài lao động suốt 3 ca trong 4,5 tháng để đưa nhà máy 450 MW điện mặt trời cùng trạm biến áp và đường dây 200 kV, 500 kV hòa lưới điện quốc gia, trong đó cả đêm 28/9 nhiều người phải dầm mưa để hoàn thiện các công việc cuối cùng.

Mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế – xã hội

Theo ông Vũ Đình Tân, Giám đốc Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam cho biết gian nan nhất là việc thi công đường dây 500 kV mạch kép đấu nối trạm biến áp (TBA) 500kV Thuận Nam vào TBA 500kV Vĩnh Tân nối từ xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đến xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Nhiều trụ điện của đường dây 500 kV được thi công trên núi cao, địa hình hiểm trở. Đi lại khó khăn, lại mất hàng giờ leo núi mới đến được địa điểm thi công nên nhiều kỹ sư, công nhân quyết định dựng lán trại và bám trụ trên núi đá. Ban ngày họ phơi mình dưới ánh nắng như thiêu đốt. Và, khi màn đêm buông xuống, nhiều người co ro trong cái rét thấu xương để công trường thi công đường dây 500 kV trên dãy núi ngăn cách hai tỉnh Bình Thuận – Ninh Thuận suốt mấy tháng ròng rã luôn sáng rực ánh điện.

Hạ tầng truyền tải 500 kV đầu tiên do tư nhân đầu tư ‘về đích’ sau 4 tháng ảnh 5

Trạm biến áp 500 kV nhìn từ trên cao

Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết sau khi dự án hoàn thành, Trungnam Group sẽ bàn giao hạ tầng truyền tải, bao gồm Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 220kV, 500kV cho Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (Tập đoàn điện lực Việt Nam) quản lý, vận hành với chi phí 0 đồng.

Dự án có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng được khởi công vào ngày 15/5 do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) triển khai với quy mô thực hiện, gồm Nhà máy điện mặt trời 450MW, kết hợp với trạm biến áp 220/500kV và hơn 17 km đường dây truyền tải 500kV, 220kV. Đây là dự án cấp thiết chiến lược phục vụ phát triển hệ thống truyền tải điện của tỉnh Ninh Thuận nói riêng, khu vực Duyên hải miền Trung nói chung và xa hơn là toàn bộ hạ tầng truyền tải điện Quốc gia. 

Dự án ngoài việc khai thác hơn 1 tỷ kWh – tương đương 1GWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo (năm đầu tiên: 1,2 tỷ kWh) sẽ góp phần quan trọng khi giải tỏa công suất lưới điện cho khu vực Ninh Thuận và Duyên hải Nam Trung Bộ; trong đó 2 trạm biến áp của dự án, với tổng công suất 1.800MVA, kết hợp với các đường dây giúp tăng khả năng kết nối, tăng độ tin cậy cho hệ thống lưới điện tại khu vực Nam Trung Bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, dự án sau khi hoàn thành không những giải tỏa 100% công suất các nhà máy điện tại Ninh Thuận mà còn có dư địa cho giai đoạn sau. Chính việc giải phóng công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất lớn cho tỉnh Ninh Thuận.

“Cuối năm nay, tỉnh Ninh Thuận sẽ hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Trung ương giao. Tăng trưởng GPD sẽ đạt 11,2%, trong đó nếu chỉ tính riêng dự án này, khi hoàn thành đi vào hoạt động thì GDP của tỉnh sẽ tăng trưởng 4,5%”, ông Lưu Xuân Vĩnh nhấn mạnh.

Theo ông Lưu Xuân Vĩnh, việc hoàn thành và đưa Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450 MW, trạm biến áp 220/ 500KV và đường dây 220kV, 500kV vào sử dụng còn góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 115 của Chính phủ, đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của Quốc gia.

MỚI - NÓNG