Trông dáng vẻ nghệ sĩ tóc dài, thần thái “cao bồi” miền hoang dã của chàng trai 28 tuổi không thể nghĩ đây là người sáng lập cùng một lúc Nông trại Hón Mũ, Thủ công Handmade Crafts và Cửa hàng tinh dầu. “Hà hâm”, “Hà điên” là biệt danh mà chính anh cũng công nhận có phần đúng với mình.
Trải nghiệm tồn tại trong rừng
Năm 2013, sau gần 4 năm phiêu bạt thành phố không kết quả, Xuân Hà trở về làm nông dân trên mảnh đất 10 ha (100.000 m²) của bố mẹ khai hoang thời trước tại Hón Mũ (xã Tân Thành, Thường Xuân, Thanh Hóa). Lúc đó 90% là đồi trọc, Hà bắt tay vào trồng cây keo tai tượng, tre, vầu nứa… hiện giờ 90% đã được phủ xanh. Tìm hiểu kiến thức về cây xanh và thổ nhưỡng, Hà có quan điểm khác hẳn với số đông người dân trồng rừng “cây keo sinh trưởng mạnh bị mang tiếng phá đất là bởi vì mọi người trồng ngắn hạn, tận thu mật độ dày. Rừng keo của tôi hạn chế chặt nên đất vẫn màu mỡ”.
Cưới vợ, sinh con, Hà mời mẹ ở cách đó 6 km về ở cùng. Nhà neo người, cách xa thị trấn, rừng là thế giới sinh động nhất mà các thành viên gia đình có thể giao cảm. Hai phụ nữ trong nhà lo trồng rau, chăn nuôi, Hà cùng một vài công nhân người quanh vùng vỡ đất trồng rừng. Mở Nông trại Hón Mũ, Hà muốn một số bạn bè facebook được cùng trải nghiệm sống xanh cùng thiên nhiên. Đây không phải là địa điểm du lịch nên chủ trại chọn lọc khách tham quan với 3 điều kiện: Là người đồng cảm với sống xanh kiểu Hón Mũ; Hạn chế mang tiền theo người; Không mang theo mỹ phẩm và thực phẩm vào rừng.
Chi phí tại Hón Mũ gần như bằng 0. Khách sẽ tự trồng rau, làm việc theo khả năng, tự chặt tre dựng nhà nếu định ở lâu dài. Hầu hết thực phẩm, đồ tiêu dùng đều được sản xuất tại chỗ. Gội đầu bằng bồ kết, tắm nước lá cây cỏ, kem đánh răng chế từ chanh muối với lá trầu không. Số tiền khách mang theo người thường để trước lúc về mua tinh dầu sả, đồ thủ công lưu niệm của nông trại về thành phố làm quà.
Trong quá trình tham quan, sống trải nghiệm chủ và khách có thể cùng tập thiền, tọa đàm về sức khỏe, cây cối, cách tiết kiệm sinh khối (khối lượng hữu cơ đất tạo ra). Có nhiều người từ thành phố, ban đầu vì là tò mò sau đó thích thú mô hình sống xanh “xã hội mộng tưởng”, luyện kỹ năng tồn tại đã đến làm nhà và ở lại, người ở lâu nhất tới 2 năm rưỡi. Có 7 ngôi nhà tranh nhỏ thì 4 ngôi là do khách tự dựng. Trong các vị khách lưu trú lâu, Hà nhớ nhất hai trường hợp. Đôi bạn trẻ từ Hà Nội đến sống gần một năm, trong thời gian đó họ thỉnh thoảng đi phượt rồi quay về Hón Mũ. Lý do họ rời khỏi rừng “mộng tưởng” là vì tình cảm hai bạn rạn nứt, chia tay. Một người đàn ông tuổi 56, độc thân quê Hải Phòng đã ở lại 10 tháng. Hà nhớ lại “chú là một trong số ít khách có cảm xúc tốt với thiên nhiên, đồng cảm với tôi, chúng tôi nói chuyện rất hợp”. Người đàn ông này từng ở cạnh mẹ gần 60 năm, mọi việc đều do mẹ làm hộ, khi vào rừng, ông đã học từ đầu từ cách nấu cơm đến chặt củi, dựng nhà cùng chủ trại.
Xưởng thủ công và ống hút tre
Xung quanh Hón Mũ (Tân Thành, Thường Xuân, Thanh Hóa) có nhiều bản làng của đồng bào Thái, Mường vì vậy Xuân Hà học hỏi được nhiều kinh nghiệm trồng tre nứa và đan lát đồ thủ công mỹ nghệ. Để tiêu thụ lượng tre nứa quá tuổi, ban đầu Hà thử làm thìa muôi; Sau thấy kích cỡ cây to bằng ngón tay vừa vặn cho ống hút, vỏ bút bi Hà mở xưởng tuyển công nhân làm qui mô. Xưởng tập trung sản xuất khoảng 10 mặt hàng như bàn ghế mây, xích đu, chõng, thìa, vỏ dao… và số lượng lớn nhất là ống hút tre. Mỗi ống hút tre trải qua 10 công đoạn, cầu kỳ nhất là đánh bóng tận 2 lần cho nhẵn đều hai đầu hút. Sản phẩm được đem vào nồi hơi hấp khử trùng, sấy khô, phân loại (giá thành từ 1.000-5.000 đ/ống) rồi đóng gói. Thời kỳ đầu, khách thường xuyên phàn nàn sau vài lần dùng sản phẩm bị mốc. Lại một lần nữa kinh nghiệm của đồng bào đã giải cứu chủ xưởng trẻ “khi xếp ống vào nồi luộc, hòa thêm ít muối sẽ có tác dụng chống mốc, tránh cả mối mọt”. Sản phẩm thủ công Hón Mũ nhiều lần tham dự Hội chợ của tỉnh, huyện và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng.
Hiện tại mỗi tháng xưởng sản xuất 50.000-100.000 ống, doanh thu khoảng 50 triệu. Sản phẩm chủ yếu chỉ bán qua facebook, một số lượng đáng kể được xuất ra nước ngoài thông qua đại lý thu mua. Xưởng có 15 công nhân, lương mỗi giờ 20.000 đ, trừ tiền nguyên nhiên liệu (tre nứa phải nhập từ quanh vùng mới đủ) lãi không còn nhiều, Hà chia sẻ.
Cuối mùa hè vừa rồi Xuân Hà bỗng có quyết định bất ngờ: chuyển toàn bộ xưởng thủ công cho vợ chồng anh trai phụ trách, tạm dừng đón khách thập phương đến nông trại. Gia đình Hà mới có thêm con thứ hai, anh muốn tập trung tâm trí để chăm sóc các con “sở thích lớn nhất của tôi giờ chỉ là trồng cây và chơi với hai bé”.
“Tôi hâm thật thật mà!”
Hà từng muốn chia sẻ “nông trại khám phá bản thân” cho bạn bè từ muôn nơi nhưng số lượng khách tăng lên đồng nghĩa môi trường cũng hỏng đi. Nhiều người đến chơi trong ngày tìm lùng mua rau sạch, gà, lợn sạch để nhậu và mang về. Hà lại không thích điều này: “Việc thúc tăng sản lượng thực phẩm vô hình trung cũng làm giảm sinh khối - hữu cơ trong đất”. Chỉ khi nào cần tiền lắm anh mới chặt cây bán, anh muốn để chúng phát triển tự nhiên đúng qui trình 10-20 năm. Chủ nông trại ám ảnh với cụm từ “tiết kiệm sinh khối”, cụm từ mà người du lịch thời nay cho là “lẩm cẩm” “gàn dở”.
Mặc kệ số đông không chịu hiểu, Hà vẫn kiên nhẫn với suy nghĩ của mình khi viết status:
“Đời thật đẹp
Khi tôi nói hãy tiết kiệm sinh khối.
Khi tôi nói hãy tiết chế nhu cầu.
Khi tôi nói hãy hiểu về thứ gần gũi nhất.
Khi tôi nói tôi yêu bạn...
Khi tôi ngớ ngẩn, hâm dở, điên rồ...
Tôi biết... bạn vẫn lắng nghe tôi. Dù bạn không nói gì”.
Cùng gia đình tạm chia tay hoạt động cộng đồng nhưng không có nghĩa Hà sẽ ở ẩn. Những ngày giáp Tết này, chủ trại Hón Mũ đang thi công dựng nhà tre cho một Câu lạc bộ Ăn chay ở Sóc Sơn. “Tiền công khá rẻ nhưng tôi vẫn nhận lời vì khách hàng là những người “tiết kiệm sinh khối”, Hà cười khi hé lộ lý do.
Hà muốn gia đình nhỏ được sống chậm, tiêu ít tiền “ở thành phố nuôi 2 trẻ ít nhất tốn 10 triệu, ở rừng 1,5 triệu nuôi được 10 đứa”. Anh chàng “ống hút” hy vọng, một ngày không xa, khi các con cứng cáp hơn, nông trại sẽ lại mở cửa nhưng vẫn sẽ hạn chế khách ít nhất có thể.
Gặp được người vui lòng cùng sống trong rừng
“Năm tôi 10 tuổi, sau cú sốc bố tôi bị mất tích (biệt tăm cho đến tận bây giờ) mọi việc tôi học, hay làm đều bị dở dang”. Hà từng là học sinh giỏi trường cấp 3 Thường Xuân, đỗ khoa kế toán ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) nhưng sau 2 năm thì bỏ, thi vào ĐH Bách khoa (Hà Nội) học được 2 năm lại bỏ. Hà từng thử nhiều công việc quá khác nhau như bán bánh xèo, phu hồ, làm thuê cho một tạp chí của người Việt ở Nga... Không bằng cấp, công lao động rẻ mạt nên nhuận bút tổng hợp tin cho tờ tạp chí là tháng có thu nhập cao nhất trong thời lang thang: “Làm từ 6h-11h đêm tôi nhận được 200 nghìn, bằng cả ngày đi phụ nề trộn vữa ở Thái Bình”. Những lúc thất nghiệp Hà đăng ký triền miên tham dự các hội thảo, chủ yếu là tập huấn bán hàng đa cấp để kiếm bữa cà phê miễn phí. “Nhưng chính những mớ thông tin lộn xộn mà tôi thu được từ các hội thảo sau này cũng hữu ích”.
Trở về Hón Mũ được 3 năm, trong một lần ngồi chơi quầy tạp hóa của mẹ, thấy cô khách xinh gái đến mua hàng, Hà nhờ mẹ xin điện thoại làm quen. Sau 2 tháng hai người nên vợ chồng. Hà cảm thấy may mắn khi gặp được người vui lòng sống cùng anh trong chốn rừng xanh. Nhiều lần rơi vào trầm cảm, mất phương hướng, con người Hà trước kia cực đoan, nhìn đời tiêu cực giờ đây anh nhìn cuộc sống đa chiều hơn, mềm mại hơn. “Đất mẹ Hón Mũ chính là bến đỗ, là nơi tôi được tiếp năng lượng, kết nối với thiên nhiên và tự do”.