* Lại “cắt ngọn” hàng loạt công trình
Công trình 34 Đại Cồ Việt sẽ bị "cắt ngọn". |
Quận “điểm” thành điểm nóng
Năm 2007, trong cao điểm xử lý các công trình cao tầng xây dựng sai phép, xây vượt tầng ở nội đô, quận Hai Bà Trưng là quận điểm khi tiên phong cắt ngọn toà nhà cấp phép 7 tầng xây thành 12 tầng tại phố Bạch Mai để làm gương, lập lại trật tự kỷ cương. Thế nhưng, giờ đây quận này lại trở thành điểm nóng, khi trên địa bàn có hàng loạt công trình cao tầng buộc phải cắt ngọn.
Theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội, đối với những công trình vi phạm được phát hiện, thống kê thời gian qua, lãnh đạo các quận, huyện phải xử lý dứt điểm trong quý 3, cùng với đó là xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm. |
Theo kết quả kiểm tra, chỉ riêng hai phường Lê Đại Hành và phường Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng) có hơn 10 công trình vi phạm. Trong 7 công trình vi phạm tại phường Bùi Thị Xuân, có tới 6 công trình mặt phố quy mô lớn được đánh giá là vi phạm ở mức độ nghiêm trọng.
Cụ thể, ngoài công trình số 113 Triệu Việt Vương vi phạm không lớn, được đoàn kiểm tra đề nghị không xử lý tháo dỡ phần xây dựng sai phép, các công trình vi phạm còn lại như tại 22 Triệu Việt Vương; 19 Triệu Việt Vương; 107A Bùi Thị Xuân, 135-137 Bùi Thị Xuân; 67 Mai Hắc Đế; 86 Mai Hắc Đế... phải cắt ngọn.
Các công trình này đều vi phạm về chiều cao và mật độ xây dựng với quy mô lớn như: Công trình 19 Triệu Việt Vương cấp phép 9 tầng xây vượt lên 12 tầng (diện tích sai phép 1.055 m2); Tòa nhà 135 Bùi Thị Xuân cấp phép 10 tầng xây lên 14 tầng (diện tích sai phép gần 2.000 m2).
Còn nếu chiếu theo quyết định số 04 về phân cấp thẩm quyền cấp phép xây dựng, thì trên địa bàn hai phường này còn hàng loạt công trình khác đã xây vượt tầng nhưng hiện đã đưa vào sử dụng.
Điều đáng nói, những công trình “chọc trời” xây sai phép kể trên dù nằm ngay mặt phố lớn trung tâm, nhưng những vi phạm của các chủ đầu tư đã không được chính quyền sở tại kiên quyết xử lý ngay từ đầu.
Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, có sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố thì UBND các quận mới tiến hành lập đoàn kiểm tra, xử lý.
Đơn cử, tại quận Hoàn Kiếm, người dân bức xúc trước việc công trình khủng được xây dựng sai phép, vượt tầng tại số 55A-55B phố Bà Triệu (phường Hàng Bài).
Theo giấy phép cấp, công trình này được phép xây dựng 9 tầng và tum thang. Nhưng thực tế, công trình này đã được xây lên tới 13 tầng trong một thời dài.
Bùng phát nhà sai phép do cán bộ tiếp tay?
Nhiều người dân ở các phường có công trình vi phạm trên cho rằng, lỗi không chỉ do chủ đầu tư mà còn do cán bộ chính quyền, đội ngũ thanh tra.
Nếu chính quyền, cán bộ làm hết trách nhiệm, hết thẩm quyền của mình ngay từ khi phát hiện vi phạm thì những công trình sai phép trên không thể tồn tại và các chủ công trình sẽ không dám ngang nhiên vi phạm.
“Không chỉ do buông lỏng quản lý mà còn do có tiêu cực, có tình trạng bao che, dung túng cho những công trình vi phạm. Vì thế, việc cắt ngọn các công trình và xử lý cán bộ sai phạm sắp tới TP phải làm quyết liệt, tránh phạt cho tồn tại”, ông Hoàng Trọng Hiệp (phường Bùi Thị Xuân) nói.
Công trình 55A Bà Triệu bị "cắt ngọn" 3 tầng. |
Thay vì xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng lại chụm vào hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư, buông lỏng và tiếp tay cho sai phạm, làm theo chủ đầu tư. Còn chủ đầu tư thì tìm mọi cách hợp thức hóa sai phạm . |
Trước đó, tại Hội nghị giao ban quản lý trật tự xây dựng đô thị, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, chỉ ra lý do khiến Hà Nội bùng phát nạn xây nhà sai phép.
Theo ông Dực, thay vì xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng lại chụm vào hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư, buông lỏng và tiếp tay cho sai phạm, làm theo chủ đầu tư. Còn chủ đầu tư thì tìm mọi cách hợp thức hóa sai phạm.
Theo lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, khâu cấp giấy phép cho công trình vi phạm 55A-55B phố Bà Triệu của Sở Xây dựng đã có nhiều sai phạm. Chính Sở Xây dựng cũng làm trái các quyết định của UBND TP để cấp giấy phép xây dựng có lợi cho chủ đầu tư.
Trao đổi với PV, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho biết: “Sau khi xảy ra các trường hợp vi phạm trên, Sở đã phối hợp với các quận kiểm tra, rà soát các công trình và xử lý sai phạm dứt điểm trong quý 3 năm nay. Đồng thời, tiến hành kiểm điểm và xử lý nghiêm túc cán bộ liên quan. Hiện đã hoàn tất danh sách các cán bộ của Sở bị kiểm điểm, xử lý gửi cho cấp trên.
Theo ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch quận Hai Bà Trưng, các chủ đầu tư 6 công trình ở phường Bùi Thị Xuân đã có đơn cam kết tự phá dỡ phần sai phạm trước ngày 25-8; còn chủ đầu tư công trình 34 Đại Cồ Việt, phường Lê Đại Hành cam kết tự phá dỡ ngày 28-7.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV các công trình đều trong tình trạng nằm chờ nghe ngóng, riêng công trình cao ốc sai phép số 34 Đại Cồ Việt đang được cho thuê làm Bệnh viện tư nhân Ung bướu Hưng Việt vẫn hoạt động bình thường, không có dấu hiệu tự tháo dỡ phần vi phạm.
Trước đó, lãnh đạo phường này có văn bản gửi UBND quận với nội dung: “Đề xuất UBND quận Hai Bà Trưng xử lý công trình vi phạm 34 Đại Cồ Việt bằng hình thức xử phạt hành chính, đồng thời cho chủ đầu tư và bệnh viện lùi lại thời gian tháo dỡ hạng mục vi phạm”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, đã yêu cầu các phường tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm trong tháng 8 này.
“Mọi việc phải được thực hiện theo đúng quan điểm như UBND quận đã báo cáo UBND TP, đó là yêu cầu khôi phục theo đúng giấy phép, tức xây vượt tầng thì phải cắt bỏ. Đồng thời, đang hoàn tất việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cán bộ có liên quan”, ông Hiếu nói.