Gruzia rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập

Gruzia rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập
TP - Ba ngày sau cuộc chiến tranh chớp nhoáng, các nhà lãnh đạo phương Tây và Nga hối hả tìm cách giải quyết hậu quả cuộc chiến qua đường ngoại giao. Tuy nhiên, cách tiếp cận vấn đề, động cơ và lập trường của các bên còn quá xa nhau.

Hãng tin Mỹ AP cho biết, ngày 15/8 binh lính Nga vẫn còn chiếm giữ cửa ngõ thành phố Gori của Gruzia gần biên giới với Nam Ossetia. Quân Nga cùng các xe quân sự vẫn phong tỏa con đường bộ phía đông dẫn vào thành phố Gori nhưng vẫn cho phép các xe chở hàng viện trợ nhân đạo và bánh mỳ vào cung cấp cho thành phố.

Hãng AP dẫn lời các quan chức Gruzia nói rằng xe tăng Nga đang trên đường tiến đến thành phố Kutaisi lớn thứ hai của Gruzia. Phía Nga bác bỏ các thông tin này, nói rằng mọi hoạt động quân sự ở Nam Ossetia và Abkhazia đã chấm dứt.

Hãng tin Ria-Novosti của Nga nói rằng các nhà ngoại giao và các nhà báo có thể đến tham quan thành phố Gori của Gruzia để được chứng kiến thành phố này vẫn còn nguyên vẹn.

Hãng tin Nga InterFax cho biết Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga  Đại tướng Nogovitsyn tại một cuộc họp báo ở Matxcơva đã bác bỏ điều mà các quan chức Gruzia nói rằng quân đội Nga đã đánh phá thành phố cảng Poti của Gruzia.

Ông khẳng định trên thực tế Nga đã ngừng mọi hoạt động quân sự hai ngày trước đó, hiện nay các máy bay Nga chỉ thực hiện những chuyến bay trinh sát trong khu vực.

Ông cũng bác bỏ tin nói rằng Nga đưa xe tăng vào thành phố Gori của Gruzia, sự thật là có xe bọc thép Nga đến thành phố này để canh giữ kho vũ khí mà quân đội Gruzia bỏ lại.

Mục đích là để các vũ khí này khỏi rơi vào những bàn tay thù địch. Ông cho biết, khi làm việc này, quân đội Nga đã liên hệ với chính quyền địa phương thành phố Gori của Gruzia.

Mỹ chuyên chở vũ khí vào Gruzia?

Hãng tin Nga Ria-Novosti dẫn lời Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Đại tướng Anatoly Nogovitsyn nói rằng phía Nga rất lo ngại việc Mỹ vừa cho 2 máy bay vận tải quân sự C-17 chở hàng đến Gruzia. Phía Mỹ khẳng định hai chiếc máy bay này chỉ chở hàng viện trợ nhân đạo cho dân chúng Gruzia ở vùng xung đột.

Gruzia rút khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập ảnh 1
Xe tăng Gruzia bị phá cháy trước tòa nhà lính giữ gìn hòa bình Nga bị quân đội Gruzia đốt cháy. Ảnh: AP

Tuy nhiên Tướng Nogovitsyn đặt nhiều nghi vấn, nói rằng liệu có thực là toàn bộ số hàng do hai máy bay này vận chuyển đều là hàng nhân đạo hay không? Ông nói: “Điều gì đang diễn ra giữa Mỹ và Gruzia? Người Nga chúng tôi cực kỳ lo ngại về điều đó”.

Ria-Novosti cho biết các nhà lãnh đạo Nga từng bày tỏ lo ngại về việc Mỹ có thể lợi dụng việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo để cung cấp vũ khí cho Gruzia. Đặc biệt sự lo ngại của Matxcơva càng tăng sau khi Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố rằng Mỹ sẽ sử dụng cả máy bay và tàu hải quân để phân phối hàng cứu trợ đồng thời đòi Nga phải rút quân khỏi Gruzia.

Tướng Nogovitsyn tại cuộc họp báo ở Matxcơva nói mỉa mai rằng máy bay vận tải quân sự Mỹ đã hạ cánh xuống đường băng sân bay Tbilisi thế mà hai ngày trước đó người ta loan tin rằng sân bay này đã bị không quân Nga phá hủy.

Về sự kiện này, hãng AP dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ nói rằng hai máy bay này chỉ chuyên chở chăn màn, thuốc men, dụng cụ phẫu thuật.

Ngoại giao con thoi

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice hôm 15/8 thực hiện các chuyến thăm Pháp và Gruzia để giúp tìm giải pháp cho cuộc chiến tranh Nam Ossetia. Sau khi đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy-người trao cho bà Rice bản hiệp định ngừng bắn giữa Nga và Gruzia, bà Rice sang thuyết phục Tổng thống Gruzia Saakashvili mà không hề có kế hoạch sang Matxcơva.

Hãng tin Anh BBC cho biết ngày 15/8 Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đến Tbilisi chuyển tới Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili một bản dự thảo hiệp định ngừng bắn và dặn rằng ông Saakashvili cần đọc kỹ trước khi ký vào bản dự thảo này.

Ngoại trưởng Rice cho biết cả Pháp và Mỹ đều ủng hộ mạnh mẽ sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia và chỉ trích việc Nga đã không tôn trọng ngừng bắn. Ngoại trưởng Rice nói: “Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia. Nước này phải có thể trở lại cuộc sống bình thường”.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới thành phố du lịch Sochi  bên bờ Biển Đen gần Gruzia để gặp Tổng thống Nga Dmitry Mevedev. Đây là một  trong các nỗ lực của các nhà lãnh đạo Mỹ và phương Tây nhằm thuyết phục Nga ký kết bản dự thảo ngừng bắn do EU soạn thảo.

Bà Angela Merkel được chờ đợi sẽ thúc giục các nhà lãnh đạo Nga giảm bớt chính sách đối đầu. Quan hệ Nga – Gruzia càng căng thẳng thêm khi Quốc hội Gruzia đã quyết định rút nước này khỏi Cộng đồng các quốc gia độc lập.

Trong khi đó, BBC dẫn lời quan chức quân sự cao cấp Nga nói rằng không hề có giao tranh trong ngày trong lúc phía Nga đang rút quân. Hãng Ria-Novosti cho biết, trong lúc các nhà lãnh đạo phương Tây và Mỹ thực hiện các chuyến ngoại giao con thoi, lãnh tụ vùng Nam Ossetia và Abkhazia đã đến Matxcơva gặp Tổng thống Nga Medvedev.

Tổng thống Abkhazia tự xưng Sergei Bagapsh đề nghị Nga giúp để nền độc lập của hai vùng lãnh thổ này được luật pháp quốc tế công nhận. Ria-Novosti còn cho biết tại Matxcơva các tổ chức thanh niên thân Kremlin ngày 15/8 đã tổ chức cuộc mít tinh của hơn 6.000 thanh niên bày tỏ ủng hộ thanh niên ở Nam Ossetia và Abkhazia.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.