Golf không chuyên Việt Nam, tiềm năng vào rào cản

Golf đang ngày càng thu hút người chơi ở Việt Nam.
Golf đang ngày càng thu hút người chơi ở Việt Nam.
TPO - Golf, môn thể thao được xếp vào hàng “quý tộc” đang ngày càng trở nên phổ biến, hấp dẫn người chơi hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, để phong trào chơi golf phát triển, cần thêm nhiều chất xúc tác.  

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam hiện có khoảng gần 60 sân golf đang hoạt động, số lượng sân tập ở các thành phố lớn cũng vài chục. Số người chơi golf cũng tăng lên vài vạn so với chỉ một bộ phận nhỏ trước đây.

Sự phát triển của phong trào golf ở Việt Nam dù vậy chưa thể sánh bằng các quốc gia trong khu vực, và càng khác biệt nếu so với thế giới. Điều này dễ nhận thấy qua số lượng sân chơi ở các nước Đông Nam Á, đã lên tới hàng trăm: Malaysia 230 sân, Thái Lan 253 sân hay Indonesia ít hơn cũng 152 sân…Con số ở trên của Việt Nam rõ ràng còn rất khiêm tốn.

Một trong những rào cản đối với golf Việt Nam, là quan niệm của công chúng đối với môn thể thao này. Golf được xếp vào hàng “quý tộc”, bởi đầu tiên là chi phí đắt đỏ. “Đa số công chúng không xem golf là môn thể thao đại chúng, trong khi ngân sách nhà nước cũng không thể dành nhiều cho golf”, đây là thừa nhận của ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Bộ môn Golf (Tổng cục TDTT).

Theo tính toán, để chơi golf 18 hố, chi phí của người chơi có thể dao động từ 2-5 triệu đồng/ngày, phụ thuộc vào ngày thường hay cuối tuần. Đây là mức chi phí quá cao so với thu nhập trung bình của đại bộ phận người dân. Không phải ngẫu nhiên, golf được xem là môn chơi dành riêng cho những người thành đạt. Đại bộ phận giới trẻ, vốn là các đối tượng chơi thể thao nhiều, không có đủ khả năng tài chính để chơi golf. Điều  này lý giải dù được du nhập vào Việt Nam từ khá lâu, nhưng phong trào chơi golf tới thời điểm hiện tại mới thực sự “nóng’ hơn. Môn golf được cho là chính thức xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1992 khi sân golf Đồng Mô đi vào hoạt động. Phong trào chơi golf ban đầu được khởi xướng bởi các golfer là người nước ngoài công tác tại Việt Nam, quan chức ngoại giao và doanh nhân.

Với bất kỳ môn thể thao nào thì việc đào tạo VĐV trẻ luôn là hướng cần thiết nếu muốn nhắm tới các đích phát triển xa trong tương lai, golf không ngoại lệ. Nhưng tại Việt Nam, việc này còn khó khăn. Ngoài lý do kể trên thì còn các lý do khác, như các sân golf chỉ tập trung vào các thành phố lớn, sân luyện tập golf phần lớn là tạm thời do không có quỹ đất và chi phí đầu tư khá cao. Và Việt Nam chưa có khả năng phát triển môn golf rộng rãi, chưa có nhiều người theo đuổi môn thể thao này cũng như chưa có nhiều giải đấu để các golf thủ có cơ hội cọ sát, thi đấu.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa golf Việt Nam không có cơ hội phát triển. Số lượng người chơi tăng lên là dấu hiệu đầu tiên. Cùng với các phong trào golf đang phát triển mạnh mẽ, các sân golf đã nâng cao chất lượng dịch vụ và trình độ nhân viên để từng bước góp phần nâng số lượng 10.000 người chơi golf năm 2009 lên hơn 20.000 người chơi golf hiện nay. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, phong trào golf tại Việt Nam bắt đầu rộ lên mạnh mẽ, hàng loạt các cuộc thi đấu golf được tổ chức khắp nơi trên mọi mặt trận.

Theo giới chuyên môn, việc phát triển các giải golf không chuyên (WAGC) là tiền đề để số lượng người tham gia môn thể thao này tăng thêm. Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh – Đại diện chính thức của WAGC tại Việt Nam chia sẻ: “Nếu nói về sự chuyên nghiệp thì Việt Nam có khoảng cách rất xa so với thế giới nhưng nếu nói về phong trào và sự yêu thích của giải đấu thì mức độ yêu thích của các golf thủ Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các golfer tại Mỹ, Úc. So với các nước lân cận như Malaysia, Thái Lan, phong trào golf của ta chưa mở rộng bởi lí do duy nhất là chúng ta chưa có đủ sân golf, còn nếu có chính sách tốt để đầu tư sân golf cũng như chính sách để hạ giá chi phí chơi golf thì tôi tin rằng rất đông người Việt nam sẽ lựa chọn golf là môn thể thao”.

Trong số các sân chơi golf hiện nay, có thể kể tới TPBank WAGC – giải golf không chuyên lớn nhất Việt Nam chính thức được triển khai từ năm 2015 do Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) độc quyền tổ chức. Ngay trong năm đầu tiên tổ chức, giải đấu đã mang lại tiếng vang lớn khi đội tuyển quốc gia Việt Nam đã đạt được vị trí thứ 3 toàn đoàn khi tham gia thi đấu tại Thổ Nhĩ Kì, xếp sau Malaysia và Singapore. Và trong năm 2016, năm thứ 2 của mùa giải này, đội tuyển Việt Nam cũng xuất sắc khi giành vị trí Á quân khi đi tranh tài tại Nam Phi. Đây có thể coi là những cột mốc đáng nhớ cho phong trào golf ở Việt Nam.

Golf không chuyên Việt Nam, tiềm năng vào rào cản ảnh 1 Việt Nam cần thêm các giải đấu cho golfer

Tuần trước, vòng chung kết Giải vô địch TPBank WAGC 2017 đã diễn ra thành công và BTC đã lựa chọn ra được 5 golf thủ xuất sắc đại diện cho đoàn Việt Nam đi thi đấu giải thế giới, được tổ chức tại Malaysia. Đây là lần thứ 3 giải đấu này được tổ chức tại Việt Nam và đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng chơi golf trong nước. Việc tổ chức thành công giải đấu này là một bước tiến đối với phong trào golf ở Việt Nam, bởi nó không chỉ quy tụ các tay golf trong nước mà còn mở rộng cho cả golfer không chuyên đến từ nhiều quốc gia, đồng thời được Hiệp hội Golf Chuyên nghiệp Mỹ (USPGA) bảo trợ. Bên cạnh việc bám sát thể thức thi đấu của vòng chung kết WACG thế giới, Ban Tổ chức cũng rất chú trọng tới việc lựa chọn tổ trọng tài chuyên nghiệp.

Theo ông Phạm Thành Trí – Phó Tổng thư ký Hiệp hội golf Việt Nam, đây là giải đấu danh giá nhất Việt Nam hiện nay. “Tuy nhiên, để phong trào chơi golf phát triển hơn, đặc biệt theo hướng chuyên nghiệp thì cần thêm rất nhiều giải đấu để người chơi tham gia. Với việc các sân chơi phát triển hơn, chi phí chơi golf chắc chắn sẽ giảm xuống. Khi đó, golf sẽ trở nên “bình dân” hơn”-ông Phạm Thành Trí cho biết.

MỚI - NÓNG