Đại gia Đường Bia:

Gỡ khó thủ tục - cách cứu doanh nghiệp nhanh nhất!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình cho biết, vướng mắc về thủ tục, nhất là với các dự án đầu tư đang gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp…
Gỡ khó thủ tục - cách cứu doanh nghiệp nhanh nhất! ảnh 1
Ông Nguyễn Hữu Đường phát biểu khánh thành đường cao tốc mẫu hiện đại

Kiến nghị gỡ vướng thủ tục

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Đường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình (Công ty Hòa Bình, doanh nghiệp có nhiều thương binh nặng đang làm việc) cho biết trong mấy năm vừa qua, sau đại dịch Covid 19, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Trong khi đó, nhiều thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư xây dựng có lẽ chưa khi nào vướng mắc như hiện nay.

Điển hình như dự án nhà xã hội của Công ty Hòa Bình tại ngõ 321 Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Mang danh là lĩnh vực khuyến khích đầu tư nhưng thực tế doanh nghiệp phải vật lộn với cả “rừng” thủ tục. Và mới nhất là dự án tiếp tục phải kéo dài chờ đợi vì liên quan đến thay đổi quy định của cơ quan chức năng. “Tình trạng kéo dài thời gian làm mất đi cơ hội đầu tư và tăng các chi phí của dự án”, ông Đường phân tích. Trước đó, ông Nguyễn Hữu Đường cũng khốn khổ với những thủ tục liên quan dự án khách sạn dát vàng tại B7 Giảng Võ, Hà Nội; dự án chung cư và trung tâm thương mại tại 505 Minh Khai...

Liên quan đến cấp phép dự án nhà ở xã hội, đại diện Công ty Hòa Bình kiến nghị cần xem lại quy định thời gian lấy ý kiến cộng đồng mất đến 3 tháng. Trong khi dự án đã được duyệt qua nhiều bước, xây theo quy hoạch, các cơ quan đã thẩm định dự án...

Ông Đường cho rằng về thủ tục hành chính đang có dấu hiệu “tụt lùi” so với cả chục năm trước. Ưu đãi làm nhà xã hội ngày càng bị cắt giảm, rất khó triển khai. “Hơn chục năm trước, tôi làm thủ tục cho dự án tại 106 Hoàng Quốc Việt chỉ mất 1,5 tháng. Lúc đó khi gửi vào sở Quy hoạch kiến trúc chỉ có 1 tuần đã có phương án kiến trúc, cũng chỉ mất 1 tuần tại Sở Xây dựng được cấp phép.”

Trao đổi về thực trạng này, ông Lương Hoài Nam, Trưởng phòng Kế hoạch phát triển đô thị, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhận định: Về quy định, thủ tục đầu tư thì dự án nhà ở thương mại và NOXH cơ bản giống nhau. NOXH được ưu tiên hơn vì được miễn tiền sử dụng đất tuy nhiên vẫn phải qua khâu định giá đất. "Đây là khâu không cần thiết, Luật Nhà ở sửa đổi đang có hướng không cần xác định giá đất khi đất được miễn tiền sử dụng đất", ông Nam chia sẻ.

Ông Nam thông tin: Hiện nay UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng lập hồ sơ đề xuất để kêu gọi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 4 khu NOXH tập trung. Nhưng đến thời điểm này chưa nhận được bộ hồ sơ nào của Sở Xây dựng trình UBND TP. Ông Lương Hoài Nam, Trưởng phòng Kế hoạch phát triển đô thị, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhận định: Các dự án NOXH lẫn nhà ở thương mại ở Hà Nội hiện nay đều gặp khó khăn. Thậm chí vì vướng mắc Luật Nhà ở nên từ năm 2016 đến nay Hà Nội gần như không có dự án nhà ở thương mại mới nào, chỉ có dự án chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách thông thoáng hơn cho các dự án NOXH. Như việc tính tiền sử dụng đất rất mất thời gian, trong khi các dự án NOXH được miễn tiền sử dụng đất thì cần bỏ qua khâu này để giảm thủ tục cho các nhà đầu tư.

Làm sao để Việt Nam có nhiều đại bàng?

Trong nhiều buổi trò chuyện, ông Nguyễn Hữu Đường luôn trăn trở câu hỏi: Làm sao để Việt Nam có nhiều đại bàng lớn về kinh tế, làm sao để Việt Nam vươn ra thế giới? Ông Đường luôn nhấn mạnh yêu cầu này vì đây sẽ là những doanh nghiệp mạnh dẫn dắt phát triển kinh tế, đủ sức cạnh tranh với thế giới.

Bên cạnh việc tháo gỡ nhanh những vướng mắc thủ tục, ông Nguyễn Hữu Đường kiến nghị nhà nước cần có chính sách thực sự hiệu quả để phát triển các trung tâm mua sắm, trung tâm bán lẻ của doanh nghiệp Việt.

Gỡ khó thủ tục - cách cứu doanh nghiệp nhanh nhất! ảnh 2
Dự án nhà xã hội tại Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) dài cổ chờ thủ tục

Hiện nay nhiều vị trí đắc địa tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã xây dựng hệ thống trung tâm phân phối “khủng” như Lotte Mart, Aeon, Emart, Metro, Big C... Những trung tâm phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại của doanh nghiệp Việt thường quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với các hệ thống có thương hiệu của nước ngoài. “Trong kinh doanh, người nào nắm được hệ thống phân phối sản phẩm, người đó sẽ quyết định cuộc chơi. Khi các trung tâm phân phối do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu thì đương nhiên họ có quyền ưu tiên hàng hóa của nước nào mà họ muốn và thực tế đã chứng minh rồi”, ông Đường phân tích.

Khi không có chỗ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ cực kỳ khó khăn. Bản thân Công ty Hòa Bình trước kia sản xuất bia, nước giải khát có lượng tiêu thụ rất lớn ở Hà Nội nhưng đến bây giờ cũng phải làm gia công cho các công ty nước ngoài như Coca Cola, Lavie ,... vì không tiêu thụ được. Sản phẩm của Công ty Hòa Bình sản xuất ra không bán vào được trung tâm thương mại lớn như Winmart, Lotte Mart, Big C,.... với lý do chưa có thương hiệu! Trong khi đó, nếu làm thương hiệu thì sẽ tốn rất nhiều tiền, mà làm thị trường thì không cạnh tranh được do các hãng lớn có tiềm lực và khi đó tất yếu “cá bé” sẽ bị nuốt.

Ông Nguyễn Hữu Đường khởi nghiệp từ năm 1981, làm nhân viên trong Hợp tác xã vận chuyển bia. Đến năm 1987, ông thành lập Tổ hợp Hòa Bình, chuyên sản xuất nước giải khát, nước đá và làm nút chai bằng nhựa cung cấp cho nhà máy rượu Hà Nội.

Năm 1989, ông Đường mở Nhà máy bia Hòa Bình. Đây là nhà máy chỉ mở sau Nhà máy bia Hà Nội. Năm 1993, thành lập công ty TNHH Hòa Bình.

Năm 1995 thành lập Công ty Liên danh rượu Việt-Pháp.

Đến năm 2002, đầu tư làm nhà máy sản xuất Đường Man (Malt - nguyên liệu chính để sản xuất bia).

Công ty Hòa Bình còn là chủ đầu tư khách sạn dát vàng nổi tiếng thế giới tại B7 Giảng Võ, tòa nhà văn phòng tại đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), Tổ hợp khách sạn Golden Bay Đà Nẵng, Hội An...

Nói là làm. Bản thân ông Nguyễn Hữu Đường và Công ty Hòa Bình nhiều năm đã kiên trì theo đuổi mục tiêu này. Công ty đã xây dựng Trung tâm thương mại lớn tại 505 Minh Khai, Hà Nội mục đích để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phân phối hàng hóa, phát triển dịch vụ. Công ty Hòa Bình nhiều lần gửi kiến nghị đến các cơ quan trung ương đề xuất các phương án phát triển hệ thống trung tâm phân phối hàng hóa hỗ trợ doanh nghiệp Việt.

Gỡ khó thủ tục - cách cứu doanh nghiệp nhanh nhất! ảnh 3
Khách sạn dát vàng nổi tiếng tại B7 Giảng Võ, Hà Nội

Ngay trong tháng 10 vừa qua, trước xu hướng Chính phủ đầu tư mạnh vào hạ tầng, ông Nguyễn Hữu Đường chủ động lập bộ phận nghiên cứu, khảo sát với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, đã khánh thành đoạn đường cao tốc chất lượng cao xây dựng thử nghiệm tại Bắc Ninh. Mục tiêu của Công ty Hòa Bình là sẵn sàng các điều kiện về kỹ thuật và tài chính để tham gia vào các dự án đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại với chi phí, chất lượng cạnh tranh nhất...

MỚI - NÓNG