'Giữ vững kỷ lục 365 ngày diễn một năm là khó'

'Giữ vững kỷ lục 365 ngày diễn một năm là khó'
TP - Tháng trước, Nhà hát Múa rối Thăng Long nhận kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm”. Kỷ lục là một chuyện, làm sao để múa rối vừa hấp dẫn vừa đắt khách là vấn đề.

> Người anh hùng đánh B52 được tôn vinh về nghệ thuật rối nước
> Bí mật căn hầm dưới trụ sở báo Tiền Phong thời B.52

Giám đốc Nhà hát, NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn nói:

Nhà hát xác định đạt kỷ lục đã khó, duy trì còn khó hơn. Đầu tiên là vấn đề con người: cán bộ, nhân viên nhà hát phải quyết tâm, say nghề. Thứ hai, phải chú trọng khâu quảng bá rộng rãi trong ngoài nước, để họ hiểu hơn về nghệ thuật múa rối. Riêng trên internet, chúng tôi phải thuê các cổng như: cổng du lịch, facebook…

Thứ ba, coi trọng sáng tạo nhưng vẫn giữ nét đẹp truyền thống, không làm biến dạng mà chỉ phát triển cho nó phong phú. Kho tàng nghệ thuật múa rối Việt Nam có trên 600 trò trong đó có 400 trò không bị lặp, vốn đó đủ để khai thác, sáng tạo.

Hiện thuận lợi và khó khăn lớn nhất của nhà hát là gì thưa ông?

Chúng tôi có đội ngũ yêu nghề gồm 42 nghệ sĩ, 12 nhạc công và bộ phận kỹ thuật. Trụ sở nhà hát đặt ven hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, nơi tập trung khách du lịch.

Múa rối là môn nghệ thuật truyền thống độc đáo. Chúng tôi lại được cấp trên tạo điều kiện hết mức, trong xu hướng ưu tiên các hoạt động nghệ thuật truyền thống.

Khó khăn thì nhiều nhưng để phát triển những cái mới, đáp ứng diễn đủ 365 ngày/năm đòi hỏi có không gian luyện tập không ảnh hưởng đến buổi diễn.

NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn
NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn .

Khán giả nước ngoài cảm nhận thế nào về các tiết mục của nhà hát?

Họ tỏ ra ngạc nhiên, thấy múa rối có cái gì đó mơ mơ ảo ảo, lung linh trên mặt nước, rất là sống động, siêu thực, hồn nhiên, thanh cao. Họ bỏ một tiếng đồng hồ vào xem rối nước thì cảm thấy mình trẻ lại. Con rối vô tư, ngây ngô, vào rạp xem nó thì không phải suy nghĩ gì, không triết lí cao siêu, làm họ cảm thấy vô tư hơn.

Năm sau có Liên hoan Múa rối Quốc tế, nhà hát có kế hoạch gì để làm nổi bật loại hình nghệ thuật truyền thống này của Việt Nam?

Chúng tôi dự định làm một chương trình chia làm hai phần. Phần một hoàn toàn truyền thống, khai thác trong 400 trò. Phần hai phát triển dựa trên thế vận hội Olympic, kịch bản có tên Bay lên từ mặt nước với các trò thể thao như: bơi nghệ thuật, lướt ván, đua thuyền. Phần này là thử nghiệm để cho thấy múa rối phát triển đến đâu. Từ đó đánh giá góc độ nào được, góc độ nào chưa được.

Về rối cạn, sẽ làm một vở mang tính truyền thống dựa trên phong cách sân khấu chèo, và một vở nhạc kịch - con rối hát Ôpera để cho khán giả thấy diễn viên đa năng - hát chèo được, hát Ôpera được. Hay thì chưa dám nói nhưng sẽ xem được.

Khán giả chủ yếu là người nước ngoài trong khi các tiết mục đều có thoại, vậy mà không có phụ đề tiếng Anh để tiện theo dõi?

Các tờ rơi đều có phụ đề, in bảy thứ tiếng: Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ba Nha, Nga, Việt Nam, điểm danh các tiết mục. Chương trình quá dễ hiểu không cần phụ đề. Để phụ đề thì phá hết không gian.

Trước đây trong một chương trình khác, nhà hát có chạy phụ đề vì chương trình đòi hỏi giải thích về văn hóa các vùng miền, giải thích vì sao ở Tây Bắc có múa khèn, sao có múa hoa đăng, múa quạt, sao rồng với phượng lại đẻ ra cái bọc hàng trăm con... Nhưng có giải thích người ta cũng không hiểu được. Xem xong họ tiếp tục hỏi người hướng dẫn. Người hướng dẫn bị khán giả hỏi nhiều quá thì họ cảm thấy phiền.

Lại cũng có cảm giác các tiết mục hơi đơn giản, quanh đi quẩn lại vẫn từng ấy tích trò. Chương trình mỗi ngày mỗi tuần có thay đổi không thưa ông?

Chỉ thay đổi một năm một lần. Nhà hát không có điều kiện thay liên tục. Khâu tạo hình và tập phải mất một năm mà ý tưởng phải có từ trước. Đặc biệt, lượng khách thay đổi liên tục, họ không ở đây trường kỳ nên đối với người xem sẽ là mới.

Cảm ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.