Giữ hay bỏ bảo hiểm bắt buộc xe máy?

0:00 / 0:00
0:00
Ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, đặc biệt với xe máy là điều không phải bàn cãi.

Tuy nhiên, những thủ tục để được bồi thường loại bảo hiểm này đang khiến nhiều người cảm thấy “không cần thiết”.

Đã đơn giản thủ tục bồi thường

Sau khi có kiến nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc bỏ loại hình bảo hiểm bắt buộc với xe máy, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, trên thực tế, mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện giao thông chủ yếu (khoảng 72 triệu xe mô tô, xe máy đã được đăng ký) và nguồn gây tai nạn lớn nhất ở Việt Nam, chiếm khoảng 63% số vụ tai nạn giao thông.

Giữ hay bỏ bảo hiểm bắt buộc xe máy? ảnh 1
Bảo hiểm bắt buộc xe máy thường bày bán ở những điểm gần chốt công an, do đề phòng bị CSGT xử phạt

Do đó, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới gồm mô tô, xe máy là một giải pháp bảo đảm tài chính cho chủ xe với chi phí thấp (55.000 - 60.000 đồng) và mức trách nhiệm bồi thường cao (lên đến 150 triệu đồng).

“Khi không may xảy ra tai nạn, có nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, phải nằm viện không thể bồi thường cho nạn nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả cho người bị tai nạn. Trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc xe không tham gia bảo hiểm thì các nạn nhân cũng được hưởng hỗ trợ nhân đạo từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua Quỹ bảo hiểm xe cơ giới. Đây là ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm bắt buộc này”, ông Trung thông tin.

Giải thích về số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tai nạn xe máy chỉ 45 tỷ đồng trong khi doanh thu lên tới 765 tỷ đồng, ông Trung cho rằng, trong cơ cấu doanh thu, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập các khoản dự phòng và các chi phí khác, không chỉ dùng để bồi thường.

Bên cạnh đó, đa số các vụ tai nạn xe máy có mức độ thiệt hại nhỏ nên thông thường bên gây ra tai nạn và nạn nhân tự giải quyết.

Sở dĩ người mua bảo hiểm còn ngần ngại trong tiếp cận doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu bồi thường, ngoài những hạn chế trong công tác truyên truyền về chính sách, tại thời điểm năm 2019, quy định về hồ sơ, thủ tục bồi thường chưa được đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi cho cho người dân.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các ban, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2021.

Quy định mới đã cắt giảm tối đa các thủ tục bồi thường, thậm chí chưa cần biết tai nạn là lỗi do ai, có thuộc phạm vi bồi thường bảo hiểm hay không, nhưng trong vòng 3 ngày kể khi có thông báo về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng 10 - 70% mức bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của nạn nhân.

Thủ tục quan trọng nhất được bãi bỏ là không cần các tài liệu của cơ quan công an như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn hoặc thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn trong hồ sơ bồi thường, trừ trường hợp nạn nhân bị tử vong…

Vướng ở đâu phải tháo gỡ ở đó

Giữ hay bỏ bảo hiểm bắt buộc xe máy? ảnh 2
Bảo hiểm bắt buộc xe máy được bán giá rẻ, hầu như bỏ qua khâu tư vấn trước khi giao ấn chỉ bảo hiểm cho khách hàng

Mới đây, khi góp ý dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới, VCCI nêu ra 2 phương án, trong đó có phương án bãi bỏ loại hình bảo hiểm bắt buộc với mô tô, xe máy.

VCCI cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm). Nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.

Theo VCCI nếu tiếp tục duy trì loại hình bảo hiểm bắt buộc với xe máy cần đồng loạt sửa nhiều quy định giúp tăng tỷ lệ chi trả gồm: Giảm mức phí bảo hiểm; tăng mức bồi thường bảo hiểm; giảm bớt các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm. Các quy định này cần được điều chỉnh sao cho tỷ lệ chi trả bảo hiểm đối với xe máy cũng vào khoảng trên 30% như các loại bảo hiểm khác.

Theo cổng thông tin của Hiệp hội bảo hiểm, 9 tháng đầu năm nay tổng doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (bao gồm ô tô và xe máy) đạt 3.221 tỷ đồng, tổng số tiền bồi thường 562 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 17,4%.

Trong đó, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ bồi thường với bảo hiểm bắt buộc xe máy cũng chỉ ở mức 2%.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, tỷ lệ chi trả bảo hiểm đối với xe máy như con số thống kê là rất thấp.

Trong khi đó con số thống kê của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới tại liên minh châu Âu năm 2019 cho thấy, tỷ lệ đền bù thiệt hại chiếm tới 76,5% doanh thu.

Theo ông Minh, tại nhiều nước, người mua bảo hiểm khi gặp tai nạn thì việc giải quyết bồi thường bảo hiểm rất đơn giản, chỉ cần gọi điện cho số điện thoại khẩn cấp là cơ quan chức năng sẽ tới.

Khi cơ quan chức năng tới xử lý vụ việc, họ sẽ có trách nhiệm cung cấp cho người mua bảo hiểm những tài liệu giấy tờ cần thiết (có thể ngay tại hiện trường/có thể gửi qua đường bưu điện hoặc hiện nay có thể gửi qua các nền tảng kỹ thuật số...).

Những người có liên quan dùng những tài liệu đó làm việc với doanh nghiệp bảo hiểm là xong. Những việc còn lại là trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

“Mặc dù Nghị định 03/2021 vừa ban hành đã đơn giản hóa rất nhiều thủ tục nhưng bản thân Nghị định không giải quyết được tất cả các vấn đề mà một số bất cập còn đang nằm ở các luật cao hơn và nhiều văn bản khác.

Bởi vậy theo tôi trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tiếp rà soát lại để tháo gỡ. Quan trọng nhất là phải bắt đúng bệnh. Nếu vì những bất cập khó khăn trong quá trình chi trả bảo hiểm mà bỏ loại bảo hiểm này đi thì có nghĩa là dùng một cái sai để sửa một cái sai khác”, ông Trần Hữu Minh nêu quan điểm.

Tắc ở khâu giám định thiệt hại

Theo chuyên gia bảo hiểm Đỗ Hồng Sơn, quy định hiện hành có một khâu bị tắc khi thực thi với tai nạn giao thông liên quan xe máy, đó là khâu giám định thiệt hại (Khoản 1 Điều 12 Nghị định 03/2021). Cụ thể, quy định nêu khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, người lái xe và bên thứ ba thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan.

“Việc tổ chức giám định và kết quả giám định phải có chữ ký của các bên liên quan là việc cực khó, vì sau vụ tai nạn, việc các đương sự ngồi lại với nhau để ký vào biên bản giám định là bất khả thi”, ông Đỗ Hồng Sơn phân tích.


Link gốc: https://xe.baogiaothong.vn/giu-hay-bo-bao-hiem-bat-buoc-xe-may-d573080.html?

Theo Báo Giao thông
MỚI - NÓNG