Giữ gìn ấn thiêng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ấn triện, con dấu là văn hóa từ nghìn năm mà tới nay chưa gì thay thế được. Những cái ấn từ đời xưa, đến nay không còn giá trị về mặt pháp lý nhưng vẫn chứa ẩn những giá trị văn hóa khó có gì so sánh được.

Mới đây, báo chí và dư luận dậy sóng chuyện nhà đấu giá ở châu Âu đưa ra chương trình đấu giá ấn vàng triều Nguyễn. Nhiều nhà nghiên cứu và người yêu văn hóa đề xuất nỗ lực “hồi hương” ấn cổ ấy. Bộ Ngoại giao cũng tích cực giúp đỡ các nhà bảo tồn, bảo tàng trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp đưa ấn cổ trở về quê hương Việt Nam.

Giữ gìn ấn thiêng ảnh 1

Ấn “Sắc mệnh chi bảo” đời Trần được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Tư liệu.

Không ai biết chính xác ấn, triện có từ bao giờ, nhưng trong thư pháp từ xa xưa đã có chữ triện là lối viết dựa theo các con dấu (hình vuông hoặc hình tròn). Ngày nay, dù xã hội rất phát triển, các nước vẫn sử dụng con dấu như một công cụ pháp lý trong các giao dịch kinh tế lẫn ngoại giao. Ở Việt Nam, các con dấu thời phong kiến vẫn được sử dụng trong các lễ hội, đền, đình.

Chị Hiên, người gốc Nam Định nói: “Nhiều năm, cứ vào lễ hội đền Trần ở Nam Định thì hàng vạn người vẫn xếp hàng, thậm chí chen lấn để mong xin được một mảnh lụa vàng có in dấu ấn của triều Trần. Người ta xem tờ ấn ấy như một điều may mắn, đôi khi cũng là một kỷ niệm quý khi về với thôn Tức Mặc, Nam Định”.

Nói tới các quốc gia trong lịch sử, người ta thường hay nói tới “ngọc tỷ truyền quốc”, nghĩa là ấn triện của một quốc gia làm bằng ngọc, truyền qua nhiều triều đại mà thời phong kiến người ta quan niệm rằng ai có được “ngọc tỷ truyền quốc” thì người đó có sứ mệnh làm vua, làm hoàng đế. Ở Trung Quốc, thời Tam Quốc, ba nhà Ngụy-Thục-Ngô đều tranh nhau “ngọc tỷ truyền quốc” để xưng hoàng đế rồi cuối cùng đều thất bại.

Đất nước Việt Nam trải qua nhiều phen binh lửa, việc giữ ấn càng thêm cam go. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, ghi: “Năm Đinh Tỵ (1257), khi vua (Trần Thái Tông) thân hành thống lĩnh quân đi chống giặc, quan giữ ấn vội vàng giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy bị mất. Giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng chiếc ấn bị mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên ở chỗ cũ”.

Sau một thời gian rất dài, tưởng rằng ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” ấy đã hư hại thì thật bất ngờ 700 năm sau, trong quá trình tôn tạo Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ấn “Sắc mệnh chi bảo” gần như nguyên vẹn. Đó là điều thần kỳ khó lý giải. Nhưng, điều chắc chắn rằng việc tìm thấy ấn cổ giúp cho thế hệ ngày nay thêm tự hào về công cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại của ông cha ta năm xưa.

Việc giữ gìn ấn cổ không hề dễ dàng, bởi nạn trộm cắp buôn bán đồ cổ vẫn còn. Tôi nhớ có lần anh B một người bạn tôi mua được cái ấn cổ. Người bán bảo đó là đồ cổ trong gia đình anh ta. Anh B, cẩn thận hỏi tôi đó là loại ấn gì, tôi cũng tra cứu tài liệu và bảo với anh đó là ấn của một dòng họ. Được vài hôm, anh B gọi điện bảo: “Bên ngành văn hóa lên gặp tôi, xin chuộc ấn. Tôi giao lại ấn cho địa phương, mọi người vô cùng mừng rỡ”. Hóa ra đó là cái ấn của một ngôi đền linh thiêng. Cũng may, anh B là người sưu tầm có tâm, thấy ấn quý bèn giữ lại, không bán đi kiếm lời, nhờ thế ấn quý được “hồi hương”.

Một đất nước có văn hóa là đất nước lưu giữ được nhiều nét truyền thống tốt đẹp và phát huy trong thời hiện đại. Bình Ngô Đại cáo viết: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Không chỉ các nhà nghiên cứu và sưu tầm mà mỗi người đều cần chung tay chống lại nạn “chảy máu cổ vật”, gìn giữ những giá trị xưa. Đừng để lặp lại cảnh vùng nọ mất ấn của đền rồi mới tá hỏa đi tìm, khi thấy lại cái ấn quen thuộc mấy trăm năm về đền thì già trẻ gái trai đều quỳ xuống mà nước mắt rưng rưng.

MỚI - NÓNG