Giọt nước mắt sau những bước chân vui

Trúc Mai tham gia cải tạo trường mầm non
Trúc Mai tham gia cải tạo trường mầm non
TP - Danh hiệu Người đẹp nhân ái chưa có chủ. Thế nhưng, nhiều thí sinh sau phần thi này đều coi nó là một trải nghiệm đặc biệt của thanh xuân. Những giọt nước mắt cảm động vẫn rơi ngay cả khi chương trình đã đóng máy.

Chỉ khóc ở hậu kỳ

Đặng Thị Trúc Mai (SBD 295) tham gia dự án nhân ái “Bước chân vui”: Cải tạo trường mầm non thôn Bản Lắp 1 (xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang).

Trong các câu chuyện sau khi chương trình phát sóng, Mai thường nói đến mong muốn được một lần quay lại Hà Giang vì “rất nhớ các em nhỏ ở đó”.

Mai kể, lần đầu tiên đặt chân lên trường mầm non thôn Bản Lắp cô bị sốc vì trường này được xếp vào dạng ba không: không cổng, không tên trường, sàn đất lem nhem. Bước vào lớp gió cọt kẹt thổi qua. Cô không nghĩ những đứa trẻ chỉ bốn năm tuổi có thể học được ở nơi như thế.

Trong bốn ngày, các cô gái đã cùng nhau đào nền nhà, láng nền, lát gạch hoa, cạo tường, quét sơn, phá rỡ tường rào cũ... Những buổi trưa nhóm tranh thủ làm thêm, học sinh của trường thường đứng ngoài cửa sổ ngó vào. Chỉ hôm trước hôm sau đám trẻ đã thân thiết với cô gái răng khểnh hay cười. Trông thấy chị Mai, chúng sẽ ngoắc tay gọi ra chơi, có bánh ăn, cũng chia cho chị Mai một nửa.

Điều khiến Mai xúc động nhất là chuyến đi thăm chị Tâm, ở gần trường. Từ sớm, chị đã đứng chờ ngoài ngõ, trong cái mưa lâm thâm của miền núi “buồn đến xỉu cả người”. Chị Tâm là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Bản Lắp. Chồng mất, cha chồng mất. Chị là trụ cột gia đình, phải chăm sóc hai đứa con và một bà cố đã bị liệt nửa người. Mỗi sáng chị phải dậy từ 4h, nấu cơm, chuẩn bị đồ ăn cho bà rồi chở con đi học bằng xe đạp. Bình thường trời khô ráo, chị đi khoảng một giờ đồng hồ đường núi. Hôm nào trời mưa, đường lầy lội thì thời gian lên gấp đôi. Nếu mưa kéo dài, đường suối bị ngập, con chị phải nghỉ học.

Ngồi nói chuyện với chị Tâm, chị khóc, nhưng Mai bảo: em với các bạn chỉ im lặng ôm chị và cười. “Đó là nụ cười khó khăn nhất trong đời em. Bởi em phải cố nín, không muốn tạo thêm bi thương cho chị”. Sau đó đến phần hậu kỳ, Mai khóc như mưa. Qua cả tháng trời, hỏi lại dự án “Bước chân vui” cô vẫn phải lau nước mắt.

“Không phải bọn em cho người, là người dạy bọn em cách vui sống”

Nguyễn Thị Thu Tâm SBD (378) tham gia dự án “Tiếng nước reo” cùng với các chiến sĩ biên phòng đào giếng sinh hoạt và hỗ trợ đời sống cho bà con dân tộc thiểu số tại bản Nịu, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Giọt nước mắt sau những bước chân vui ảnh 1 Thu Tâm tết tóc cho trẻ em bản Nịu
Để vào bản Nịu, Tâm và các bạn phải bám vào dây thừng “bò” qua dòng suối chảy xiết. Từ đồn biên phòng Cồn Roàng trở về bản Nịu, nước suối dâng cao, không thể lội bộ qua suối, lần lượt từng thí sinh phải ngồi trên cần cẩu xe xúc để được đưa qua suối. Suốt bốn ngày, cả nhóm phải uống dè một bình nước chung. Khi hết, phải lấy nước suối lọc thủ công bằng cát, đun sôi để uống.

Bản Nịu cách biệt thế giới bên ngoài bởi không có điện, không có nước sạch, không có sóng điện thoại. Dân bản Nịu đều nghèo, mọi sinh hoạt hàng ngày đều tập trung vào nguồn nước duy nhất là con suối ngay sát bản, từ tắm giặt đến vệ sinh. Tâm tận mắt chứng kiến một cô gái gội đầu ngoài suối, nhưng cách đó không xa có người đang rửa bộ nội tạng động vật.

“Ở rừng” bốn ngày, Tâm đã kịp học cách nấu cơm bằng bếp củi, cách đi qua sông suối vào mùa lũ, và một chút kỹ thuật đan lưới của người dân tộc. Bài học quan trọng nhất theo cô: Điều kiện khổ thế nhưng mọi người đều rất hồn nhiên, sống giản đơn vẫn vui vẻ. Khi đó em nghĩ, không phải chúng em đại diện dự án nhân ái mang quà đến cho mọi người, mà người ở bản đã dạy bọn em cách sống thì đúng hơn. Để em biết trân trọng cuộc sống hơn, biết tìm niềm vui ngay cả trong những thứ nhỏ bé và tưởng như tầm thường”.

Trước khi chia tay bà con bản Nịu, các thí sinh còn dụng công tổ chức một buổi chiếu phim cho các em nhỏ và bà con trong bản. Những tiếng cười giòn tan hôm ấy vẫn còn nguyên trong ký ức của Tâm.

Nhi cố học! Bác Ba nhớ Nhi!

Bùi Thị Yến Nhi (SBD 096) sinh năm 1997 tham gia dự án Vang mãi khúc quân hành cùng 9 thí sinh khác. Các thí sinh cùng BTC đi thăm hỏi, giao lưu, chăm sóc, tặng quà ba trung tâm điều dưỡng thương binh ở Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nam. Vào tối 23/7, các thí sinh HHVN 2018 cùng các thương binh từ Trung tâm điều dưỡng thương binh Nghệ An và hàng trăm đoàn viên thanh niên huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) đã thắp hương, nến trên hơn 11.000 ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Việt Lào ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Giọt nước mắt sau những bước chân vui ảnh 2 Yến Nhi và bác Ba
Trong câu chuyện của Nhi sau hành trình nhân ái, cô nói nhiều về bác Ba. Bác Ba là một thương binh nặng, 68 tuổi, chân đi khập khiễng và phát âm vô cùng khó khăn. Từ đầu hành trình Nhi đã có duyên với bác, chính cô đỡ bác đi thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ, cô trò chuyện, lắng nghe những câu được câu không của người thương binh già. Trước khi cả đoàn lên đường, Nhi một mình chạy đi chào bác. Cô vừa khóc vừa kể: “Khi đó em không kịp cầm theo điện thoại. Bác bảo, để cho bác cách liên lạc. Em nhớ như in hình ảnh bác tập tà tập tễnh đi lấy cái bút chì, ghi số điện thoại của em lên tường”.

Sau này, trong một lần Nhi đang chuẩn bị đồ đi thi chung kết, thì bác Ba gọi điện. Cô bảo, nhấc máy nghe giọng bác là biết. Nhưng vì bác nói giọng Nghệ, lại phát âm khó khăn nên phải vừa nghe vừa đoán. Cuộc gọi năm phút mấy, Nhi nhớ nhất một câu: Nhi ráng học giỏi, nhớ Nhi!

Người đẹp cào nghêu

Nguyễn Thị Hồng Tuyết (SBD 052) tham gia hành trình nhân ái tại ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Cô cùng các bạn làm dự án “Nhịp cầu yêu thương” để “vá” lại cầu Tám Mẹo. Cây cầu này đã xuống cấp trong vòng 5-6 năm nay. Đầu năm, do bị xà lan đâm trúng nên cầu Tám Mẹo được sửa tạm bợ bằng những miếng gỗ cũ mục ở phần giữa cầu. Tuyết nhỏ con nhất nhóm nhưng tham gia vận chuyển nguyên vật liệu không thua kém bất cứ ai. Hành trình của Tuyết có lẽ ít nước mắt và nhiều nụ cười nhất trong số những thí sinh cùng đội.

Giọt nước mắt sau những bước chân vui ảnh 3 Hồng Tuyết đi cào nghêu
Trong hoạt động tham gia lao động cùng người dân, Tuyết chọn hạng mục việc vất vả nhất: đi cào nghêu. Cô kể: Trải nghiệm cào nghêu của em bắt đầu từ 5h chiều tới 9h tối. Mặc dù là người đi muộn nhất trong các bạn nhưng bù lại em được thấy cảnh tuyệt đẹp trên biển. Đó có lẽ là khoảnh khắc không thể quên trong hành trình hoa hậu của em năm nay”.
MỚI - NÓNG