Quốc Hưng - Ảnh ca sĩ cung cấp |
Quốc Hưng - giọng hát được xếp vào loại nam trầm đại (basso profondo)- trầm nhất trong các giọng nam trầm - từng đoạt giải Nhất cuộc thi Hát thính phòng Nhạc kịch toàn quốc lần II năm 2000, cúp Vàng Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Mùa Xuân Bình Nhưỡng (Triều Tiên) 2004. Hiện anh là phó khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Giọng nam trầm đã hiếm, nam trầm mà hay còn hiếm hơn. Thế nhưng một thời gian dài, Quốc Hưng gần như giấu giọng, toàn tâm toàn ý với công tác giảng dạy.
Mãi những ngày cuối năm Kỷ Sửu, anh mới cho ra đĩa đầu tay gồm các bài hát trữ tình về Hà Nội với tên gọi Hà Nội ơi! Thầm hát…
Hóa ra: “Tôi muốn làm đĩa từ lâu nhưng mình là giảng viên, làm đĩa phải hết sức cẩn thận, từ chọn bài đến chọn người phối khí. Opera là loại hình mình được đào tạo lành nghề rồi - đơn giản. Hát bài Việt Nam để người ta chấp nhận mới gọi là khó”, Quốc Hưng cho hay.
Trong nghệ thuật opera, giọng nam trầm - với đặc trưng hùng tráng, oai nghiêm - hay được chọn cho vai vua hoặc thần linh.
Một trong những vai opera của Quốc Hưng là thần Erimits trong vở Viên đạn thần của nhạc sĩ lớn người Đức Weber - do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng với sự hỗ trợ của Nhà hát Opera Hanover - công diễn tại Hà Nội năm 1998.
Trước đó, anh có hai tháng sang tập huấn tại Hanover. Các nhà chuyên môn của nhà hát này bảo nhau về giọng trầm rất lạ của chàng trai Việt Nam bé nhỏ: “Chưa thấy nghệ sĩ hát nào có tần số rung đẹp như thế!”
Quốc Hưng chợt nhớ quãng thời gian gắn bó với chèo. Anh trúng tuyển đoàn Chèo Hà Nội, được đoàn cử đi học bốn năm và quay về làm diễn viên hai năm, rồi mới sang Nhạc viện thi tuyển. “Tần số rung của chèo rất tinh tế,” anh nói.
Với chất giọng đặc biệt, anh được nhà hát Opera Hanover mời ở lại làm diễn viên. “Hơi buồn cười là khi cần phải quyết định, mình lại nhớ đến một chén nước trà, mẩu bánh mì sáng của bà bán nước ở Nhạc viện Hà Nội”.
Hưng về nước rồi, ông tùy viên sứ quán Đức tại Việt Nam cùng vị nhạc trưởng người Đức mời cả thầy anh là NSND Trần Hiếu đến để thuyết phục Hưng: Thôi không làm diễn viên thì nhận học bổng đi học. Lạ cái là anh vẫn không lay chuyển.
Gặng hỏi liệu có phải vì cô gái chơi tỳ bà mà sau này anh lấy làm vợ không. Trả lời: “Thật ra hơi có một tí. Tôi cũng không hiểu tại sao mình không ở lại. Cảm giác hai tháng ở Đức- lạnh, buồn, nhớ nhà kinh khủng”. Rất có thể nếu Hưng sang Đức vào mùa hè thì tình hình sẽ khác!? Quốc Hưng lập gia đình từ bảy năm nay. Anh cho hai cô con gái nhỏ học piano.
Một điều thú vị là hồi hát chèo, giọng anh cũng thánh thót như ai, nhưng chuyển sang học opera, giọng cứ trầm dần đi. Từ đầu vào nam cao, hết bốn năm đã thành nam trầm. Đồng nghiệp bên chèo ai cũng ngạc nhiên. Nay anh vẫn hát được, vẫn nhớ nhiều bài chèo.
“Tôi hát chèo vẫn mềm mại, nhưng tần số rung không được như ngày xưa” - Quốc Hưng cho hay.
Sau đĩa đầu tay nhận được đánh giá tích cực, Quốc Hưng nghĩ đến đĩa thứ hai với các ca khúc trữ tình cách mạng, hoặc cũng có thể là tình ca Đức Huy, Phú Quang - mà anh đã hát từ thời sinh viên đi kiếm thêm ở quán cà phê.
“Tôi rất muốn làm đĩa thứ hai luôn nhưng còn phụ thuộc vấn đề kinh tế. Bản phối bằng máy tính sẽ bị mỏng so với giọng của tôi. Còn phối với dàn nhạc giao hưởng rất tốn kém”. Phần lớn các bài hát trong Hà Nội ơi! Thầm hát… do dàn nhạc giao hưởng - với khoảng 50 cây đàn - đệm.
Việc ra đĩa ca khúc Việt Nam là động thái đến gần với khán giả đại chúng của giọng nam trầm số một hiện nay. Trước đây, Quốc Hưng chỉ được biết đến với một lượng khán giả chọn lọc ưa thích opera, chủ yếu là người nước ngoài.