Giọng ca opera Bảo Yến du học 10 năm ở Nga lần đầu hát ở Điều còn mãi.

TPO - Bảo Yến du học chừng 10 năm ở Nga, đứng trên nhiều sân khấu lớn nhưng vẫn đầy hồi hộp khi lần đầu tiên hát ở Điều còn mãi.

Có lẽ do 2024 là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô và 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, vì thế các tác phẩm trong hòa nhạc quốc gia Điều còn mãiđậm âm hưởng chiến tranh cách mạng và tình yêu quê hương đất nước.

Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng và ban tổ chức lựa chọn danh sách các tác phẩm như Hành quân xa (Đỗ Nhuận), Bài ca trên núi (Nguyễn Văn Thương), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Bế Văn Đàn sống mãi (nhạc Huy Du, lời: phỏng thơ Trinh Đường), Qua miền Tây Bắc - Chiến thắng Điện Biên (Nguyễn Thành - Đỗ Nhuận), The Ballad of Ho Chi Minh (sáng tác: Ewan MacColl, lời việt: Phú Ân), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho), Sẽ về Thủ đô (Huy Du), Tiến về Hà Nội (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)...

“Ban đầu có người sợ rằng các chương trình trước đây có nhiều bài hát lãng mạn hơn, dễ thu hút người trẻ hơn, các bài hát năm nay có vẻ nặng quá. Tôi suy nghĩ rất đơn giản, bởi âm nhạc không có ranh giới hay sự phân biệt và bó gọn trong khuôn khổ nào mà quan trọng nhất là âm nhạc phải chạm vào cảm xúc của người nghe”, ông Nguyễn Văn Bá nêu.

Giọng ca opera Bảo Yến du học 10 năm ở Nga lần đầu hát ở Điều còn mãi. ảnh 1

Điều còn mãi do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, khởi xướng từ năm 2009.

Năm thứ hai làm giám đốc âm nhạc Điều còn mãi, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho rằng đây là sự kiện âm nhạc đặc biệt trong năm, mang những giá trị nghệ thuật ý nghĩa, những tác phẩm khí nhạc, những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc và ca sĩ trẻ đều được tôn vinh.

Lần đầu nhà tổ chức lựa chọn đưa yếu tố quốc tế vào hòa nhạc quốc gia. Nhạc trưởng người Pháp Olivier Chanine và dàn nhạc giao hưởng Mặt trời được mời tham gia.

“Sự cách biệt ngôn ngữ không đáng kể bởi âm nhạc không có biên giới. Chúng tôi không gặp khó khăn nào khi trao đổi công việc, luôn hướng đến mục đích chung là tạo ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Đó là sự đồng điệu của nghệ sĩ”, Trần Mạnh Hùng chia sẻ.

Nhạc trưởng Olivier Ochanine tự hào được góp phần trong chương trình kỷ niệm Quốc khánh 2/9 của Việt Nam. "Tôi đã làm việc và sinh sống ở Việt Nam 7 năm, tôi yêu và trân trọng từng khoảnh khắc sống ở nơi đây. Tuy nhiên tiếng Việt rất khó nên tôi phải dành thời gian để nghiên cứu tổng phổ, ý nghĩa của lời các bài hát. Tôi học mọi lúc mọi nơi, kể cả trên chuyến bay”, nhạc trưởng Olivier nói.

Giọng ca opera Bảo Yến du học 10 năm ở Nga lần đầu hát ở Điều còn mãi. ảnh 2

Giọng ca opera Bảo Yến du học 10 năm ở Nga và lần đầu hát ở Điều còn mãi.

Để chuyển tải những giai điệu hào hùng, giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng lựa chọn các gương mặt phù hợp như ca sĩ Trọng Tấn, NSƯT Phạm Khánh Ngọc, NSƯT Vũ Thắng Lợi, mời thêm một số gương mặt trẻ.

Có thể kể đến sự xuất hiện lần đầu tiên của Quán quân Sao mai 2015 dòng thính phòng Nguyễn Bảo Yến. Nhóm Áo lính gồm 5 nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật trong quân thể hiện các ca khúc đậm chất lính như Hành quân xa, Tiến bước dưới quân kỳ,

Bảo Yến du học chừng 10 năm ở Nga, đứng trên nhiều sân khấu lớn nhưng vẫn đầy hồi hộp khi lần đầu tiên hát ở Điều còn mãi. “Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và nhạc trưởng Olivier Ochanine đều là những người nghiêm khắc trong chuyên môn, tỉ mỉ trong công việc. Du học 10 năm và học nhiều bài hát quốc tế nhưng tôi luôn nhận thức mình là người Việt Nam phải hát nhạc Việt Nam, không được đánh mất bản sắc dân tộc”, cô nói.

MỚI - NÓNG