Tạo hình Xuân Tóc Đỏ giống Vũ Trọng Phụng
Mấy năm nay, giới chơi sách, sưu tầm sách ở Việt Nam đã bắt đầu quen với những ấn bản công phu cầu kỳ của thương hiệu sách Đông A. Lần này, ngay trong tâm dịch COVID-19, thông tin về một phiên bản “Số đỏ” theo bản in đầu tiên được in đầy đủ và cũng là bản sách duy nhất được in khi Vũ Trọng Phụng còn sống với minh họa của họa sĩ Thành Phong đã khiến những người yêu văn học xôn xao bàn tán.
Sự thật là, sau khi “Sát thủ đầu mưng mủ” trở thành mã code của giới trẻ, cái tên Thành Phong cũng bắt đầu phủ sóng rộng khắp. Thêm nữa, khi “Long thần tướng” của anh và cộng sự thành công tạo ra dấu ấn “khai thiên phá thạch” trong lĩnh vực Crowd funding (hay Gây quỹ cộng đồng) rồi sau đó đoạt giải Nhì cuộc thi truyện tranh quốc tế ở Nhật thì Phong đã trở thành một đảm bảo của sự ăn khách. Hơn hết, người ta có đầy đủ lý do để tin rằng, một người đã từng biết đùa đến thế trong “Sát thủ đầu mưng mủ” và sau nữa là “Thương nhớ thời bao cấp”, hẳn là sẽ “cân” được tinh thần trào phúng, giễu nhại của “Số đỏ”.
Rồi sách cũng ra, mỗi chương kèm một minh họa với tông chủ đạo màu hồng, mà theo giải thích của họa sĩ thì là vì “màu đó có cảm giác “đĩ thõa”, hợp với mạch truyện, hơn nữa, nó gây ấn tượng mạnh về thị giác”.
Về tạo hình của Xuân Tóc Đỏ, xưa nay người hâm mộ ở Việt Nam vốn chỉ có thể tham chiếu qua hóa thân của diễn viên Quốc Trọng trong phiên bản “Số đỏ” điện ảnh từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thế nhưng, lần này, qua nét vẽ của Thành Phong, Xuân Tóc Đỏ trông khác hẳn với vóc dáng trẻ trung, cao lớn hơn, mặt vuông và nhìn thoáng còn dễ nhầm ra trí thức phong nhã.
Thành Phong kể, để phục dựng lại hình ảnh của xã hội “thượng lưu” Việt Nam những năm 30 của thế kỷ 20, anh đã lập cả một thư mục tư liệu lấy từ phim tài liệu và ảnh cũ. Từng chi tiết đều phải tham khảo từ người thật việc thật ví dụ như hình dáng chiếc huân chương Bắc đẩu bội tinh, đám ma của một nhà giàu, bìa báo Phụ nữ tân văn cho đến con chó Nhật của bà Phó Đoan... Quá trình đọc lại tác phẩm “không sót chữ nào” và cả những tư liệu về Vũ Trọng Phụng khiến anh tóm được một chi tiết: hóa ra tác giả họ Vũ miêu tả Xuân có khuôn mặt vuông, từ mái tóc tới nét mặt lém lỉnh vô tình thế nào lại rất giống những bức ảnh chân dung của chính ông. Từ đó, Xuân Tóc Đỏ của Thành Phong từ ngoại hình đến gương mặt đều khác Xuân Tóc Đỏ của Quốc Trọng.
Thành Phong bắt đầu nổi tiếng từ việc minh họa sách, thế nhưng anh lại ít nhận những dự án kiểu này. Trước “Số đỏ”, Phong vẽ minh họa cho cuốn tiểu thuyết viễn tưởng “Ác quỷ rừng phế tích” (Aftermath Saga) của tác giả Nam Thanh và không nhận nhuận bút mà chỉ nhận phần trăm từ tiền bán sách như một động thái ủng hộ “con đường khó” của những người cùng hội cùng thuyền.
Thai nghén “Long thần tướng” từ cấp 3
Nói về “con đường khó” của Phong, đó chính là lựa chọn làm họa sĩ truyện tranh, chứ không phải họa sĩ vẽ tranh sơn mài, sơn dầu... như cách mà những sinh viên tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật thường đi.
Phong kể, anh thích truyện tranh từ nhỏ, gần như lớn lên cùng với các câu chuyện của Fujiko Fujio, Osamu Tezuka, Naoki Urasawa... (những tác giả truyện tranh nổi tiếng của Nhật). Cấp 1 Phong đã bắt đầu tập vẽ truyện tranh, và đến cấp ba thì có bản thảo “Long thần tướng” dạng sơ khai. Lúc này, Phong gặp Khánh Dương (người sẽ kề vai sát cánh với anh trên con đường xây dựng thương hiệu truyện tranh Việt sau này), sau khi cho Dương đọc bản thảo, cả hai quyết định sẽ cùng thực hiện tác phẩm này.
Cũng phải nói lại cho rõ, ở thời điểm Phong làm “Long thần tướng”, thị trường tranh truyện Việt Nam gần như là số không, những tác phẩm xuất bản phục vụ bạn đọc đa phần là truyện tranh Nhật Bản. Nói cách khác, Phong đã chọn một con đường chưa có dấu chân, để bước tiếp, chính anh phải tự tìm phương hướng, phá đá, chặt cây, đánh dấu bản đồ... Tôi hỏi Phong lúc ấy nghĩ gì, có ngại ngần không, anh trả lời: “tôi không nghĩ nhiều bởi nếu nghĩ nhiều quá thì không dám đi, chỉ biết nó là một thứ xứng đáng để bỏ tâm huyết”.
Sau này, có người ví, “Long thần tướng” giống như một quả bom, đã đánh thức toàn bộ thị trường truyện tranh ở Việt Nam. Thời điểm năm 2014, khi chưa mấy người biết “gây quỹ cộng đồng” là gì, thì hai thanh niên Phong - Dương đã thành công gây quỹ hơn 300 triệu để in “Long thần tướng”. Thậm chí cho đến tận thời điểm thực hiện tập 5 này, “Long thần tướng” vẫn được coi là dự án gây quỹ cộng đồng thành công nhất. Rồi tiếp nữa, tập 1 của bộ truyện này Long Thần Tướng được ra mắt vào tháng 11/2014, thì đến tháng 2 /2016 đã được Bộ Ngoại giao Nhật Bản lựa chọn từ hơn 300 tác phẩm truyện tranh trên toàn thế giới để trao giải Bạc, cuộc thi International Manga Award lần thứ 9, một trong những cuộc thi truyện tranh uy tín nhất thế giới.
Một trong những lý do khiến “Long thần tướng” được yêu thích, ngoài hình ảnh (đương nhiên) chính là cách mà các tác giả kể lại những câu chuyện lịch sử. Họa sĩ “Sát thủ đầu mưng mủ” nói rằng anh không thích làm nhân vật một chiều. Cho nên, trong “Long thần tướng”, Trần Ích Tắc, một nhân vật phản diện trong lịch sử, lại xuất hiện với CV giỏi cầm, kỳ, thi, họa và thu hút được nhiều nhân sĩ đi theo. Tác giả cũng nói thêm, những chi tiết này không phải “bịa ra” mà được gạn lọc từ trong Đại Việt Sử Kí toàn thư và An Nam Chí lược.
Những dòng sử xơ cứng, nhờ thế, có nhân khí hơn, mỗi nhân vật có số phận, tính cách và được “lý giải” trong cả tương quan với hoàn cảnh xã hội, với những nhân vật khác. Nhờ cái “nhân khí” này người ta không còn ngại đọc sử, kể cả người trẻ, vốn bị định kiến là thiếu kiên nhẫn.
Chỉ có áp lực từ bản thân
Tác phẩm được giải, được quảng bá rầm rộ, ai cũng nghĩ rằng nó sẽ tạo áp lực cho đội ngũ sáng tác, nhất là ở những tập sau. Thế nhưng, Thành Phong khẳng định: “với tôi, trước nay, áp lực chủ yếu vẫn đến từ bên trong”. Anh đặt sự hài lòng của bản thân về tác phẩm và chuyên môn lên trước nhất, trên cả độc giả và nhà xuất bản. “Dĩ nhiên, tôi trân trọng và đánh giá cao vai trò của độc giả và truyền thông. Nhưng họ chỉ là người đến sau, cùng tôi chia nhau kết quả của một dự án sáng tạo. Còn ngay trong quá trình sáng tạo, tôi là người được thưởng thức tác phẩm đầu tiên”.
Suy nghĩ này của Phong khiến tôi nhớ đến Ea Sola Thủy và Hàn Hàn. Tôi từng hỏi biên đạo múa của “Hạn hán và cơn mưa”: chị có nghĩ khán giả sẽ phản ứng thế nào khi chị làm tác phẩm này không? Ea Sola trả lời gần như lập tức: Không, chưa bao giờ có khán giả hay nhà tài trợ xen được vào những dự định sáng tác của tôi. Tôi phải vì mình trước tiên, người sáng tạo nào cũng thế”. Trong một lần khác, khi sang Trung Quốc và gặp cuốn sách của Hàn Hàn (nhà văn nổi loạn, “bất kham” của thế hệ 8X), người bạn đi cùng có dịch cho tôi một câu nói nổi tiếng của anh: “Nếu viết vì độc giả chắc tôi chết lâu rồi. Tôi viết trước hết vì chính tôi”.
Chọn đề tài lịch sử để “khởi nghiệp”, nhiều người hỏi Thành Phong: Có lo ế khách không, mạo hiểm không? Anh bảo: không quan tâm nhiều đến thế. Nếu lúc ấy cứ nghĩ về thu nhập thì không làm được. Và rằng anh làm bất cứ tác phẩm nào cũng với “tâm thế độc lập”. “Nghe độc giả sẽ bị đẽo cày giữa đường”, anh nói.
Nguyễn Thành Phong sinh tại Hà Nội, thuộc thế hệ 8X. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, dù có rất nhiều dự án được biết tới ở nước ngoài nhưng Thành Phong chỉ thực sự nổi danh từ cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”, xuất bản năm 2011, một cuốn sách tập hợp thành ngữ dân gian đương đại.
Các tác phẩm tiêu biểu của anh: “Phê như con tê tê” và ebook, “Nghĩ trước khi bấm còi” gồm 40 bức biếm họa về giao thông, “Thương nhớ thời bao cấp”, “Long Thần tướng”.Sống bằng tranh minh họa
Nhuận bút đầu tiên của cặp đôi Phong – Dương là cho 12 trang truyện “Nhi và Tũn” vào năm 2004. “Lúc ấy được 300 ngàn, hai đứa chia nhau, Dương đưa hết nhuận bút cho tôi để mua máy scan”. Về sau có lần Dương vui miệng kể, anh đã hiến toàn bộ nhuận bút đầu tiên cho Phong mua máy. Lớp họa sĩ mới vào nghề mắt chớp chớp tưởng tượng ra một con số đáng kể nào đó, không ai nghĩ nó là 300 ngàn.
Sau “Nhi và Tũn”, Phong - Dương làm “Long Thần tướng” ngay. Bản in đầu tiên xuất hiện từ năm 2004. Bản 2014 sau này được coi là phiên bản thứ ba.
Bố mẹ Phong đều là giảng viên mỹ thuật (bố là một nhà điêu khắc và mẹ là giảng viên hội họa). Ban đầu, khi anh tốt nghiệp, “ông già” còn xui học lên thạc sĩ đi, tiến sĩ đi. Thấy ông con dầu muối không ăn, chỉ nhất quyết đi làm truyện tranh, bố mẹ cũng chán, để tự nó.
Hơn chục năm theo đuổi con đường họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp, Thành Phong vẫn sống chủ yếu dựa vào tiền làm dự án và vẽ minh họa. “Làm “Long Thần tướng” một năm thu nhập bằng một tháng làm minh họa”. Anh chia sẻ.