Giới hạn nào cho con người

Giới hạn nào cho con người
TP - Tính toán của các nhà khoa học cho biết các VĐV đã đạt đến 99% giới hạn về mặt sinh lý học. Theo họ, con người đã đạt đến ngưỡng giới hạn và không thể “cao hơn, nhanh hơn, xa hơn” như khẩu hiệu tại các kỳ Olympic.

> Nhịp đập Olympic ngày 23-7

Con người đã nhiều lần vượt ngưỡng giới hạn theo tính toán của các nhà khoa học. Ảnh: Getty Images
Con người đã nhiều lần vượt ngưỡng giới hạn theo tính toán của các nhà khoa học. Ảnh: Getty Images.

Theo Geoffroy Berthelot - giáo sư tại Viện nghiên cứu thể thao INSEP ở Paris (Pháp) - đến năm 2027, một nửa trong số 147 môn thể thao đã đạt đến giới hạn.

Những kỷ lục sẽ không xuất hiện thường xuyên mà thành tích thi đấu sẽ chỉ tăng lên khoảng 0,05% có nghĩa là sự xê dịch về thành tích cũng có xuất hiện nhưng chỉ ở một mức độ rất nhỏ.

Những con số trên dựa trên một nghiên cứu quy mô về 3.263 kỷ lục thế giới lập được trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 20 đến nay ở 5 môn thi đấu là điền kinh, bơi lội, đua xe đạp, trượt băng tốc độ và cử tạ. Các chuyên gia cũng dự báo kỷ lục nhảy xa 8,95m mà VĐV Mike Powell của Mỹ lập được năm 1991 sẽ chỉ bị phá vào khoảng năm 2040.

Tuy nhiên, có một ngoại lệ đó là môn bơi. Nhờ công nghệ cao được sử dụng trong những chiếc áo bơi mà kỷ lục ở môn này nở rộ. Theo thống kê, tại Olympic Bắc Kinh 2008 có 25 kỉ lục thế giới bị phá. Riêng Michael Phelps phá đến 7 kỷ lục thế giới, đoạt 8 HCV tại Olympic 2008. Còn năm 2009, có tới 47 kỷ lục đã bị phá.

Trước hiện tượng “loạn kỷ lục” như vậy, Liên đoàn bơi quốc tế FINA đã phải áp dụng lệnh cấm sử dụng các đồ bơi công nghệ cao kể từ năm 2010. Kể từ thời điểm đó, thành tích môn bơi thụt lùi hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, giới nghiên cứu lại khó lý giải trước “hiện tượng” Usain Bolt. “Tia chớp đen” này đã lập nên kỷ lục 9,58 giây ở cự ly 100m, vốn được coi là “vua của mọi cự ly”.

Cách đây vài chục năm, các nhà khoa học khẳng định con người không thể chạy 100m quá 10 giây nhưng ở thời điểm hiện tại thành tích trung bình của 25 VĐV tham gia cự ly này tại Olympic London 2012 đều dưới 10 giây.

Nói vậy để thấy, con người luôn có những sức mạnh tiềm ẩn để có thể làm nên điều kỳ diệu trong những thời điểm nhất định. Thế nên mọi nghiên cứu khoa học nêu ra chỉ mang tính giả định bởi giới hạn của con người sẽ không ngừng thay đổi tùy theo những biến đổi về thể chất.

Bởi thế, mà kỷ lục 100m của Usain Bolt được kỳ vọng sẽ bị phá tại Olympic London 2012. Nên nhớ, tia chớp Jamaica không phải người chạy nhanh nhất trong năm 2012 (chỉ đạt 9,76 giây). Một cột mốc mới sẽ được lập nên và cái ngưỡng 9,4 giây/100m chưa chắc đã phải điểm tới hạn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG