> Agribank hỗ trợ 26 tỷ đồng chương trình an sinh xã hội cho tỉnh Hà Giang
“Cõng” vốn lên non
Không quản ngại khó khăn vất vả, nhiều cán bộ tín dụng Agribank đã đi xe máy 4 – 5 giờ để đến những thôn, bản giải ngân nguồn vốn cho bà con dân tộc đầu tư vào sản xuất. Tại Agribank chi nhánh Yên Minh, 4 cán bộ tín dụng phụ trách 18 xã, dư nợ bình quân của một cán bộ tín dụng là 13 tỷ đồng với vài chục khách hàng.
Tuy có khó khăn vất vả nhưng niềm vui được nhân lên bội phần khi đồng vốn ngân hàng đang ngày một phát huy tác dụng xóa đói giảm nghèo.
Anh Nguyễn Kiên, cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Đồng Văn cho biết, cán bộ tín dụng miền núi, đi thu nợ ở các thôn, bản xa thường phải ở lại cả tuần, ăn, ở nhờ tại trụ sở UBND xã. Phương tiện đi lại là xe máy, đường xa lại là đường núi xe rất nhanh hỏng.
Khá bất ngờ khi tiếp cận những con số của Agribank chi nhánh Yên Minh, một huyện miền núi nghèo vùng biên cương tổ quốc mà nguồn vốn huy động trên địa bàn lại gấp đôi con số dư nợ tín dụng.
Giám đốc Agribank chi nhánh Yên Minh Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, để đạt được con số nguồn vốn đạt 107 tỷ đồng, so với dư nợ 51 tỷ đồng (tính đến 19-9-2012) là cả một sự nỗ lực, cố gắng của hơn 14 cán bộ chi nhánh trong thời gian qua để có nguồn vốn phục vụ cho vay phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Agribank chi nhánh Đồng Văn cũng đạt được con số ấn tượng về huy động vốn như ở Yên Minh. Giám đốc Agribank chi nhánh Đồng Văn , Phí Duy Tân cho biết, tính đến 13-9-2012 tổng dư nợ của chi nhánh đạt hơn 42 tỷ đồng, nguồn vốn đạt hơn 85 tỷ đồng.
Thoát nghèo
Chị Chu Thị Vuông vay 250 triệu đồng để làm trang trại chăn nuôi lợn, gà và kết hợp trồng rừng. Từ một hộ nghèo nhờ đồng vốn Agribank mà gia đình chị Vuông đã thoát nghèo.
Bên cạnh đồng vốn của Agribank thì việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt là không thể thiếu như: Chuồng trại phải thoáng, mát vào mùa hè, kín gió vào mùa đông. Đặc biệt, không thể thiếu khâu tiêm phòng cho lợn, gà, xử lý tiệt trùng chuồng trại… ” chị Vuông tâm sự.
Bên cạnh gia đình chị Vuông gia đình chị Ly Mí Lúa, chị Ly Nhè Thào ở xã Hữu Vinh huyện Yên Minh cũng cùng vay 30 triệu đồng để chăn nuôi gia súc và thoát nghèo.
Nhờ sự “tiếp sức” đồng vốn của Agribank mà những nương ngô trên những sườn núi đá tai mèo xám xịt của cao nguyên đá đan xen thêm màu xanh, tô điểm thêm cho vẻ đẹp hùng vĩ của Công viên địa chất toàn cầu đã được UNESCO công nhận vào tháng 10-2010.
Anh Nguyễn Văn Ngán thôn Lài Cò – thị trấn Đồng Văn vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi. Từ số tiền vay lúc đầu 10 – 20 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi, cuộc sống gia đình anh Ngán đã được cải thiện đáng kể, tiền bán ngựa, bò đã giúp anh trả được vốn vay ngân hàng, có tích lũy để mua xe máy, ti vi và tăng đàn gia súc. Dư nợ hiện nay của anh Ngán tại Agribank chi nhánh Đồng Văn là 45 triệu đồng.
Hộ ông Hoàng Quốc Quân, xóm Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn cũng đã thoát nghèo, nuôi được 3 con học Trung cấp nhờ đồng vốn vay Agribank để đầu tư sản xuất, chăn nuôi.
Nhìn cơ ngơi đã thoát nghèo của gia đình người dân tộc Tày này với 3 con trâu, trong chuồng có vài con lợn, nhà có ti vi, xe máy, nuôi được các con ăn học, mới thấy được giá trị đồng vốn Agribank mang lại cho người nghèo nơi đây.
Giá trị một con trâu tại thời điểm này vào khoảng 20 – 30 triệu đồng, làm một phép tính nhẩm cũng thấy của ăn, của để của gia đình ông Quân cũng không phải nhỏ.
Trong chuyến công tác tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn mới đây, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo đã chỉ đạo các chi nhánh trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng tín dụng “Phải tiến hành điều tra và nắm bắt nhu cầu vay vốn của các thành phần. Bám sát cơ cấu kinh tế ở địa phương, tích cực huy động vốn dân cư trên địa bàn để đầu tư vốn cho phát triển kinh tế góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con cao nguyên đá Đồng Văn…”, ông Bảo nhấn mạnh. |