Gieo mầm xanh trên đỉnh Xà Phìn

Nụ cười của các em khi trường mới được trang bị những đồ dùng học tập, sinh hoạt mới.
Nụ cười của các em khi trường mới được trang bị những đồ dùng học tập, sinh hoạt mới.
TP - Ðường lên Xà Phìn (xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) dốc đá dựng đứng nối tiếp nhau ngút tầm mắt. Sau những cơn mưa như trút, mặt đường trơ lại sỏi đá, những con thác đua nhau gào thét, dữ dội. Chỉ có một màu xanh của núi rừng là vẫn bạt ngàn, tươi mát khiến nỗi sợ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.

Có những đoạn đường cả người cầm lái và người ngồi phía sau trở nên im bặt, tay xiết chặt lấy eo, tiếng thở cũng lặng đi. Có những đoạn đường, chúng tôi cảm giác như đang ngồi trên xe ngựa. Sỏi đá hiên ngang nằm lăn lóc khắp nơi như muốn hất văng bánh xe khỏi mặt đường.

Ðể tới được điểm trường Xà Phìn để thực hiện dự án “Hy vọng” là cả sự thách thức, đặc biệt với 5 cô gái vừa bước ra từ đêm Chung khảo phía Bắc HHVN 2018.

Ấn tượng bản vùng cao

Thí sinh Nguyễn Hoàng Bảo Châu (SBD 169) miêu tả: “Có thể nói đây là con đường đáng sợ nhất mà em từng đi qua. Sự gập ghềnh, khúc khuỷu cộng thêm sự lầy lội, trơn trượt do mưa bão càng khiến cho con đường trở thành mối đe dọa lớn. Chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể gặp nguy hiểm khi một bên đường là vách núi, một bên là vực thẳm”.

“Em thoáng nghĩ tới những đêm mưa giông, gió rét, có ông bà lão ốm nặng, những đứa trẻ lên cơn hen, cơn sốt hay bà bầu lên cơn đau trở dạ, mà thấy cay mắt. Bác trưởng thôn cười thật hiền: “Bà con vẫn đi đó chứ, từ đây tới bệnh viện chừng chục cây số...”- thí sinh Phạm Ngọc Linh (SBD 569) rưng rưng xúc động.

Ðiểm đầu tiên 5 thí sinh HHVN đặt chân tới là  lớp học mầm non tạm của thôn Xà Phìn. Nói là lớp học nhưng thực chất đó là căn nhà cấp 4 của gia đình bác trưởng thôn vì thương bọn trẻ mà nhường lại. Trước đây, căn nhà được dùng làm hàng quán để gia đình bác mưu sinh. Ðiểm học tạm của bọn trẻ là một căn phòng nhỏ chừng 10 mét vuông, một chiếc bảng chữ cái đã sờn cũ, dăm ba chiếc ghế nhựa chắp vá đặt bên khung cửa sổ hướng ra những khoảnh ruộng - nguồn ánh sáng duy nhất của cả lớp học. Nơi đây, lưới điện quốc gia chưa kéo tới.

“Theo lời 2 cô giáo Vân và Huệ, các em nhỏ học tại lớp đều là người Dao, từ 3-5 tuổi. Hàng ngày đến lớp, các em đều được bố mẹ chuẩn bị cơm nắm đem theo. Ở lớp các bé cũng chỉ trò chuyện, ăn, nghỉ trưa, và chơi các trò chơi đơn giản. Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu giáo cụ trực quan cũng hạn chế rất nhiều cho hoạt động của cả cô và trò”- thí sinh Vũ Hương Giang (SBD 462) kể lại.

Sau khi khảo sát điểm trường, theo con đường dốc đá, các cô gái đi bộ ngược lên bản. Ðược biết đây cũng chính là con đường mà các em nhỏ đến lớp hàng ngày. Con đường ngắn nhưng độ dốc cao nên chỉ một chốc là mọi người thấm mệt. Một bé gái chừng 5 tuổi thấy vậy liền đưa tay ra, kéo tay một thí sinh dẫn đi. Ðến nửa đường, có nhiều bé chạy đến nhìn tò mò, sau đó tươi cười đi theo. Có bé đi chân đất, có bé đi đôi dép đã rách.

“Trên đường lên bản, trò chuyện với bác trưởng thôn, em được biết có 25/30 trẻ em theo học lớp mầm non. 5 em còn lại vì nhà xa, bố mẹ lại không biết chữ nên rất khó vận động cho các bé đến lớp. Nghe vậy, em thầm nhủ: Chúng em làm xong ngôi trường mới này, hy vọng cả 30 bé sẽ được đi học, không bé nào bị tụt lại phía sau”- thí sinh Vũ Hương Giang trăn trở.

Diễn biến bất ngờ không nằm trong kế hoạch dự án là việc ao cá nhà ông Tương Văn Chóng mất trắng sau một đêm mưa lớn, hơn 70kg cá lớn nổi trắng mặt ao. “Mất ao cá rồi, mất khoảng 14 triệu đồng”- ông Tương Văn Chóng nghẹn lời. Sự việc này khiến cả e-kip thực hiện dự án “Hy vọng” bối rối và xót xa. 14 triệu đồng có thể là cả gia tài của bà con dân bản nơi đây. Ngay lúc đó, các cô gái đã trao đổi và quyết định quyên góp mỗi người một chút để chia sẻ mất mát với gia đình ông Chóng.

Gieo hy vọng và hẹn ngày trở lại

Xà Phìn mưa liên tục như thách thức sự bản lĩnh và tấm lòng của những thí sinh HHVN thực hiện dự án “Hy vọng” ở nơi đây. Những cô gái luôn  sẵn sàng, chỉ đợi mưa ngừng rơi là cầm cuốc, xẻng, trộn vữa, vận chuyển vật liệu xây dựng và san phẳng con đường nhòe nhoẹt bùn đất.

Gieo mầm xanh trên đỉnh Xà Phìn ảnh 1

Các thí sinh lên kế hoạch thực hiện dự án “Hy vọng”: Xây dựng điểm trường mầm non tại bản Xà Phìn.

Buổi tối, quây quần bên bếp lửa, các thí sinh cùng trò chuyện với bà con dân bản, chơi đùa cùng bọn trẻ và học cách đan sợi dây thổ cẩm truyền thống của người Dao. “Những đứa trẻ Xà Phìn đều đen nhẻm, mái tóc chuyển màu đỏ do nắng gắt vùng cao. Sau một thoáng ngượng ngùng, bẽn lẽn, chúng cười đùa, trò chuyện líu lo cả bằng tiếng Kinh và tiếng Dao. Sự hoạt bát, trong sáng, hồn nhiên đó tiếp thêm động lực để chúng em sớm xây dựng xong ngôi trường”- thí sinh Phạm Thị Luyến (SBD 202) nói.

Dù đã rất nỗ lực nhưng các thí sinh phải bàn giao lại dự án vì ngôi trường chưa thể hoàn thiện trong một thời gian quá ngắn, thời tiết bất lợi. Ngày về còn nhiều trăn trở, trong ánh mắt vui vẫn thoáng suy tư.

Trong nhật kí hành trình của thí sinh Vũ Hương Giang có đoạn viết: “Buổi lễ bàn giao trường mầm non Xà Phìn cũng là ngày chúng em chia tay tụi nhỏ. Biết các chị sẽ về, một bé gái nét mặt thoáng buồn, ngập ngừng hỏi: “Các chị về rồi có lên với bọn em nữa không?” -“Các chị sẽ trở lại chứ. Trong lúc đó em hãy chăm đến lớp, cố gắng học giỏi, nghe lời bố mẹ, rồi chị sẽ quay lại”.

Ðường về, cả thôn  ra tiễn chúng em. Dù chia tay nhưng ai cũng vui vì Xà Phìn đã có một ngôi trường mầm non mới. Dù ngôi trường còn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng chúng em đều tin chắc ngôi trường mới sẽ rất đẹp và sẽ rực rỡ sắc màu trong ngày khai giảng. Ở đó là các cô bé, cậu bé của bản Xà Phìn ngồi vui chơi cất tiếng cười, tiếng hát vui vẻ”.

Vừa đặt chân tới UBND xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, câu chuyện nhà ông Tương Văn Chóng (ở thôn Xà Phìn) mất trắng ao cá vì cơn mưa đêm trước xôn xao một góc. Ê-kip thực hiện Dự án nhân ái của cuộc thi HHVN ở cùng với gia đình ông Chóng mấy ngày qua cứ ngẩn ngơ tiếc và xót xa. 

Chắp cánh những ước mơ

“Suốt những ngày ở đây, chúng tôi được tặng những chiếc vé về tuổi thơ, đến mức thuộc tên hầu hết những đứa trẻ khắp thôn bản. Tôi thích mân mê mái tóc của các bé gái, tết cho các em các kiểu điệu đà. Tôi thích nhìn ngắm các em mỗi khi giương đôi mắt to tròn nghe những “câu chuyện thành phố”, chuyện máy bay, chuyện những miền đất các em chưa một lần đặt chân, hay thậm chí chưa nghe tên. Các em đều có ước mơ, đứa mơ làm cô giáo, đứa muốn làm tiếp viên hàng không giống tôi để bay tới nhiều vùng đất mới. Những ước mơ ấy, chúng đẹp vô ngần, và chúng tôi hạnh phúc lắm khi được góp phần chắp cánh cho những ước mộng đó. Tôi tự hỏi: Các em học ở tôi, hay chính chúng tôi đang được các em dạy về lòng yêu thương chân thành và sự lạc quan trước mọi hoàn cảnh? Bài hát “đi học” cứ vang lên trong đầu tôi, ngân nga hoà lẫn cả tiếng gió, tiếng suối, tiếng cười con trẻ, tiếng người Dao mới quen đã thấy thân thương gần gũi: “Hầu nhảu ti đọi thăng bủ đung đủng bêu” - Xin cảm ơn, cảm ơn vì bà con đã giúp đỡ!”- thí sinh Phạm Ngọc Linh (SBD 569) chia sẻ.

MỚI - NÓNG