Giao lưu trực tuyến 'Phòng dịch COVID-19: An toàn cho người bệnh'

Lãnh đạo Báo Tiền Phong tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến. Ảnh: Phạm Duy
Lãnh đạo Báo Tiền Phong tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến. Ảnh: Phạm Duy
TPO - Báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phòng dịch COVID-19: An toàn cho người bệnh” vào 10 giờ sáng ngày 9/12 tại trụ sở Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.
Giao lưu COVID-19 ngày 9/12

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

09/12/2020 10:14

Người mắc COVID- 19 cần có chế độ dinh dưỡng thế nào để nhanh hồi phục?

Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

 Người bệnh COVID-19 cần được cung cấp các bữa ăn đầy đủ. Các bữa ăn đảm bảo nóng, ngon miệng, đủ dinh dưỡng và dễ tiêu hoá, có thể được chế biến ở dạng lỏng, nhuyễn, mềm hoặc thông thường nếu người bệnh nhai tốt.

Các bữa ăn cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu có thể, nên tìm hiểu xem người bệnh có thể ăn gì, thích ăn gì (người bệnh lựa chọn thực đơn ưa thích, dựa trên những thực đơn sẵn có) để giúp người bệnh ăn được nhiều hơn, cân bằng giữa nhu cầu dinh dưỡng mà người bệnh cần đạt được với sở thích ăn của từng người.

Ưu tiên sử dụng các thực phẩm cao năng lượng và giàu dưỡng chất, các chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cao, đạm cao năng lượng, tăng cường vitamin và chất khoáng. Việc bổ sung vitamin và khoáng chất giúp hỗ trợ hệ miễn dịch phục hồi và rút ngắn thời gian điều trị bệnh, góp phần giảm nhẹ triệu chứng bệnh.

Trong giai đoạn hồi phục khuyến khích người bệnh ăn được nhiều nhất có thể theo khả năng của họ. Chế độ ăn nên có sẵn ở các dạng: ăn cơm, ăn mềm (cháo, bún, miến, phở), ăn lỏng (soup) để phù hợp với lựa chọn theo tình trạng bệnh của người bệnh. Hầu hết người bệnh COVID-19 sẽ mất vị giác, ăn không ngon miệng, do vậy những dạng thức ăn mềm hoặc lỏng sẽ giúp người bệnh tiêu hóa và dung nạp tốt hơn. Chia nhỏ bữa ăn, ăn làm nhiều lần sẽ giúp người bệnh dung nạp tốt hơn.

Giao lưu trực tuyến 'Phòng dịch COVID-19: An toàn cho người bệnh' ảnh 1 Nhà báo, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong tặng hoa các vị khách mời tại buổi tọa đàm trực tuyến

09/12/2020 10:16

Xin bác sỹ cho biết, người đang bị ho, sốt, khó thở mới chỉ nghi ngờ bị bệnh COVID-19 chưa có khẳng định chắc chắn thì phải áp dụng hình thức cách ly nào, thời gian cách ly trong bao lâu và tại sao?

TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW: Trường hợp này nếu không có yếu tố nguy cơ thì phải cách ly đến khi có xét nghiệm âm tính khẳng định không nhiễm COVID-19. Nếu có yếu tố nguy cơ thì phải cách ly tại cơ sở y tế đến hết 14 ngày.

09/12/2020 10:17

Khi bị mắc COVID-19 có phải kiêng tắm không?

Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

 Tắm là vệ sinh cá nhân cần thiết hàng ngày nhằm làm sạch cơ thể, loại bỏ các vi sinh vật không có lợi phơi nhiễm trên da hàng ngày đồng thời giúp cho mỗi người thoải mái, sảng khoái tinh thần giúp cho họ không bị các nhiễm khuẩn cơ hội.

Người bệnh COVID-19 không phải kiêng tắm. Tuy nhiên, khi tắm, cần tránh gió lùa và nên tắm với nước ấm, không tắm bồn hoặc ngâm mình trong nước. Nếu người bệnh không tự tắm được, người chăm sóc dung khăn ấm lau cơ thể người bệnh nhằm giữ vệ sinh cơ thể, tránh nhiễm trùng.

09/12/2020 10:21

Tại sao người đi về từ vùng có dịch dù không có biểu biện bị bệnh hoặc nghi ngờ tiếp xúc với mầm bệnh vẫn phải tiến hành cách ly?

TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW: Người trở về từ vùng dịch là những người có nguy cơ tiếp xúc với người mắc bệnh mà không có triệu chứng. Sau khi tiếp xúc thì cần có thời gian ủ bệnh, không có triệu chứng do vậy vẫn phải thực hiện cách ly để phòng trường hợp người bệnh trong thời gian ủ bệnh không có triệu chứng.

09/12/2020 10:22

Giao lưu trực tuyến 'Phòng dịch COVID-19: An toàn cho người bệnh' ảnh 2 Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
Em nghe nói COVID- 19 sợ nhiệt độ cao, em dùng dầu nóng tẩm vào khẩu trang để tránh lây nhiễm COVID-19 có được không?

Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

  Việc tẩm dầu nóng vào khẩu trang không giúp ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19, mà ngược lại còn gây ảnh hưởng đến niêm mạc mũi, miệng. Thực hành đúng là tuân thủ đeo khẩu trang đúng cách, khẩu trang vải phải được giặt sạch mỗi ngày, vệ sinh tay thường xuyên và không đưa tay lên mắt, mũi miệng.

09/12/2020 10:23

Tôi đi khám thấy các bệnh viện có khu vực tiếp nhận và khám riêng cho bệnh nhân có dấu hiệu ho, sốt hay nghi ngờ đi về từ vùng có dịch. Thế nhưng trước khi bệnh nhân đến các khu vực đó thì tập trung cùng các bệnh nhân khác để chờ phân loại. Đây có thể là nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho những bệnh nhân và người nhà không? Tôi phải làm những biện pháp gì để tránh lây nhiễm khi xếp hàng chờ phân loại và khám bệnh?

TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW: Theo quy định phòng chống dịch COVID-19, khi người bệnh đến bệnh viện thì ngay từ cổng vào đã phải khai báo các vấn đề về dịch tễ liên quan đến COVID-19, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn.

Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ sẽ được đưa đi theo lối riêng đến phòng khám riêng. Chính vì thế, khi có yếu tố dịch tễ mà đến bệnh viện khám thì nên khai báo ngay từ cổng vào để đi đến khu khám bệnh riêng, hạn chế lây nhiễm cho người khác.

09/12/2020 10:24

Khi bị mắc COVID-19 em có nên vận động - tập thể dục để nhanh chóng hồi phục sức khỏe không, hay phải nghỉ ngơi toàn diện?

 Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

Vận động – tập thể dục đều đặn giúp tăng cường hệ miễn dịch và tránh bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, người bệnh COVID-19 cần được nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động thể chất có thể làm tăng nhịp tim nhiều. Nếu cần, người bệnh có thể tập hít thở.

09/12/2020 10:26

Những cách đo thân nhiệt nào thường được áp dụng trong phòng chống dịch và độ tin cậy của các phương pháp ấy như thế nào?

TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW: Hiện nay, có nhiều thiết bị đo nhiệt độ cơ thể được sử dụng trong bệnh viện  cũng như phòng chống dịch. Trong phòng chống dịch thì cần thiết phải đo thân nhiệt nhanh với số lượng lớn cho nên thường sử dụng máy đo thân nhiệt điện tử. Các thiết bị này trước khi đưa vào lưu hành đã được kiểm định tính chính xác. Do vậy, hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng các thiết bị đo điện tử thường sử dụng trong phòng chống dịch.

09/12/2020 10:27

Em làm công việc ship hàng, hay chạy vào bệnh viện, mỗi lần vào như vậy, em phải làm gì để tránh bị nhiễm vi khuẩn?

Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

  Trước hết phải biết rằng lây nhiễm SARS-CoV-2 chủ yếu qua đường tiếp xúc và giọt bắn do vậy, việc có phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp là rất quan trọng. Bạn cần tuân thủ quy định của bệnh viện và Bộ Y tế, cụ thể: đeo khẩu trang, khai báo y tế, sát khuẩn tay (tốt nhất là trước khi vào và trước khi rời khỏi bệnh viện), không đưa tay lên mắt, mũi miệng. Khi về nhà, bạn lau khử khuẩn tay lái, yên xe, chìa khoá xe, điện thoại. Tắm rửa, thay đồ.

09/12/2020 10:28

Giao lưu trực tuyến 'Phòng dịch COVID-19: An toàn cho người bệnh' ảnh 3 TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW
Khi nào cần dùng khẩu trang y tế N95 để dự phòng lây nhiễm COVID-19?

TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW: Khẩu trang y tế N95 thường được dùng trong những trường hợp tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất cao qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19. Do vậy, thường sử dụng khẩu trang này cho những nhân viên y tế làm nhiệm vụ khám và điều trị trực tiếp cho bệnh nhân.

09/12/2020 10:32

Em làm bảo vệ ở bệnh viện, nhiều người khuyên em, ngoài việc rửa tay sát khuẩn thường xuyên thì sau khi về nhà phải luộc quần áo để tiệt trùng, xin bác sĩ cho biết có cần thiết phải làm như vậy không?

 Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

 Vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 rất dễ dàng bị tiêu diệt bởi các hoá chất tẩy rửa thông thường tại gia đình, như xà phòng giặt đồ. Do đó, bạn không cần thiết phải luộc quần áo.

Đi làm về, bạn cần tắm rửa, thay đồ; giặt đồ ngay bằng xà phòng có chất tẩy rửa (như OMO, Tide, Ariel,…). Điều quan trọng là bạn phải tắm rửa, thay đồ mới, giặt đồ cũ mỗi ngày, tuyệt đối không được sử dụng một bộ đồ cho nhiều ngày.

09/12/2020 10:33

Dung dịch rửa tay khô phải bảo đảm điều kiện gì mới có thể sử dụng để rửa tay khô phòng lây nhiễm COVID-19?

 TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW:

 Dung dịch rửa tay khô có chứa cồn được cấp phép bởi Bộ Y tế thì có thể sử dụng để rửa tay khô phòng lây nhiễm COVID-19.

09/12/2020 10:35

COVID-19, SARS-CoV và MERS-CoV đều là virus corona, người bị SARS hoặc MERS đã khỏi bệnh có bị bệnh do COVID-19 nữa hay không?

 Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

  Cả ba bệnh đều do vi rút có họ corona gây bệnh, tuy nhiên, là do 3 vi rút khác nhau. Do đó, không có miễn dịch chéo giữa 3 bệnh này, cũng như không có miễn dịch suốt đời cho cả 3 bệnh. Người bị SARS hoặc MERS đã khỏi bệnh vẫn có bị bệnh COVID-19.

09/12/2020 10:36

Giao lưu trực tuyến 'Phòng dịch COVID-19: An toàn cho người bệnh' ảnh 4 TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW
Cần vệ sinh nhà cửa như thế nào để hạn chế lây nhiễm COVD-19?

TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW: Vệ sinh nhà cửa rất quan trọng trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Vệ sinh nhà cửa cần đảm bảo các yếu tố sau: Thứ nhất, hàng ngày nên mở cửa 30 phút đến 1 tiếng để đảm bảo thông khí tốt, giảm bớt các nguy cơ mầm bệnh trong phòng. Thứ hai, cần vệ sinh sàn nhà, các vật dụng trong phòng, tay nắm cửa... bằng cồn hoặc các dung dịch sát trùng khác. Đặc biệt khi trong gia đình có người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

09/12/2020 10:39

Xin hỏi bác sỹ là bố tôi bị tai biến, phải nằm điều trị thời gian dài trong bệnh viện. Vậy tôi cần làm những biện pháp gì để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 khi ngày nào cũng phải đi lại, ăn ngủ trong bệnh viện?

TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW: Để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 khi ngày nào cũng phải đi lại, ăn ngủ trong bệnh viện cần thực hiện tốt các quy định của bệnh viện về phòng chống dịch như: đeo khẩu trang thường xuyên, sát khuẩn tay, giữa khoảng cách với người khác, không tập trung đông người…

09/12/2020 10:41

Giao lưu trực tuyến 'Phòng dịch COVID-19: An toàn cho người bệnh' ảnh 5 Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng
Tôi đọc thấy thông tin một số người bị tái dương tính nhưng chỉ còn xác virus, không thể lây bệnh cho người khác. Vậy tôi muốn hỏi người bị bệnh do COVID-19 một lần đã khỏi có bị lại bệnh này nữa không?

Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

  Thứ nhất, hiện nay chưa có bằng chứng cho thấy người bị tái dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 không thể lây bệnh cho người khác.

Thứ hai, ngay cả người bệnh COVID-19 một lần cũng không thể có miễn dịch suốt đời. Sau khi khỏi bệnh, người đó có kháng thể, tuy nhiên kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian tuỳ theo người nên họ vẫn có thể tái nhiễm bệnh.

09/12/2020 10:41

Xin hỏi bác sỹ là COVID-19 có lây qua đường máu không ạ?

TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW:

  Đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về việc COVID-19 có thể lây qua đường máu.

09/12/2020 10:42

Tôi đang mang thai ở tháng thứ 5 của thai kỳ và hết sức lo lắng khi đọc về những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Bác sỹ cho tôi hỏi là nếu không may mắc COVID-19, khi điều trị các loại thuốc hoặc virus SARS-CoV-2 có khiến thai nhi bị chậm phát triển hay gây quái thai không ạ?

  TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW:

Khi đang mang thai thì tốt nhất thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch để tránh mắc bệnh. Khi điều trị các loại thuốc kháng virus thì chưa có bằng chứng an toàn với người mang thai. Thuốc kháng virus là thuốc ức chế nhân lên của virus nên có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi đặc biệt trong 3 tháng đầu.

09/12/2020 10:42

Giao lưu trực tuyến 'Phòng dịch COVID-19: An toàn cho người bệnh' ảnh 6  
Một thông tin từ Bộ Y tế là 40% người mắc COVID-19 không có biểu hiện bệnh, vậy bác sỹ có thể cho biết những triệu chứng điển hình của người mắc COVID-19?

Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

 Người mắc COVID-19 có các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng thường gặp nhất, gồm: sốt, ho khan, khó thở. Các triệu chứng khác như: mệt mỏi, đau nhức, đau họng, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy, … Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh.

09/12/2020 10:43

Tôi đang tự theo dõi vì nghi ngờ mình bị nhiễm COVID-19, khi có dấu hiệu gì thì tôi phải báo ngay cho cơ quan y tế?

Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

Bạn cần báo ngay cho cơ quan y tế khi: có tiếp xúc với người nhiễm/nghi nhiễm COVID-19, hoặc có đến/ở/về các địa điểm dịch tễ mà cơ quan y tế thông báo có người nhiễm COVID-19 hoặc bạn có sốt, ho, khó thở mà không rõ nguyên nhân.

09/12/2020 10:44

Để khẳng định chắc chắn bị bệnh do COVID-19 thì cần làm những xét nghiệm gì?

Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

  Bạn cần được xét nghiệm phân tử, có tên là kỹ thuật Realtime RT-PCR tìm SARS-CoV-2.

09/12/2020 10:45

Tại sao có người nhiễm COVID-19 thì bị bệnh, có người không bị bệnh? Khái niệm người lành mang virus được hiểu như nào? Và virus từ người lành ấy có thể không khiến người mang nó phát bệnh nhưng lại lây nhiễm sang người khác được không?

TS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa nội nhiễm Bệnh viện Nhi TW: Khi tiếp xúc với COVID-19 hay bất kì loại virus, vi khuẩn nào khác thì đều có thể xảy ra tình trạng có người mắc bệnh, có người không mắc bệnh.

Nguy cơ mắc bệnh phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch, sức khoẻ của từng người, thời gian tiếp xúc với người bệnh, khoảng cách với người bệnh khi tiếp xúc. Không phải ai tiếp xúc với người bệnh cũng sẽ mắc bệnh nhưng đều có nguy cơ mắc bệnh. Người lành mang virus có nghĩa là người đó có thể đã nhiễm virus nhưng hoàn toàn không có triệu chứng của bệnh do virus đó gây nên. Người mang virus mà không có triệu chứng hoàn toàn có thể thải virus, vi khuẩn ra môi trường và đây sẽ là nguồn lây cho những người xung quanh.

09/12/2020 10:45

Giao lưu trực tuyến 'Phòng dịch COVID-19: An toàn cho người bệnh' ảnh 7  
 Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng
Nếu chỉ ho, sốt, khó thở nhẹ tôi có phải đi bệnh viện không? Và nếu đi thì có nên đến thẳng các bệnh viện lớn để có thể khám và làm luôn được xét nghiệm tìm COVID-19 nếu cần thiết?

 Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Điều dưỡng – Dinh dưỡng – Kiểm soát nhiễm khuẩn - Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):

 Nếu bạn bị ho, sốt, khó thở không rõ nguyên nhân thì bạn cần đến bệnh viện gần nhất. Bạn nên gọi điện cho bệnh viện trước khi đến. Khi đi, bạn cần đeo khẩu trang và tốt nhất là di chuyển bằng phương tiện cá nhân, không nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế để "Mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, mỗi cán bộ y tế là một chiến sĩ chống dịch COVID-19", nhiều bệnh viện đã tái khởi động và triển khai đồng loạt nhiều biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, hướng đến mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả điều trị chăm sóc sức khỏe cho người bệnh vừa bảo đảm an toàn cho người bệnh, người nhà và cán bộ y tế.

Ngoài việc khai báo y tế online, đo thân nhiệt trực tiếp, bệnh viện cũng bố trí các bàn khai báo y tế ngay tại khu vực nhà để xe, sảnh các tòa nhà, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn để thuận tiện cho người dân khai báo tại đây.

Cùng với đó cán bộ y tế và người bệnh cũng được tuyên truyền để cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COIVD-19. Các chốt sàng lọc trực 24/24h, kiểm tra thân nhiệt và thông tin y tế, sàng lọc 100% người ra, vào bệnh viện, kể cả cán bộ y tế. 100% người đến bệnh viện được yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn tay.

Ngoài ra, để hạn chế tối thiếu các nguy cơ lây nhiễm, việc vào thăm người bệnh cũng được điều chỉnh để phù hợp hơn với công tác khám chữa bệnh và phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 và đảm bảo an toàn cho người bệnh. 

Để giúp người dân khi đến khám chữa bệnh các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám ... có thêm kiến thức phòng chống dịch bệnh COVID-19, Báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phòng dịch COVID-19: An toàn cho người bệnh” vào 10 giờ sáng ngày 9/12 tại trụ sở Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Khách mời:

- ThS Hà Thị Kim Phượng - Trưởng phòng Điều dưỡng, Tiết chế và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế).

- TS Đỗ Thiện Hải - Trưởng khoa Nội nhiễm, BV Nhi T.Ư

Bạn đọc quan tâm xin gửi câu hỏi về địa chỉ: online@baotienphong.com.vn

MỚI - NÓNG