Tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Dao

Tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Dao
TP - Đó là Triệu Tài Vinh, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ông Nguyễn Hữu Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Giang cho hay: Triệu Tài Vinh là tiến sĩ người Dao số một - số một có nghĩa là đầu tiên và đến giờ vẫn là duy nhất.

Sinh ra trong gia đình nghèo ở Hồ Thầu - xã khó khăn nhất huyện Hoàng Su Phì, là anh cả nên từ nhỏ, Tài Vinh đã lo gánh vác nhọc nhằn cùng mẹ.

Anh nhớ lại: “Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, bố tôi đi làm cách mạng, nhà chỉ còn mẹ và ba đứa em nheo nhóc.

Là cán bộ xã nhưng vì gia cảnh khó khăn nên mẹ tôi vẫn phải lên nương trồng lúa kiếm cái ăn cho mấy anh em. Hồi đó tôi mới 4-5 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải lên nương với mẹ. Em bé hơn được mẹ địu còn tôi lũn cũn theo sau…”.

Và Tài Vinh còn nhớ như in những buổi cùng bạn vào rừng bất kể cái lạnh miền núi tê buốt tận xương hay những ngày mưa gió rầm rì đường lầy trơn trượt để vác những cây củi “chó đẻ” về nhà cho mẹ đun bếp, để chống chọi với buốt giá miền rừng.

Vinh thương mẹ vì mẹ vất vả lại bị bệnh tim. Chẳng thế mà những vác củi to, dài hơn người vẫn đu trên lưng cậu bé mải miết từ rừng về nhà, những bước chân nhỏ thó in dấu mười đầu ngón chân trên cả đoạn đường dài.

Ít lâu sau, Vinh rời xa góc bếp nơi có bồ thóc đen một màu bồ hóng của mẹ, tay bị tay nải xuống huyện học Trường thiếu nhi rẻo cao. Vốn sáng dạ, tiếp thu bài nhanh nên thầy cô dưới xuôi lên cắm bản ai cũng quý mến cậu bé người Dao ham học, vóc dáng nhỏ nhắn mà lanh lẹ.

Trong ngôi nhà khang trang mới xây dựng vài năm nay, Tài Vinh cứ nhỏ nhẻ kể về những năm tháng tuổi thơ thiếu hơi ấm của mẹ. Sáu tuổi đã “dứt gấu váy mẹ” đi học nội trú, mỗi năm Vinh chỉ được về thăm nhà vào dịp Tết hay nghỉ hè.

Đi học cái chữ không khó nhọc như mỗi bận theo mẹ lên nương, không phải chịu cảnh đói rét  nhưng cậu bé Vinh phải học cách tự chăm lo cho bản thân từ miếng ăn, giấc ngủ, bài vở đến những trận ốm không người thân bên cạnh.

Hết tiểu học, gia đình đã hướng Tài Vinh vào trường thiếu sinh quân. Môi trường quân đội đã rèn Vinh thành người thanh niên cứng cáp, có lý tưởng. Tài Vinh xúc động nói: Quả thực, cuộc đời tôi phải biết ơn những năm tháng ấy, vì nhờ rèn luyện mà tôi mới thành người tự lập và có khả năng độc lập rất cao như bây giờ.

Năm 1990, cậu thanh niên Tả Pan (còn gọi là Đại Bản - một nhánh trong đại gia đình bảy anh em dân tộc Dao) xuống Thái Nguyên học ĐH Nông nghiệp III. Cũng trong thời gian này Vinh và cô lớp phó phụ trách học tập xinh xắn đã ngầm “để ý” nhau.

Kết thúc có hậu của chuyện tình này là một đám cưới. Tài Vinh nói vui: Năm 1995, tôi lấy được hai “bằng” một lúc. Một bằng ĐH và “bằng” xuất sắc của tôi chính là bà xã tôi bây giờ.

Đám cưới xong hai người về quê, Tài Vinh làm cán bộ văn phòng của UBND huyện Hoàng Su Phì.

Đến những chuyến du học

Hà Giang mùa này chỉ có nắng vàng sắc lạnh. “Chủ nhà” thấy khách liền buông việc, chiếc quần xắn ống cứ thế để nguyên bên thấp bên cao chạy ra đón khách. Một tấm hình lớn đủ bốn thành viên treo ngay phòng ngoài. Nụ cười của hai vợ chồng Tài Vinh bên cạnh cậu cả trai lém lỉnh và cô út gái dễ thương đủ thấy niềm hạnh phúc tràn đầy trong căn nhà này.

Năm 1997, Triệu Tài Vinh được cử qua Ấn Độ học một khóa ngắn hạn về công nghệ chế biến... Chuyến đi này chỉ có mình anh và thời gian từ lúc được cấp visa đến khi lên máy bay chỉ có một ngày chuẩn bị. Bố anh khi biết chuyện đã khuyên can con trai: Lần đầu đi nước ngoài, lại một thân một mình đến đó biết làm thế nào, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì không ứng cứu kịp, hay là thôi ở nhà.

Thế rồi máy bay cất cánh vẫn chở theo một người đàn ông dân tộc Dao, chở theo ước mơ đến với đất nước có công nghệ chế biến vỏ lạc, sọ dừa… cùng những vật liệu khác thành gạch dùng trong xây dựng.

Năm 2000, Tài Vinh được cử sang Nhật Bản học một lớp về Hợp tác xã. Chuyến đi thứ hai này anh không còn đơn thương độc mã. Tôi hỏi đi hai nước đó anh giao tiếp bằng tiếng gì, hai con mắt vốn nhỏ nay có dịp nhăn tít lại đầy hóm hỉnh: Tiếng Anh chứ, nhưng trước khi nói là tôi phải “đệm” bát rượu ngô vào thì sau đó người ta mới hiểu.

Gia đình là điểm tựa

Triệu Tài Vinh tâm sự: Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều là cán bộ nhà nước nên quan điểm, tác phong được định hướng và đào tạo từ bé.

Từ việc được đi học cái chữ cho đến vào Trường Thiếu sinh quân vừa rèn luyện vừa học tập và sau này là các cấp học cao hơn đều có sự ủng hộ, động viên của gia đình.

“Hình ảnh người cha luôn là nỗi nhớ trong tâm trí anh. Chắc hẳn sẽ ít người hiểu được cảm giác của bọn tôi khi ông bắt mấy anh em phải chải đầu ngang và rẽ ngôi, lần đầu tiên trong đời.

Bố luôn là người “khai sáng” chúng tôi như thế, cả hồi đó cho đến mãi sau này để chúng tôi trưởng thành!” - TS Triệu Tài Vinh tâm sự.

Với một người như Tài Vinh, những chuyến du học ấy mang lại cho anh nhiều thứ, từ tích lũy kiến thức đến kinh nghiệm trong việc thực hành mô hình hợp tác xã (HTX) địa phương với chủ trương kiện toàn lại theo hướng HTX dịch vụ.

Chặng đường học tập của Tài Vinh không ngừng khi năm 2002 anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong nước và tiếp tục theo học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Lúc này, anh đã giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện... 

Điện thoại reo liên tục giữa cuộc trò chuyện, Chủ nhật nhưng đầu giờ chiều Bí thư Vinh (từ 4/2007 Triệu Tài Vinh được bổ nhiệm là Bí thư huyện ủy) vẫn đi cơ sở thị sát. Ôtô đã đến chờ sẵn trước sân nhà.

Tài Vinh là gương mặt lãnh đạo trẻ được tín nhiệm và có nhiều “tiềm năng”. Năm 2006 anh đã được bầu là Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng khóa X. Anh kế tục được truyền thống tốt đẹp của quê hương:

Xã Hồ Thầu, mảnh đất “màu mỡ” đã sản sinh và nuôi dưỡng chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hoàng Su Phì và là xã duy nhất trong cả nước tính đến nay có bốn đại biểu Quốc hội. Anh Vinh cho biết: Hồ Thầu có nghĩa là đầu nguồn, xã Hồ Thầu lại ở vị trí đầu nguồn sông Chảy, âu cũng là vùng đất địa linh giàu truyền thống.

Nắng đã lên đứng bóng con sào. Anh Phó văn phòng Huyện ủy hết ra lại vào ý chừng muốn sếp chuẩn bị đi cơ sở cho kịp giờ. Ngày nghỉ nhưng không nghỉ ngơi, Triệu Tài Vinh lại tiếp tục lên xe cùng đồng nghiệp cua đèo vượt dốc đến với bà con dân bản, cùng họ tìm cách nâng cao giá trị gia tăng của chế biến chè và chưa lúc nào nguôi trăn trở làm thế nào để đưa dịch vụ (dầu, muối iốt, giống mới…) về tận xã bản…

MỚI - NÓNG