Hiệu trưởng chưa học hết cấp II?
Mới đây, bà Nguyễn Thị H (Văn Phú, Thường Tín, Hà Nội) tố cáo Hiệu trưởng trường mầm non Văn Phú đã có hành vi gian dối khi sử dụng bằng giả để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Trường mầm non Văn Phú (Thường Tín) trong nhiều năm qua.
Cụ thể, theo phản ánh của bà H, bà Nguyễn Thị N (Hiệu trưởng trường mầm non Văn Phú) đã móc ngoặc để mua bằng cấp 3 của một người khác cùng tên nhưng khác năm sinh. Theo thông tin bà H cung cấp, vị hiệu trưởng trường mầm non Văn Phú sinh năm 1972 nhưng tại sổ hộ khẩu và các giấy tờ bằng cấp đều ghi là 1975.
Trong đơn tố cáo, bà H còn cho biết, sự việc này đã được thanh tra và Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín có phản hồi làm rõ những thông tin đó nhưng bà không thỏa mãn với kết quả này.
Xác nhận với báo chí, bà H cho biết mình đúng là người gửi đơn tố cáo vị hiệu trưởng và đang rất mong chờ sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan chức năng.
Người phụ nữ này cho biết, nhà bà ở gần với gia đình hiệu trưởng N nên biết rất rõ về việc học hành của bà N. Bà H khẳng định, vị Hiệu trưởng Trường mầm non Văn Phú đương nhiệm không học hết cấp II mà bỏ dở giữa chừng nên việc bằng cấp của bà N chắc chắn có vấn đề.
Trở về quá khứ
Bác bỏ hoàn toàn những lời tố cáo của công dân, Hiệu trưởng trường mầm non Văn Phú Nguyễn Thị N khẳng định, nội dung tố cáo đang có phần bôi xấu danh dự, uy tín của bà và gia đình.
Trao đổi với PV vào chiều 26.10, bà N cho biết, bà sinh năm 1975, tất cả những bằng cấp của bà đều là chính quy và được bà học hành đàng hoàng, không hề có việc bà mua bán bằng của một người nào đó cùng tên nhưng khác năm sinh. Bà N cũng đặt câu hỏi không hiểu tại sao bà H - một người hàng xóm thân thiết của gia đình bà bỗng dưng lại có những thông tin phản ánh sai lệch như vậy về công việc cũng như bằng cấp của bà.
Lục lại trí nhớ, vị hiệu trưởng bị tố cáo sử dụng bằng giả cho biết, vào tuổi đi học, bà đi học đến hết lớp 7 thì nghỉ học giữa chừng. Sau đó một thời gian, đến năm 1990 bà lấy chồng, sinh con. Khoảng thời gian này, khi có điều kiện để đi học thêm, bà đã đăng ký đi học cấp 3 tại một trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề trên địa bàn.
Tuy nhiên, vì lý do bà chưa có bằng cấp II, không đủ điều kiện để xin thi vào hệ THPT nên các thầy cô đã đề nghị bà hoàn thành phổ cập trung học.
Vì lý do này, bà đã xin học hệ bổ túc vào năm 1998 tại một trường bổ túc nằm trên địa bàn xã Tân Minh (Thường Tín) và được cấp bằng trong năm này. Sau khi được cấp bằng THCS, đủ điều kiện tham gia thi lên cấp cao hơn là THPT, bà đã đăng ký thi hệ bổ túc với dạng thí sinh tự do và được cấp bằng đúng quy định sau khi hoàn thành khóa học.
Dứt lời, vị hiệu trưởng đưa ra những bản sao công chứng của những tấm bằng tú tài và THCS mà bà đang bị nghi ngờ dùng bằng giả.
Những tấm bằng của bà N được Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tây cũ cấp năm 1998 theo hệ bổ túc. Ảnh: HB
Theo ghi nhận của PV, tấm bằng THCS hệ bổ túc của bà N có số hiệu 050400, được cấp ngày 30.12.1998, do phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tây cũ Nguyễn Văn Học ký. Trên tấm bằng THCS này thể hiện rõ các thông tin như tên tuổi, năm sinh của bà N, khóa thi và các thông tin như ngày vào sổ cấp bằng...
Tương tự như tấm bằng THCS, tấm bằng tú tài hệ bổ túc của bà N cũng thể hiện rõ số hiệu bằng là 070730, được Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tây cũ Nguyễn Văn Học ký cấp vào năm 2008.
Khá mệt mỏi sau khoảng thời gian bị đưa đơn tố cáo, bà N cho biết bản thân và gia đình đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ việc này. Mặc dù đã có kết luận từ Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín khẳng định các nội dung tố cáo là không chính xác, nhưng theo lời bà N, sự việc đã ít nhiều làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của bà và gia đình.
Cũng trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Tiến (chồng bà N) nhận định, gia đình ông đã phần nào xác định được người đứng phía sau bà H để làm đơn tố cáo vợ ông.
Theo ông Tiến, giữa gia đình ông và gia đình bà H từ trước nay là hàng xóm của nhau, sống rất hòa thuận, tuy nhiên, thời gian gần đây có xảy ra một số hiểu lầm, mâu thuẫn không đáng có nên mối quan hệ giữa hai nhà có phần bị rạn nứt.
"Có thể một người nào đó lợi dụng sự bất đồng giữa bà H và gia đình nhà tôi nên đã đứng sau xúi giục bà này làm đơn tố cáo với nội dung không đúng như vậy để làm ảnh hưởng tới gia đình tôi. Bà H là một nông dân thuần khiết, hiện đang làm nông nghiệp ở quê, theo tôi khả năng cao là bà bị ai đó đứng sau xúi giục. Thậm chí, khi bà H được Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín mời lên tìm hiểu thông tin về đơn tố cáo, bà này còn không nhận là đơn của mình viết nhưng vẫn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ những nội dung trong đơn" - ông Tiến chia sẻ.
Trước sự việc ngày càng có hướng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới công việc và cuộc sống của gia đình, người chồng vị hiệu trưởng mầm non Văn Phú cho biết, gia đình ông có thể sẽ mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng cho gia đình ông trước những lời tố cáo sai sự thực.
Phòng GD&ĐT bác bỏ thông tin tố cáo
Ông Nguyễn Xuân Trường - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín cho biết, cơ quan này đã nắm bắt được sự việc và đã làm rõ thông tin từ những ngày đầu nhận được đơn tố cáo.
Ông Trường cho biết, quá trình xác minh, Phòng GD&ĐT đã đến các địa chỉ có liên quan như UBND xã Văn Phú và một số kênh thông tin khác để kiểm chứng, xác minh thông tin về bằng cấp của bà N. Sau khi xác minh khẳng định bằng cấp của hiệu trưởng Nguyễn Thị N đều là do bà tự thi, đúng thủ tục và được cấp đúng quy định.
"Hiện tại văn bằng bà N được cấp đều là chính thống, sau đó chúng tôi đã có công văn mời công dân tố cáo ra để gặp gỡ trao đổi, nhưng khi ra thì không cung cấp thêm được chứng cứ gì cả và công dân dứt khoát nói cô giáo N chạy bằng, mua bằng" - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thường Tín nói.
Để chứng minh những thông tin đưa ra, ông Trường cung cấp các số liệu văn bằng cấp II, cấp III cũng như cao đẳng, đại học của hiệu trưởng N và khẳng định sự xác tín chính thống của những tấm bằng này.