Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2020-2021.
Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục phổ thông.
Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ được tổ chức theo hướng giữ ổn định như năm 2020, nhằm đánh giá chính xác kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học theo chuẩn đầu ra của chương trình, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực của học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa.
Kết quả kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Bộ cũng sẽ thực hiện tốt công tác đối sánh kết quả thi tốt nghiệp với điểm trung bình học bạ của thí sinh, từ đó có chỉ đạo dạy học ở địa phương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường phổ thông.
Bộ nhấn mạnh việc chuẩn bị điều kiện để hướng tới xây dựng các ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ các môn học ở cấp THPT.
Kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
Như vậy, năm nay học sinh lớp 12 các trường phổ thông sẽ dự thi tốt nghiệp THPT với 5 bài thi, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, GDCD). Thí sinh đăng ký một trong hai bài thi tổ hợp và dự thi trong hai ngày.
Bộ GD&ĐT hướng dẫn tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá phẩm chất và năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bên cạnh đó, bộ hướng dẫn chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi.